Nước Mỹ và câu chuyện tình với trái bóng tròn

26/10/2014 20:46 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc đến thể thao ở nước Mỹ, chắc hẳn ai ai cũng sẽ nghĩ đến môn bóng bầu dục với các chàng trai to cao vạm vỡ cùng với những cô nàng cheerleader bốc lửa.

Tôi cũng mang suy nghĩ đó khi tới Mỹ nhưng rồi một ngày, quan niệm ấy đã hoàn toàn thay đổi khi tôi may mắn tìm được một tấm vé dự khán trận đấu giữa Seattle Sounders và LA Galaxy vào đầu năm 2011. Những tiếng trống đánh rầm vang, fan hò reo cuồng nhiệt. Những chiếc khăn choàng, áo thi đấu màu xanh nõn chuối chói loá tràn ngập đường phố. Cả thành phố vào một chiều thứ bảy bỗng đông như ngày hội. Đó không phải Manchester, cũng không phải Dortmund hay Milan, mà là Seattle tại Mỹ.


Tác giả trong trận Roma - Real Madrid thuộc tour du đấu mùa Hè.

Sounders vs Galaxy, trận đấu mở màn Major League Soccer năm 2011, thu hút 55,000 CĐV, lấp kín từng chiếc ghế trên khán đài. Giá vé cho một trận đấu của Sounders không quá mắc, dao động từ 20 đô la đến 150 đô la, tuỳ chỗ ngồi. Tất nhiên, khi ngồi tuốt trên cao, bạn đến sân để thưởng thức không khí hò reo là chính, khi phần lớn thời gian của trận đấu, bạn phải “đỏ” mắt mới tìm được trái bóng đang ở hướng nào. Bỏ ra chỉ 50 đô la, tưởng chừng tôi đã phải ngồi ở một góc nào đó trong cái SVĐ to lớn này, thì bất ngờ thay, tôi và anh bạn được xếp chỗ ngồi khá sát đường biên của sân.


Tác giả trước trận đấu Sounders - Galaxy năm 2011.

Ở giải MLS, ngoài New Yorks Red Bull và LA Galaxy, có lẽ đội Sounders là đội được ông chủ cưng chiều nhất. Ngôi sao lớn nhất của Sounders thời đó là Fredy Montero, chân sút người Colombia. Hình ảnh của anh được trưng bày ở rất nhiều nơi trong thành phố, từ các biển quảng cáo ở cao tốc cho tới những banner cổ động được giăng cao trên các toà cao ốc. Ở Seattle, Montero là số 1, giống như Ronaldo là siêu sao duy nhất ở Real Madrid. Khi Montero rời Seattle để tới Sporting Lisbon, không còn ai nhắc tới anh nữa, các banner, hình ảnh âm thầm được tháo xuống. Người hâm mộ muốn cất anh vô ngăn khoá của quá khứ, để hình ảnh của anh mãi mãi là một ngừoi hùng chứ không phải là kẻ phản bội.


CenturyLink Field cuồng nhiệt không khác gì một sân bóng ở giải Ngoại hạng Anh.

Khoảnh khắc bước vào SVĐ, tôi cứ ngỡ như mình vừa chui qua cánh cửa thần kỳ để chu du đến Wembley, Allianz Arena hay một sân vận động nào đó ở Âu Châu. CenturyLink Field (sân nhà của Sounders) hiện ra trước mắt tôi hoành tráng và đẹp lộng lẫy. Cả cầu trường được phủ một màu xanh lá đặc trưng của đội. Các cổ động viên không ngừng reo hò, tạo ra một không khí cực kì náo nhiệt, nhưng không hề có cảm giác thù địch hay căng thẳng.

Trước mắt tôi là David Beckham bằng xương bằng thịt. Cảm giác được “chiêm ngưỡng” siêu sao nổi tiếng này thật hạnh phúc, sung sướng, à không, phải nói là “đã” chứ nởi có khi nào khoảng cách giữa mình với huyền thoại của bóng đá giới lại gần thế này. Ở dãy ghế phía sau cầu môn là khu vực được bố trí riêng cho hội CĐV của đội Sounders. Các CĐV trung thành hát hò cuồng nhiệt không ngừng nghỉ, và các bài hát được chia đều một cách tỉ mỉ và chuyên nghiệp theo từng giai đoạn của trận đấu. Hãy cùng lắng nghe xem họ hát những gì:

Seattle
(by Perry Como)

The bluest skies you've ever seen are in Seattle
And the hills the greenest green, in Seattle
Like a beautiful child, growing up, free an' wild
Full of hopes an' full of fears, full of laughter, full of tears
Full of dreams to last the years, in Seattle
. . . in Seattle!

Bầu trời xanh nhất bạn chỉ có thể thấy ở Seattle
Các ngọn đồi, màu xanh nhất, ở Seattle
Giống như một đứa trẻ, lớn lên, tự do và hoang dại
Căng tràn niềm hy vọng, đầy ắp nước mắt và nụ cười
Nuôi nấng những giấc mơ cho đến mãi sau, ở Seattle
… ở Seattle

Sounders 'Til I Die
(Hát ở phút thứ 74)

I'm Sounders 'til I die
I'm Sounders 'til I die
I know I am, I'm sure I am
I'm Sounders 'til I die

(Tôi là fan Sounders đến khi nằm xuống...)

Trận đấu kết thúc với tỉ số 1-0 nghiêng về đội khách đến từ California. Mặc dù thua nhưng ai cũng tươi cười rạng rỡ. Họ đến với SVĐ để thưởng thức bóng đá, giải trí bên gia đình và những ly bia mát lạnh. Ở Mỹ, bóng đá vẫn còn quá trẻ để tạo nên sự thù địch. Thua, họ vẫn cười, nhưng chiến thắng thì nụ cười ấy tươi tắn và có ý nghĩa hơn nhiều. Rời khỏi SVĐ khi trời đã sập tối, CĐV đổ ra đầy đường tạo nên bầu không khí hỗn loạn, xe cộ và giao thông trở nên tắc nghẽn.

Những anh chàng cảnh sát vạm vỡ vất vả lắm mới có thể dẫn đường cho hàng chục ngàn CĐV ra bến tàu điện. Những tiếng hò reo “Sounders! Sounders!” vẫn vang vảng. Các cặp tình nhân ôm hôn say đắm ở một góc đường giữa biển người hối hả, ngỡ như không gian ấy chỉ của hai người. Giây phút này, người lạ bỗng thành người quen thân thiết khi những ly bia được “cheers”, những lời hỏi han và bình luận về trận đấu được trao đổi giữa những cơn người không quen biết. Niềm tự hào Sounders đã xoá bỏ khoảng cách ấy. Tất cả hoà chung một niềm đam mê và tình yêu vô tận: Sounders.


Theo cảm nhận của người viết, người Mỹ cũng rất yêu bóng đá.

Lần dự khán trên đã xoá bỏ khái niệm người Mỹ không yêu quý môn thể thao vua của tôi. Có thể tôi may mắn, khi được sống ở thành phố yêu bóng đá nhất nước Mỹ này. Nhưng cũng có thể, môn thể thao này đang trở thành “hoàng tử” trong con mắt người dân Mỹ. Còn nhớ ở kì World Cup vừa qua, người Mỹ trở nên “crazy” thế nào khi The Yanks (biệt danh đội tuyển Mỹ) lọt vào vòng sau. Tôi cùng anh bạn ra quán bar xem Mỹ đấu với Bỉ mới thấy không khí ấy cuồng nhiệt không kém một quán cà phê của Việt Nam. Những tiếng thở dài tiếc nuối sau các cơ hội bị bỏ lỡ, cũng như những tiếng hò vang “USA! USA!” không ngớt.

Năm 2014, Clint Dempsey, DeAndre Yedlin, những con người mới, đã trở thành những biểu tương hiện thời của đội Sounders. Niềm tự hào ấy càng gia tăng sau khi chiếc băng thủ quân của tuyển Mỹ được đeo lên tay Dempsey, và Yedlin trở thành cầu thủ trẻ tuổi nhất trong đội hình của The Yanks dự World Cup ở Brazil.


Dempsey, biểu tượng mới của đội bóng Sounders.

Bây giờ, đi đâu, tôi cũng thấy hình ảnh của Dempsey và Yedlin trong màu áo xanh tràn ngập phố phường. Montero đã trở thành hoài niệm. Người dân Seattle và người Mỹ nói chung không thích nhìn về quá khứ. Đối với họ, hiện tại là nụ cười và hạnh phúc. Có thể, Montero đã đem lại cho họ những cảm xúc thăng hoa nhất định, nhưng một khi đã rời bỏ nơi đây thì bạn không thuộc về mảnh đất này nữa.

Với Clint Dempsey và Yedlin, bầu trời vẫn mãi xanh, ở Seattle, như câu hát mãnh liệt được cất lên mỗi trận đấu, và mỗi cuối tuần, cả thành phố vẫn trở thành ngày hội bóng đá cuồng nhiệt. Tất cả cho một tình yêu và đam mê bất diệt!

Vũ Đào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm