Chủ tịch LHP Cannes 'sỉ nhục đất nước Hồi giáo' vì... hôn lên má diễn viên

23/05/2014 22:55 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) – Cuối tuần trước, hàng loạt hãng tin lớn như BBC, Fox News... đã đồng loạt đưa tin về việc chính quyền Iran, bao gồm cả Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hoseyn Nushabadi cho rằng quốc gia này đã “bị xúc phạm” khi Chủ tịch LHP Cannes Gilles Jacob hôn lên má Leila Hatami trong buổi chào đón ngôi sao điện ảnh của đất nước Hồi giáo này.

Hatami là diễn viên thủ vai nhân vật chính trong A Separation (Cuộc Chia Ly) – bộ phim từng giành giải Oscar 2012 trong hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của năm. Đây là lần đầu tiên Iran có một tác phẩm điện ảnh giành một giải thưởng danh giá trên thế giới. Và đến năm nay, Leila Hatami trở thành một trong năm nữ giám khảo của giải Cành cọ vàng trong “đại tiệc” LHP Cannes 2014 bên cạnh chủ tịch ban giám khảo Jane Campion, đạo diễn Sofia Coppola và nữ diễn viên Carole Bouquet.

Sự phẫn nộ ở Iran không chỉ dấy lên từ việc nhà phê bình điện ảnh Gilles Jacob “vi phạm luật Hồi giáo” khi đặt một nụ hôn lên má Hatami, mà nữ diễn viên nổi tiếng này còn bị dư luận trong nước chỉ trích gay gắt khi “cầm tay một người đàn ông mà không phải chồng mình” và mặc một chiếc váy không đúng với quy chuẩn của luật lệ Hồi giáo truyền thống. Ngoài ra, nhà chức trách Iran còn cho rằng quốc gia này đã “bị xúc phạm” khi nữ chính của A Separation để cổ áo quá rộng và không hề dùng mạng che mặt.

Hình ảnh gây "chấn động" quốc gia Hồi giáo Iran

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Iran Nushabadi giận dữ phê phán sự xuất hiện  và những hành động của Hatami ở Cannes là “vi phạm đức tin tôn giáo”. Một tờ báo về tôn giáo và nhà nước Iran đánh giá hành động bắt tay Chủ tịch LHP Cannes 2014 của Hatami là “hành vi khác thường và không phù hợp”.

Đối với một đất nước Hồi giáo xem nặng luật Sharia như Cộng hòa Hồi giáo Iran thì việc bắt tay, hôn lên má, để lộ một phần của cổ hay mỉm cười với người khác giới sẽ bị xem là những hành động không thể chấp nhận được.

Trang frontpagemag bình luận: “Thay vì tập trung vào các vấn đề đáng quan tâm như tình trạng thất nghiệp (15% dân số Iran không có việc làm), nghèo đói, lạm phát (40%) hay nâng cao đời sống của người dân, các Bộ trưởng và giới chức Iran lại quan tâm đến nụ hôn của một nữ diễn viên vì nó vi phạm hành vi giao tiếp của đạo Hồi”. 

Thậm chí, ở quốc gia Hồi giáo khắt khe này, đi bộ cùng người khác giới ở nơi công cộng trong khi chưa lập gia đình cũng bị cáo buộc là vi phạm luật lệ tôn giáo. Phóng viên Majid Rafizadeh của trang điện tử nói trên cũng cho biết, nhiều lần đi trên đường phố Iran cùng người khác giới, anh bị cảnh sát đạo Hồi yêu cầu chứng minh hai người là vợ chồng. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi việc “động chạm thân thể” như trường hợp của Leila Hatami lại bị coi là một điều “khủng khiếp” và “vi phạm đạo đức” theo luật Sharia.

Nữ diễn viên của A Separation không phải là trường hợp đầu tiên hay duy nhất gây ra “sóng gió dư luận”. Thực tế, Golshifteh Farahani – một nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng khác ở Iran đã bị chính phủ nước này cấm quay trở về quê hương sau khi cô đóng một cảnh ngực trần trong bộ phim ngắn của mình và hình ảnh này đã xuất hiện trên một tạp chí của Pháp trong năm 2012. 

Trả lời về việc lên án của các phương tiện truyền thông hay sự phẫn nộ của người dân Iran về điều mà họ coi là “sự sỉ nhục đến phẩm chất của phụ nữ Hồi giáo”, nhà phê bình điện ảnh Gilles Jacob cho rằng Hatami chỉ điều chỉnh hành động phù hợp với giao tiếp thông thường ở phương Tây và tất nhiên không có lý do để phê phán hay chỉ trích hành động ấy.

“Trong thời điểm đó, đối với tôi, cô ấy đại diện cho cả làng điện ảnh Iran và sau đó, Hatami lại trở về là một người phụ nữ Hồi giáo bình thường”, Chủ tịch LHP Cannes bày tỏ.

Trước “vụ việc” được xem là “chấn động” ở Iran, trên Twitter, nhiều người trên khắp thế giới đã chia sẻ những ý kiến bình luận khác nhau nhưng bao trùm vẫn là sự bất bình về những quy định hà khắc đến vô lý của đất nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Hải Yến
Theo Frontpagemag.com

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm