05/11/2020 20:42 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 4/11, theo đúng tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đưa quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai thế giới này ra khỏi hiệp định. Đây được xem là một bước thụt lùi trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế và có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm.
Chính thức rút khỏi thỏa thuận lịch sử
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống nghiêm trọng trên thế giới hiện nay, kéo theo hậu quả là các hiện tượng thời tiết cực đoan và dịch bệnh ở những vùng chịu ảnh hưởng. Cho đến nay, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện nhiều hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn khi khiến nước biển dâng cao. Tính trong vòng 20 năm qua thì đã có tới 19 năm thế giới ghi nhận mức nhiệt kỷ lục, kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thống kê một cách chính xác vào cuối thế kỷ XIX.
Đối mặt với tình trạng đó, cộng đồng quốc tế trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực quan trọng để đạt được những cam kết về chống biến đổi khí hậu, trong đó Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (năm 2015), được xem như một giải pháp cho những bế tắc của Nghị định thư Kyoto năm 1992.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là một thỏa thuận do 197 nước đạt được tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015 trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) chi phối các biện pháp giảm carbon dioxide từ năm 2020. Hiệp định này đã được đàm phán trong Hội nghị lần thứ 21 của các bên Công ước khí hậu tại Paris (COP-21) và được thông qua ngày 12/12/2015. Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2016.
Nội dung chính của Hiệp định Paris bao gồm: Đạt mức phát thải lớn nhất càng sớm càng tốt và hạ thấp mức phát thải vào nửa sau của thế kỷ này; yêu cầu các quốc gia trên thế giới kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5-2 độ C; đánh giá quá trình thực hiện 5 năm/1 lần; đến năm 2020, cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển và cam kết tiếp tục hỗ trợ trong tương lai. Để thỏa thuận có hiệu lực trên thực tế, đóng góp vào tiến trình chung ứng phó biến đổi khí hậu, việc tham gia tích cực của các quốc gia lớn và liên quan nhiều đến vấn đề biến đổi khí hậu là rất cần thiết. Ở thời điểm đó, Hiệp định Paris được coi là một thỏa thuận lịch sử, một phần là bởi nó có được sự tham gia của các nước lớn, ví dụ như Mỹ.
Nhưng thật đáng tiếc, vào tháng 6/2017, Tổng thống Donald Trump sau khi lên nắm quyền đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định trên với lý do thỏa thuận này tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ. Ông Trump khi đó coi đây là “một hiệp định tồi” vì cho rằng hiệp định này bất công đối với Mỹ, làm giảm việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ.
Cơ sở để Tổng thống Trump có thể tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris là bởi chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Obama đã xem thỏa thuận này là một thỏa thuận hành pháp và không cần phải tham vấn và đồng ý của Thượng viện Mỹ. Do vậy, bất kỳ một chính quyền Mỹ nào sau đó cũng có thể đơn phương rút ra khỏi Hiệp định Paris mà không cần phải xin phép Quốc hội Mỹ.
Hơn nữa, trên thực tế Hiệp định Paris thậm chí cũng không phải là một hiệp ước mà thực chất chỉ là thỏa thuận không ràng buộc giữa các quốc gia có mức độ phát triển khác nhau, chịu trách nhiệm cho việc gây ra biến đổi khí hậu để giảm lượng khí thải trong nước. Về cơ bản, nó chỉ gắn kết cam kết phát thải tự nguyện của mọi quốc gia trong một diễn đàn duy nhất, với mong muốn các nước sẽ đặt ra các mục tiêu thậm chí khó khăn hơn theo thời gian.
Sau đó, vào ngày 4/11/2019, ngày sớm nhất có thể theo quy định của Liên hợp quốc mà một quốc gia có thể bắt đầu quy trình rút lui cuối cùng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nộp thủ tục giấy tờ để thực hiện ý định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Mỹ. Và quy trình này tự động hoàn thành một năm sau đó. Vì vậy, tính đến sáng ngày 4/11/2020, Mỹ đã chính thức không còn là một phần của nhóm các quốc gia cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó đặt mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu xuống mức 0 vào năm 2050 hoặc muộn hơn.
Hiện nay, trong số 197 nước đã ký Hiệp định Paris, có tới 189 quốc gia vẫn tiếp tục chính thức thông qua hiệp định này. Ban đầu Nicaragua và Syria từ chối ủng hộ nhưng cuối cùng cả hai đều tham gia thỏa thuận. Theo số liệu mới nhất, ngoài Mỹ, các quốc gia đã ký ban đầu nhưng chưa chính thức thông qua Thỏa thuận Paris là: Angola, Eritrea, Iran, Iraq, Nam Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen. Nhưng cho đến nay, không có quốc gia nào khác theo chân Mỹ rời bỏ thỏa thuận trên. Có thời điểm Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro từng đe dọa làm như vậy nhưng sau đó ông đã đảo ngược hướng đi.
Nước Mỹ và các nỗ lực chống biến đổi khí hậu
Là một quốc gia có ảnh hưởng lớn cả về vị thế chính trị, mối quan hệ sâu rộng với nhiều quốc gia khác, là thành viên quan trọng trong nhiều thỏa thuận quốc tế, việc Mỹ rút ra khỏi Hiệp định Paris sẽ làm cho công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu (nhất là tại các quốc gia đang phát triển) gặp khó khăn hơn nhiều. Bản thân các cơn bão lớn cứ liên tục xảy ra trong thời gian qua ở Mỹ cũng làm dấy lên mối quan ngại trong nội bộ Mỹ về tính đúng đắn của quyết định này của Tổng thống Trump và trách nhiệm của Mỹ trong việc bảo vệ môi trường chung cũng như cho chính lợi ích của nước Mỹ. Mặt khác, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris cũng có thể sẽ dẫn đến tiền lệ xấu để Mỹ có các hành động tương tự với các thỏa thuận quốc tế quan trọng khác mà nước này đã ký kết. Và thực tế là trong 4 năm qua, Mỹ đã thực hiện việc rút, rời khỏi nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế quan trọng.
Trong bối cảnh Mỹ đã chính thức khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu từ ngày 4/11/2020 theo quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump, lãnh đạo một số bang đã lên tiếng bày tỏ không tán thành quyết định này và quyết tâm bảo vệ hiệp định. Trên trang mạng Twitter, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã đăng lại bài viết của Liên minh Khí hậu Mỹ (USCA), một liên minh lưỡng đảng tập hợp các thống đốc bang, cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris. Bài viết của USCA khẳng định, bất luận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ như thế nào, 25 thống đốc bang tham gia USCA vẫn cam kết ủng hộ hành động vì khí hậu và hiệp định Paris, đồng thời kêu gọi chính quyền liên bang đưa Mỹ trở lại hiệp định này và đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio tuyên bố thành phố này sẽ không bao giờ từ bỏ hiệp định Paris và luôn cam kết hành động vì tương lai của hành tinh.
Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa cũng cho rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này sẽ để lại khoảng trống trong cơ chế hợp tác cũng như những nỗ lực toàn cầu để đạt được các mục tiêu và tham vọng của Hiệp định Paris. Liên hợp quốc lấy làm tiếc về việc Mỹ rút khỏi hiệp định Paris, đồng thời cảnh báo có những bằng chứng khoa học rõ ràng về tình trạng ấm lên toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động khẩn cấp. Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương mở rộng quy mô hành động và tăng cường phối hợp để giảm thiểu tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu đối với nhân loại.
Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, thời gian Mỹ nằm ngoài Hiệp định Paris sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn ra. Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử thì việc Mỹ sẽ tham gia trở lại vào Hiệp định Paris là rất khó xảy ra, bởi lâu nay ông Trump vẫn luôn phủ nhận những nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu.
Nhưng nếu chiếc ghế Tổng thống Mỹ lần thứ 46 gọi tên ứng cử viên Joe Biden thì nhiều khả năng ông Joe Biden sẽ đưa nước Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ngày 4/11/2020, đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 4/11, cựu Phó Tổng thống Biden viết: "Hôm nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức rời Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Và đúng 77 ngày nữa, chính quyền Joe Biden sẽ gia nhập trở lại hiệp định này". Ông Biden trong chiến dịch tranh cử vừa qua đã đề xuất một kế hoạch trị giá 1,7 nghìn tỷ USD để đưa Mỹ đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
Hơn bao giờ hết, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là các quốc gia trên thế giới cần thể hiện nhiều hơn nữa vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để có thể đảm bảo cho tương lai của Hiệp định Paris
Trọng Đức - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất