08/10/2016 06:50 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày gần đây, trên mạng xã hội tràn ngập clip 3 nữ sinh bị hành hung hội đồng. Theo clip, 3 em nữ sinh này đã quỳ để 6 nữ sinh khác xé áo, dùng dép tông tát vào má nhiều lần. Những lời lẽ không hay ho của các nữ sinh cũng xuất hiện trong clip...
Ngay khi vụ làm nhục kinh hoàng này chưa lắng, hàng loạt các clip liên quan tới bạo lực học đường khác đã lan tràn trên mạng. Một nữ sinh ở Thái Bình đã bị nhóm nữ sinh khác đạp, dẫm vào mặt trong đau đớn và bất lực; hai nữ sinh Huế văng tục, đánh bạn giữa đường.Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, báo chí gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh về nạn bạo lực học đường đang ở mức cực kỳ nghiêm trọng.
Điểm lại dòng tin tức về chủ đề này thời gian gần đây: 10 tháng trước, nữ sinh lớp 7 rạch mặt nữ sinh lớp 9 ở Đồng Tháp; 9 tháng trước, nữ sinh Huế đánh bạn tới tấp ngay trước phòng học; 5 tháng trước, nữ sinh Sóc Trăng "gạt tay" bôm bốp vào má bạn ngay giữa lớp học...
Các nữ sinh đánh hội đồng bạn tại Trường THCS Võ Trường Toản, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh cắt từ clip đăng trên Facebook
Sau các vụ việc, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp nghiêm minh để xử lý những hành vi sai phạm. Theo lời khai của các nữ sinh hành hung, có vô vàn lý do dẫn đến những hành vi bạo lực: ghen tuông; không cho chép bài; thách thức qua Facebook; "mặt kênh kiệu"; hay đơn giản là... ngứa mắt.
Việc các em học sinh đang ở "tuổi nổi loạn", dễ bị kích động có thể hiểu được. Việc các em miệt thị "đối thủ" bằng mọi cách: cả trong đời thực lẫn thế giới ảo cũng là hệ lụy tất yếu của xã hội thông tin.
Mâu thuẫn ở chỗ: người ta luôn đổ lỗi cho gia đình, xã hội, nhà trường song người ta cũng liên tiếp chia sẻ những clip nữ sinh đánh nhau. Những em học sinh đánh bạn, quay clip, tung lên Facebook để hả cái tôi cá nhân, để miệt thị thêm kẻ bị hại đã được những nút share vô tâm của cộng đồng mạng hưởng ứng.
Còn, những em học sinh bị hành hung tập thể, sau cú tát ngoài đời là liên tiếp những "cái tát" của dư luận. Những clip ghi lại phút đau đớn, tủi hận được lặp đi lặp lại. Những "clip hot", trào lưu mạng đã cuốn các em đi xa hơn một cuộc bị làm nhục tập thể tại trường...
***
Năm 1996, tại cảng Arthur, đảo Tasmania (Úc), một vụ xả súng kinh hoàng đã diễn ra khiến 35 người thiệt mạng. Đáng nói, trước khi thực hiện vụ án, hung thủ đã nói rằng một trong những động cơ để hắn thực hiện hành vi này là khiến nhiều người nhắc tới tên mình khi tới cảng Arthur.
Song, hắn đã không đạt được điều mình muốn. Khu di tích lịch sử cảng Arthur, nơi xảy ra vụ án kinh hoàng, đã không có bất cứ thông tin nào về vụ án. Một tấm biển nhỏ được đặt ở nơi dễ nhìn là điều duy nhất nhắc nhớ tới vụ án.
Đại thể, trong tấm biển ghi rằng du khách có thể đã biết đây là nơi xảy ra một thảm họa khủng khiếp. Song, xin đừng hỏi thêm về thông tin vụ án bởi rất nhiều người thân của nạn nhân đang làm việc ở đây. Chúng ta không nên gợi lại nỗi đau đối với họ.
Lựa chọn im lặng của những người quản lý cảng Arthur là thái độ cương quyết chống lại cái ác. Đó cũng là thái độ cần thiết với nút "share"; nút "like" trên mạng xã hội với những nữ sinh đánh nhau. Việc xử lý nghiêm những hành vi lệch chuẩn để răn đe là cần thiết. Song, việc chia sẻ lại những clip người hành hạ người man rợ là vô cảm.
Nói đúng hơn, đó là hành vi bất nhẫn!
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất