NTK Võ Việt Chung: Áo dài 1.000m lụa không phải để “trình diễn”

19/09/2010 11:54 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày 4/10 tới đây tại Trung tâm hội nghị White Palace (TP.HCM), chiếc áo dài 1.000m lụa có tên Hội trùng dương của nhà thiết kế Võ Việt Chung sẽ ra mắt trong chương trình cùng tên và được truyền hình trực tiếp trên HTV9 từ lúc 20h30.

Mục đích và ứng dụng của chiếc áo dài này vào việc gì là một câu hỏi nên đặt ra với chủ nhân của nó.

* Được biết anh cùng với khoảng 50 cộng sự đã bắt tay vào dự án áo dài này từ tháng 7/2007 đến tháng 8/2010. Anh nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng đây là một việc làm gây sốc, nhằm tạo dấu ấn nhân Đại lễ?

- Trả lời những câu hỏi như thế này chẳng có ích gì cả, vì trong suốt 20 năm qua, để làm nên dấu ấn thương hiệu Võ Việt Chung, gây sốc chẳng giúp được gì, thậm chí nó có thể làm cho tên tuổi và đẳng cấp của mình đi xuống vực thẳm. Thẳng thắn mà nói: Võ Việt Chung đủ tự trọng và tự tin để đi trên con đường của riêng mình, chẳng phải ganh đua với ai. Tôi tạo nên chiếc áo dài này từ một ý tưởng khác.


NTK Võ Việt Chung  (trái) và Hoa hậu Mai Phương Thúy
là người đầu tiên mặc áo dài 1.000 mét lụa. Ảnh: TL

 * Anh có thể nói một chút về ý tưởng đó?

- Chiếc áo có 9 tà (giống như 9 cái đuôi), mỗi tà dài hơn 100 mét, được chắt lọc từ lụa truyền thống của ba miền Bắc, Trung, Nam và cả lụa hiện đại.

Qua chiếc áo, tôi muốn nói về những thăng trầm của nghề dệt lụa và của lịch sử dân tộc; tôi cũng muốn kết nối một hành trình phù sa của hàng ngàn con sông làm cho mảnh đất Việt Nam tươi tốt, đặc biệt 9 nhánh sông Cửu Long - nơi tôi sinh ra và lớn lên. Sông, phù sa, dâu tằm và người dệt lụa là một gắn kết hữu cơ, là một câu chuyện mà tôi muốn kể trong chiếc áo kỳ công này. Người mặc chiếc áo dài này sẽ đội một khăn đóng, được Zela tài trợ/ chế tác từ hơn1/2 kg vàng và khoảng 2.000 viên kim cương từ 1,2 ly đến 5,2 ly - tất cả chỉ để tôn vinh vẻ đẹp, sự quý phái và sự thăng hoa của người phụ nữ Việt trong chiếc áo dài.

* Theo thông tin đã công bố, thì tổng giá trị (bao gồm cả tiền công chế tác) của chiếc áo và khăn đóng này là hơn 4 tỷ đồng, nhưng muốn mặc được nó và bước đi bình thường là không thể. Trong đêm 4/10 tới đây, cũng như các đêm khác tại Hà Nội, Hàn Quốc và một số nước khác, anh sẽ cho người mẫu làm gì để giới thiệu chiếc áo này với người xem?

- Khi nói tới thời trang thì chúng ta thường nghĩ tới những thiết kế dành cho trình diễn hoặc dành cho ứng dụng, tôi thì muốn chiếc áo này dành cho sắp đặt. Tôi muốn sự tĩnh tại để người xem có đủ thư thái mà chiêm ngưỡng, ngẫm ngợi. Còn việc sắp đặt áo dài như thế nào thì phải đợi đến đêm Hội trùng dương mới xem được.

Cũng xin nói thêm, khi tôi mới bắt tay vào làm bộ áo dài này thì có rất ít người quan tâm, thậm chí còn nghi ngờ, nhưng khi làm xong, thì quá nhiều nơi muốn đứng ra chia sẻ công việc này. Nói vậy cũng đủ thấy, cái mà ngày nay có ý kiến cho rằng làm ra để gây sốc, thì khi mới bắt đầu, tôi phải làm trong sự nghi ngại và cô đơn, nếu không có đủ ý chí, rất có thể tôi đã bỏ cuộc. Cho nên, để có được chiếc áo ngày hôm nay, tôi đã xuất phát từ đam mê và đi tận cùng đam mê, chứ không phải vì một lý do nào khác.

* Nhưng cũng có người nghĩ anh làm vì kỷ lục?

- Theo quan niệm của tôi, người làm nghệ thuật không thể tách rời mình ra khỏi thời cuộc, nên nhân 1.000 năm Thăng Long tôi làm một áo dài 1.000m với rồng cuộn, mây bay... cũng là lẽ thường tình. Bản thân tôi không thích tranh đua, nhưng việc xác lập kỷ lục Việt Nam và cả Guinness thế giới (?) trong tháng 10 này sẽ giúp cho việc quảng bá câu chuyện áo dài ra quốc tế hiệu quả hơn. Trong một vài công việc, mình phải dẹp bỏ sự ích kỷ, sự nghi kị của cá nhân, để vì việc chung.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm