15/03/2023 21:07 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Là nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam, bà Hoàng Xuân Sính đã dành cả một đời để cống hiến vì sự nghiệp giáo dục. Ở tuổi 90, bà vẫn luôn khắc khoải về những hoài bão xây dựng một nền giáo dục tiên tiến nhất, mong cho thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội phát triển toàn diện nhất.
Bà Hoàng Xuân Sính (sinh ngày 8 tháng 9 năm 1933) là một nữ chính khách, nhà quản lý giáo dục, nhà toán học, giáo sư và nhà giáo Nhân dân người Việt Nam. GS. Hoàng Xuân Sính là vừa là nữ tiến sĩ vừa là nữ giáo sư toán học đầu tiên ở Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), bà Sinh khi ấy được cậu ruột đón sang Pháp học tiếp chương trình phổ thông, rồi lên Đại học, chuyên ngành toán học. Kiến thức toán học từ ấy cứ đến với bà như một lẽ tự nhiên mà bà gọi là “dường như Toán học đã chọn tôi”.
Năm 26 tuổi, bà đã xuất sắc đủ tiêu chuẩn để học lên Tiến sĩ tại Đại học Toulouse (Pháp) - một cấp học mà ở Pháp, chỉ có con cháu hai dòng họ danh giá Marie Curie và Langevin mới dám thi và có cơ may đỗ.
GS. TSKH. NGND Hoàng Xuân Sính
Dù con đường sự nghiệp rộng mở ở Pháp, bà vẫn tự nguyện rời bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở trời Tây để trở về nước ngay trong những năm tháng cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Tấm gương cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh xả thân cứu nước đã tác động sâu xa đến tâm hồn bà ngay từ khi còn là một cô nữ sinh trung học tại Hà Nội trong những năm thành phố này tạm thời bị quân đội viễn chinh Pháp chiếm đóng (1947 - 1954).
Giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam trên trang bìa báo Phụ nữ Việt Nam
Bà từng chia sẻ “ Tôi luôn nhớ tới lời dạy của Bác Hồ đối với anh chị em Việt kiều: "Mỗi người cố học giỏi lấy một nghề, sau này trở về phục vụ Nhân dân". Những lúc Tổ quốc gian khó nhất, là những khi Nhân dân cần chúng ta nhất. Tôi biết, trở về chính là yêu nước”. Ba tháng sau khi nhận bằng Thạc sĩ, bà về nước, với một vali quần áo và một hòm sắt sách vở.
Cả một cuộc đời gắn bó với nghề giáo, đồng hành cùng lịch sử phát triển giáo dục Việt Nam, Giáo sư Hoàng Xuân Sính chỉ muốn nhắn nhủ với thế hệ trẻ trong 3 chữ: “lòng nhân ái”.
Bà nói: “Nếu con người không có lòng nhân ái với nhau thì xã hội sẽ không thể tiến bộ được”. Chính lòng nhân ái đã làm nên “cái tâm” của một nhà giáo, soi rọi cho “cái tài”, giúp bà có những đóng góp lớn lao cho nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học.
Giáo sư Hoàng Xuân Sính trong buổi đón tiếp Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười năm 2009
Về nước trong thời kỳ khó khăn nhất, không cho bản thân một ngày nghỉ ngơi, bà Sính đã đến Bộ Giáo dục “xin việc” và quyết định giảng dạy tại Đại học sư phạm Hà Nội. Trường cách nhà 10 km nên hàng ngày, nhà giáo ấy phải dậy từ sáng sớm, đạp xe đi/về 20km, có ngày họp đến 10 giờ đêm mới xong.
“Lớp học chỉ là nhà tranh vách đất, bắt đầu từ 6h30 trong ánh đèn le lói. Sinh viên đến lớp mùa đông với đôi chân trần, không áo ấm. Không micro, thầy cô giáo gân cổ nói từ bục giảng đến cuối phòng để toàn lớp đều nghe thấy. Không sách vở, thư viện hầu như không có sách, tất cả bài giảng đều do các thầy cô tự ghi chép”, bà kể lại.
Giáo sư Hoàng Xuân Sính luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt công tác giảng dạy
Nghĩ lại những năm tháng đời sống sư phạm khó khăn, bà Sính không hề sốc khi viễn cảnh khác xa với thực tế. Bà và những người đồng nghiệp luôn động viên nhau, cùng chung suy nghĩ xây dựng để ngày mai Tổ quốc tốt đẹp hơn, Nhân dân hạnh phúc hơn. “Đó cũng là lý tưởng chung của thanh niên chúng tôi ngày đó, không phải của riêng tôi. Tôi chỉ hì hục làm về chuyên môn, không suy nghĩ gì khác. Bởi tôi cho đó là lẽ sống của mình”, bà tâm sự đầy xúc động.
Từ một lá thư của Giáo sư Bùi Trọng Liễu gửi về từ Pháp năm 1988 với ngỏ ý mời 5 nhà khoa học cùng lập nên một trường Đại học tư nhân, bà Sính đã nung khát khao xây trường sao cho khắc phục các nhược điểm của trường ĐH công lập trong hoàn cảnh bấy giờ. “Tôi xin mở trường tư thục với hai lý do: giúp giảng viên bớt khổ, có thể sống bằng nghề của mình và thay đổi giáo trình giảng dạy, mang kiến thức du học nước ngoài truyền đạt tới các thế hệ sinh viên”, giáo sư chia sẻ.
Bà đã liều lĩnh một thân một mình đến gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, xin mở trường Đại học nhưng không xin tiền Nhà nước và được đồng thuận. Khóa đầu tiên của trường đón nhận nhiều sinh viên giỏi, thiếu 1, 2 điểm vào những trường ĐH danh tiếng lúc bấy giờ như Bách Khoa, Sư phạm…
Học phí lúc bấy giờ là 10 cân gạo. Nhà trường không thể thu nhiều hơn vì sợ học phí đắt sẽ là hòn đá cản đường sinh viên đến với con chữ. Vậy nên, thời gian đầu, trường hoạt động dựa vào nguồn tài chính của chính bà Sính và khoản tiền quyên góp từ Pháp.
Giáo sư luôn đề cao hai từ “trách nhiệm” với sự nghiệp “trồng người” của mình
Trường đại học Thăng Long đã quy tụ những giáo sư đầu ngành với mức lương 5 USD/giờ, so với các trường khác lúc bấy giờ là ở mức cao để giúp những nhà giáo có điều kiện tập chung vào chuyên môn, không còn nỗi lo cơm áo. Tuy nhiên, sau 3 năm, nguồn quyên góp từ Pháp cũng cạn dần, chính bà Sính lại phải đích thân sang Pháp để kêu gọi quyên góp, cốt sao giữ trọn 2 chữ “trách nhiệm” với sinh viên, giảng viên và các bậc phụ huynh.
Ngôi trường khi ấy nhỏ bé, lụp xụp ở trong những con ngõ, con hẻm mà hai người đi xe máy không vừa, cứ 6 tháng, một năm lại phải chuyển địa điểm một lần. “Có những ngày, không đủ trả tiền cho lao công, tôi đến trường từ 6 giờ sáng để quét lớp. Sinh viên trông thấy hiệu trưởng trong dáng hình lao công thì không nhịn được mà bật cười. Không quát mắng, tôi chỉ nghiêm khắc: "Các em cầm chổi, quét cùng tôi", bà kể lại trong niềm xúc động khôn xiết.
Bà Hoàng Xuân Sính trong bức ảnh chụp cùng gia đình ở tuổi 90
Đã bao năm qua đi, hiện tại, bà đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thăng Long. Bà vẫn luôn trăn trở về tương lai của nền giáo dục Việt Nam: “Bởi còn lo lắng, là tôi còn trăn trở, còn cố gắng, còn khát khao: "Một ngày nào đó, sinh viên Việt Nam sẽ được hưởng nền giáo dục tốt nhất, phát triển trọn vẹn tài năng của mình". GS. TSKH. NGND Hoàng Xuân Sính chính là tấm gương sáng của nền giáo dục Việt Nam, là động lực giúp những nhà giáo chân chính luôn giữ vững niềm khát khao, nhiệt huyết, vượt qua mọi khó khăn, gian khó trong cuộc sống.
Nguồn ảnh: Tạp chí giáo dục, HNUE
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất