13/05/2017 20:14 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Người đàn bà trên cầu thang của tác giả Bernhard Schlink, một câu chuyện tình lãng mạn, thậm chí có phần “sến sẩm".
Bìa cuốn "Người đàn bà trên cầu thang"
Cuốn tiểu thuyết vừa mới được giới thiệu tới độc giả Việt Nam trong buổi ra mắt sách diễn ra tại Viện Gothe. Dịch giả của cuốn sách – Lê Quang cùng biên tập viên Trần Kiều Vân là 2 diễn giả chính trong buổi tọa đàm này.
Thông qua Người đàn bà trên cầu thang, qua câu chuyện xoay quanh chuyện tình tay bốn giữa họa sĩ nổi tiếng thế giới, nhà tài phiệt, luật sư và cô gái, Bernhard Schlink đã phơi bày bức tranh sự thật về thực tế lịch sử của nước Đức.
Đó là thời kì mà bức tường Berlin đã chia cắt nước Đức thành 2 nửa Tây và Đông Đức. Và nhân vật cô gái trong truyện, vì chạy trốn sự truy nã của nhà cầm quyền Cộng hòa liên bang Đức do tham gia một tổ chức khủng bố, đã rời bỏ người chồng tài phiệt giàu có, cùng với anh họa sĩ trốn sang Cộng hòa Dân chủ Đức ở phía Đông. Cô gái đã kịp nhận ra vẻ đep của một Đông Đức mà trước đó cô chưa hề nhận thấy, cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ đảo chiều tất cả.
Quang cảnh buổi giới thiệu "Người đàn bà trên cầu thang"
Tác giả Bernhard Schlink là một luật sư, ở ông có sự khô khan và thực tế. Nhưng đọc truyện của ông, người đọc vẫn có thể thổn thức với sự gợi cảm mà ở đó, từng chi tiết và câu từ được ông vuốt ve thật mượt mà. Với biệt tài mổ xẻ những ẩn ức tăm tối trong lòng người, Bernhard Schlink đã viết nên một tiểu thuyết về tình yêu thật cuốn hút, mê hoặc.
Và dịch giả Lê Quang, với sự am hiểu về ngôn ngữ cùng văn hóa Đức, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Người đàn bà trên cầu thang là câu chuyện mà với người đọc “hăng hái“ có thể lướt qua nó trong vòng 2 ngày. Nhưng có lẽ, đó khó có thể là một câu chuyện mà bất kì ai có thể cảm nhận được hết giá trị chỉ với một lần mở sách, về những ý nghĩa, kiến thức mà tác giả đã lồng ghép đầy tinh tế qua từng câu từ", dịch giả Lê Quang nói.
Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết tình cảm nhẹ nhàng, để ta mang theo khi du lịch, vừa đọc vừa thư giãn dưới ánh đèn mờ rồi bỏ nó lại khách sạn sau những ngày nghỉ. “Người đàn bà trên cầu thang” ẩn chứa nhiều vấn đề khiến người ta phải suy ngẫm. Nó mang nhiều giá trị, ý nghĩa và lợi ích cho độc giả mà ai cũng có thể rút ra được một chút kiến thức (nói một cách khiêm tốn) cùng bài học đáng quý.
Bernhard Schlink (sinh 1944 ở Đức) là giáo sư Luật và thẩm phán Tòa án hiến pháp cấp bang, đã viết gần 20 tác phẩm, được trao nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước Đức.
Ông nổi tiếng với tiểu thuyết Người đọc (1995) - giải Prix Laure Bataillon cho văn học dịch của Pháp, giải Grinzane Cavour của Ý...
Tiểu thuyết mới nhất Người đàn bà trên cầu thang vừa xuất bản đã lọt vào danh sách bestseller của tác chí Der Spiegel, và bán bản quyền dịch cho hơn 10 nước trên thế giới. Bernhard Schlink hiện đang sống ở Berkshire (Massachusetts) và Berlin.
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất