22/01/2023 11:00 GMT+7 | Giải trí
Nhắc tới Xuân Bắc, khán giả sẽ nghĩ tới anh Núi thăng trầm trong Sóng ở đáy sông, MC hoạt ngôn và sâu sắc của loạt game show Đuổi hình bắt chữ, Vua tiếng Việt, Hỏi xoáy đáp xoay, Ơn giời cậu đây rồi… và không thể thiếu vai Nam Tào tinh quái, thích bắt nạt cô Đẩu trong Táo Quân. Hiện tại, anh còn đảm nhiệm vai trò Giám đốc nhà hát kịch Việt Nam. Có thể nói ở vai trò nào NSƯT Xuân Bắc cũng để lại dấu ấn riêng.
Là người ít khi nhận lời phỏng vấn, nhưng nhân dịp xuân Quý Mão 2023, NSƯT Xuân Bắc đã dành thời gian trò chuyện với chúng tôi, giãi bày những trăn trở trong đời tư cũng như sự nghiệp. Nhìn lại hành trình gần 30 năm làm nghề, anh cho rằng đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, trau dồi bản thân. Theo anh, người nghệ sĩ không chỉ cần thanh sắc, thục, tinh, khí, thần mà còn phải có có kiến thức, hiểu biết xã hội, nhận thức chính trị đúng đắn. Xuân Bắc tin rằng khi nghệ sĩ có đam mê, biết trau dồi, không ngừng nỗ lực hoàn thiện mình thì cuộc sống cũng sẽ dễ thở hơn – cuộc sống luôn công bằng như thế.
* Xuân Bắc được khán giả biết đến với rất nhiều vai trò: diễn viên truyền hình, diễn viên kịch, lãnh đạo nhà hát, MC truyền hình... Nhưng gắn liền với dịp Tết thì người ta chắc chắn nói đến Xuân Bắc - Nam Tào. Vai diễn này có vai trò thế nào với anh?
- Nhờ tất cả các vai diễn, công việc tôi làm từ xưa đến nay thì mới tạo được nên Xuân Bắc bây giờ. Tôi có rất nhiều vai diễn, tiểu phẩm nhưng vai Nam Tào, tôi cảm nhận rõ tác động của nó tới sự nghiệp của mình. Trước đó, tôi nghĩ đó là một chương trình truyền hình đơn thuần. Tôi chỉ nghĩ cố hết sức làm nó, như món quà của nghệ sĩ chân chính gửi tới khán giả nhân dịp đầu năm mới. Sau đó, mọi người nhắc nhiều tới vai Nam Tào, Táo Quân và chương trình trở nên đại chúng.
Bây giờ, mọi người nói chương trình đã qua 20 năm tôi mới biết, còn tôi chỉ nghĩ ngày xưa tập xuyên đêm thì bây giờ tập đến nửa đêm mà thôi.
Vai diễn này cho tôi nhiều điều kiện, gắn kết với anh em trong nghề, cơ hội để tôi đến gần với khán giả và được mọi người yêu thương. Theo tôi, không nên tách biệt Nam Tào với các vai diễn khác trong Táo Quân, nhắc đến dàn nghệ sĩ Táo Quân là đủ. Tôi muốn đứng chung trong dàn nghệ sĩ ấy. Tôi nghĩ mỗi người đã làm tốt vai trò của mình trong chương trình để tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh.
Khi tôi làm, không nghĩ chương trình kéo dài đến vậy, không ngờ được yêu thích đến thế, dù có nhiều ý kiến trái chiều, mở tivi thấy mặt ông này là muốn tắt. Ê-kíp đã nỗ lực để có câu chuyện hay, tình huống hay.
* Nhắc đến Nam Tào, khán giả cũng không thể quên được cô Đẩu. Trên sân khấu, cặp Tào - Đẩu đã có những tương tác ăn ý và dường như không thể tách rời. Vậy ngoài đời giữa hai anh có sự hiểu ý như vậy?
- Tôi và anh Lý đã phối hợp với nhau cùng diễn show từ những năm 2000, chúng tôi hiểu nhau, hiểu tính cách con người nhau và quan trọng là tôi trân trọng tài năng của anh Lý. Tuy nhiên chúng ta phải rất rõ ràng giữa vai diễn và cuộc đời. Bi kịch là nhiều người cứ nghĩ cuộc đời giống như trên sân khấu. Mặc dù có ý kiến cho rằng cuộc đời mỗi người là một vai diễn - diễn với đời, diễn với xã hội (Cười).
Tôi và anh Lý diễn xuất rất ăn ý. Ăn ý bởi nhiều yếu tố như kịch bản tạo ra hai nhân vật ăn ý, với tình huống người đấm kẻ xoa, được thể hiện bởi hai diễn viên hiểu ý cho nên khi xuất hiện trong Táo Quân chúng tôi như một máy gặt đập liên hợp (Cười).
Mà đúng thật, Ngọc Hoàng có Nam Tào, Bắc Đẩu hai bên thì cứ gọi là "búa bổ đầu chim sẻ". Anh Công Lý rất giỏi, xây dựng nhân vật đanh đá, chua ngoa nhưng không những không bị ghét mà mọi người còn cảm thấy cực kỳ đáng yêu.
* Dường như chính sự thể hiện ăn ý của hai anh khiến hai diễn viên trẻ thay thế bị khán giả phản ứng?
- Trong một tập thể không ai là không thể thay thế. Việc các diễn viên trẻ bị khán giả phản ứng là do thói quen, tình cảm của mọi người dành cho dàn nghệ Táo Quân già chúng tôi (Cười).
Tre già măng mọc là điều hết sức bình thường. Các bạn đang làm có thể chưa đáp ứng được kỳ vọng của mọi người nhưng họ đã làm rất tốt và trưởng thành từng ngày. Rất mong khán giả xem với tâm thế đơn giản, đừng phán xét và luôn tạo điều kiện cho lớp trẻ vươn lên, trưởng thành và tỏa sáng như chúng tôi - thế hệ đi trước mong các bạn ấy trưởng thành.
Thực tế, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng Táo Quân thường bị chê năm nay nhạt hơn năm ngoái (Cười).
* Anh đã phản ứng ra sao khi bị đọc những bình luận chê, kiểu như thấy ông này muốn tắt tivi?
- Tôi bình thường! Nhưng nói không buồn thì không đúng. Buồn chứ, nghĩ chứ, "tụt mood" chứ nhưng có câu nói này hay lắm: "Khi biết mình là ai mọi sự gièm pha đều trở nên vô nghĩa". Và khi nghĩ đến câu nói này tôi lại… kéo "mood" lên. (cười).
Khen chê là quyền của mọi người. Nhưng chúng tôi không xấu hổ vì hời hợt, không cố gắng. Nếu mọi người không vừa lòng, mình sẽ xem xét để cố gắng hơn. Đạt được hay không còn do khả năng, điều kiện.
Bây giờ, nếu khen Xuân Bắc diễn hay quá tôi vui nhưng không vui quá, chê diễn dở tôi buồn nhưng không quá buồn. Tôi quen với những nhận xét hai chiều. Bạn nghĩ đi, cái gì cũng có hai chiều, chưa hẳn lời chê là xấu, chỉ là do cảm nhận khác nhau thôi. Tôi đón nhận như điều tất yếu, dễ hiểu của cuộc đời.
* Về tin Táo Quân sẽ chia tay khán giả sau Tết năm nay, cá nhân anh có bao giờ mường tượng ra một đoạn kết cho thương hiệu 20 năm tuổi?
- Tiếc chứ. Sự việc, vấn đề nào cũng có giá trị lịch sử riêng. Nếu Táo Quân phải dừng lại thì coi như chương trình đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Có những lễ hội tồn tại cả 1.000 năm nhưng bây giờ phải bỏ vì đã không còn phù hợp. Nếu Táo Quân khép lại sẽ có những chương trình khác phục vụ khán giả vào dịp Tết. Điều đấy cũng là bình thường.
* Anh từng chia sẻ có thời điểm làm nhiều game show, các chương trình truyền hình nhưng vẫn diễn cả 100 đêm với nhà hát kịch Việt Nam. Con số này chứng tỏ anh luôn ưu tiên cho sân khấu?
- Tôi được cái xác định rất rõ mục tiêu của mình. Trong tình yêu cũng thế, tôi không bao giờ nói lời yêu với hai người phụ nữ trong cùng một khoảng thời gian. Tôi biết mục tiêu, mục đích và nơi nào mình cần bảo vệ, vun đắp. Tôi làm chương trình ở TP.HCM, book vé máy bay ra Hà Nội buổi trưa, để tập buổi chiều. Sau đó, chiều tối tôi lại trở lại TP.HCM làm tiếp theo đúng lịch của nhà hát và không cảm thấy phiền gì cả.
Tôi luôn nghĩ: "Không được, mình phải về. Không về tập được thì chết". Cùng một vấn đề nhưng khi có suy nghĩ tích cực sẽ giúp mình có động lực. Tất nhiên lãnh đạo nhà hát, anh em đồng nghiệp rất thông cảm và hiểu tôi. Nếu họ không giúp đỡ, tôi không thể hoàn thành công việc của nhà hát.
Trong khoảng thời gian tranh thủ cày show bên ngoài và thực hiện nhiệm vụ của nhà hát, tôi cũng có nhiều sai sót. Nhưng những sai sót không phải do tôi coi thường công việc, mà là do bất khả kháng, vẫn trong phạm vi, không vượt qua giới hạn. Tóm lại, tôi luôn ưu tiên công việc của nhà hát là số một.
Bây giờ, khi làm lãnh đạo nhà hát, tôi tạo điều kiện cho các bạn trẻ mở rộng phạm vi công việc để xây dựng thương hiệu bản thân và tăng thu nhập đồng thời tạo thêm gương mặt và uy tín cho nhà hát.
* Ở vị trí của anh có thể nghỉ vài buổi tập, thậm chí nhờ người thế vai trong các suất diễn chính thức?
- Nếu bạn nghỉ được 1 buổi thì sẽ nghỉ được nhiều buổi. Cát-xê làm sự kiện có thể là 50 triệu hơn 1.000 lần so với 50 nghìn đồng ở nhà hát, nếu tính toán như thế ngay lập tức mình sẽ có cân đối và suy nghĩ thiệt hơn ngay. Nhưng nếu bỏ 1.000 buổi tập thì tôi đâu còn là nhân viên của nhà hát.
Đồng tiền cùng mệnh giá thì có giá trị giống nhau nhưng nếu sử dụng với mục đích, thời điểm và đối tượng khác nhau thì sẽ có giá trị khác nhau. Đối với nghệ sĩ chúng tôi uy tín nghề nghiệp, uy tín cá nhân và tinh thần phục vụ khán giả phải luôn được đặt cao nhất.
* Một ngày chỉ có 24h, bằng cách nào để anh làm tốt nhiều việc cùng lúc?
- Một ngày ai cũng chỉ có 24h, muốn làm được nhiều việc phải biết ưu tiên việc cần, quan trọng. Trong cuộc sống, chúng ta luôn đứng chênh vênh giữa các lựa chọn. Mỗi sự lựa chọn đó cho chúng ta kết quả khác nhau. Bạn không thể vừa muốn uống trà, đánh răng, nấu cơm, chơi điện tử trong cùng thời gian. Bạn phải lựa chọn. Nếu bạn mong muốn làm cả 4 việc, bạn buộc phải phân chia thời gian và lấy thêm thời gian của việc ngủ, đi chơi, đọc sách…
Ai cũng muốn có một máy tính khỏe, hoạt động đa nhiệm. Và nếu chúng ta muốn trở thành chiếc máy đắt tiền, bạn phải hiển thị hình ảnh đẹp, rõ nét, hoạt động đa nhiệm, biết cái gì cần cái gì không. Nếu bạn muốn có giá trị buộc phải bố trí thời gian phù hợp thông qua hành động. Tôi phải bố trí phù hợp công việc chuyên môn, nhà hát, gia đình, bạn bè trong vòng 24h (cười).
* Để đạt được mọi thứ, người ta đôi khi phải chấp nhận đánh đổi điều gì đó?
- Mọi thứ đều có hai mặt. Tôi không có thời gian bù khú với bạn bè. Nếu có rảnh buổi tối, tôi dành để nghỉ ngơi hoặc bồi dưỡng kiến thức. Tôi nói không với trà, café, thuốc lá, rượu bia. Tôi vẫn có những buổi ăn uống với bạn bè nhưng sẽ không có kiểu chén tạc chén thù và bỏ việc để nhậu. Tôi nói với bạn bè rằng lúc vui chơi có thể đừng gọi tôi, vì gọi chưa chắc tôi đã đến, nhưng việc trọng đại trong đời họ, tôi sẽ có mặt. Tôi xác định rõ điều đó. Tôi có những người bạn mà mình sẵn sàng đưa một số tiền lớn mà không cần hỏi lý do. Làm bạn thì dễ, nuôi dưỡng tình bạn thì khó.
* Có khi nào anh bị cuốn vào công việc và ít có thời gian về thăm, trò chuyện với bố mẹ?
- Con cái thăm bố mẹ bao nhiêu là đủ? Kể công sức cha mẹ dành cho con bao nhiêu là vừa? Tôi nghĩ chỉ cần chúng ta biết một điều rằng mình luôn ưu tiên và dành cho việc về thăm bố mẹ. Bố mẹ cũng biết rằng con đã cố gắng về thăm thế là đủ. Đủ là khi cả hai bên cảm nhận được sự chân thành, cảm xúc của nhau. Theo tôi, quan trọng nhất là sự chân thành trong chính mình. Bất cứ lúc nào về thăm bố mẹ được thì tôi về. Trong thực tế đã có nhiều lúc tôi coi việc về thăm bố mẹ là ưu tiên số một. Hạnh phúc khi có quê để về, có bố mẹ già để phụng dưỡng.
Cho đến giờ phút này tôi ít làm cho bố mẹ buồn. Tôi chỉ tiếc bố mẹ đã lớn tuổi, không có điều kiện để đi chơi, thăm thú các nơi với con cháu. Tôi mong bố mẹ đủ sức khỏe, để khi muốn đi đâu là lên đường đi luôn. Trong phạm vi tôi có thể, bố mẹ mong gì tôi đáp ứng ngay, không nề hà. Bây giờ bố mẹ "càng già càng bướng", khó bảo lắm (cười).
* Hài hước trên sân khấu nhưng ngoài đời có vẻ anh nghiêm túc như một thầy giáo?
- Tôi nét căng mà! Tôi luôn cố gắng xây dựng nếp sống lành mạnh. Tôi quan niệm môi trường gia đình quan trọng, tạo nền tảng cho mỗi người. Có rất nhiều câu nói, hành động của mình tác động đến con. Tôi thường nói với hai con mình: Nghề chân chính nào trong cuộc sống cũng đáng trân trọng. Con làm nghề gì cũng được miễn là phải giỏi. Con giỏi gì cũng được nhưng việc đầu tiên là phải biết yêu thương mọi người, đặc biệt là gia đình mình, chứ không phải khóc than cho người ngoài, còn người thân bỏ bê. Đừng có ra sức đi làm từ thiện ở đâu đó khi bố mẹ ốm mà không quan tâm.
Tôi cũng nói các con: "Bố không dạy con hết được kiến thức nhưng dạy con ý thức, nhận thức vấn đề, còn lại các con tự hoàn thiện mình". Tôi yêu thương con nhưng rất nghiêm khắc. Nhiều người có cách giáo dục là không bao giờ mắng mỏ, đòn roi. Tôi thì khác, có thể đánh đòn rất đau, hai con khóc rất to. Nhưng mình đánh làm sao để con hiểu trong đó vẫn thấm đẫm tình yêu thương và sau đó con nhận ra cái sai của mình. Tôi yêu thương con bằng cảm xúc nhưng dạy con bằng lý trí.
* Theo anh, điều khó nhất trong việc dạy những đứa trẻ sinh ra từ vạch đích như con anh là gì?
- (Cười lớn) Những đứa trẻ "sinh ra từ vạch đích" chỉ cách nói của mọi người mà thôi. Các cháu sinh ra và chúng tôi nuôi con với đầy đủ khó khăn như bao gia đình khác. Là cha mẹ, chúng tôi cố gắng hoàn thiện chính mình khi dạy dỗ các con. Tôi nghĩ vạch đích lớn nhất của mỗi đứa trẻ cần phải có lại là … vạch xuất phát. Vạch xuất phát là nhận thức, ý thức, nền tảng giáo dục chứ không phải ô tô đẹp hay điện thoại xịn. Tôi xác định kinh tế không phải vạch đích đến của trẻ em mà là định hướng, nền tảng giáo dục. Nền tảng đó không phải một sớm một chiều mà có ngay.
* Trong vlog, anh dạy hai con làm việc nhà, làm vườn, dùng máy khoan... Quan điểm dạy con của anh thế nào?
- Trong gia đình, tôi quan điểm phải tạo sự công bằng, bình đẳng với nhau. Bố mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, con có trách nhiệm nghe lời và chấp nhận những điều tốt đẹp bố mẹ làm cho con. Bố chờ con tắm xong để ăn cơm, con cũng phải có trách nhiệm chờ và mời bố ra ăn cơm chứ.
Bây giờ, mọi người hay nói nhiều đến việc bố mẹ gây sức ép cho các con nhưng lại quên mất việc trẻ em cũng góp phần không nhỏ tạo ra stress cho bố mẹ. Trẻ con có vấn đề gì mọi người nói lỗi do bố mẹ gây sức ép về học hành, sinh hoạt nên con mới thế. Trong khi rất nhiều bố mẹ bị stress trầm trọng vì con cãi bướng, không nghe lời, nói dối, lười học, phá phách… thì ít được nhắc tới. Vậy sự bình đẳng tôi muốn nói đến là sự tác động qua lại giữa các thành viên trong gia đình là như nhau.
Tất nhiên bố mẹ là những người trưởng thành phải có nhận thức, lý trí, bản lĩnh khác. Không thể đòi hỏi sự bình đẳng ngang hàng với nhau mà bình đẳng trong nhận thức để có trách nhiệm tạo ra những cảm xúc tốt đẹp, yêu thương nhau của mỗi thành viên trong gia đình.
* Anh có nghĩ với tài năng và sự nổi tiếng của mình, anh sẽ là cái bóng rất lớn của các con?
- Bây giờ tôi có thể làm gì khác (Cười). Tôi nghĩ rằng bất kỳ người cha tử tế nào cũng là cái bóng, chỗ dựa vững chắc của con. Nhưng là cái bóng để bảo ban, chở che, giáo dục, nhắc nhở chứ không phải để con ỷ lại.
Tôi là nghệ sĩ, được mọi người yêu mến và bằng cách nào đó các con tôi cũng được mọi người quan tâm. Tôi nói thẳng với các con rằng nên tự hào về bố, không việc gì phải trốn tránh. Nhưng điều quan trọng là phải cố gắng xứng đáng với tình cảm của mọi người dành cho. Bên cạnh đó, cũng cần có kỹ năng sẵn sàng đối phó với những điều không mong muốn, phiền toái từ sự nổi tiếng mang lại. Phải luôn chú ý có những hành vi, cử chỉ phù hợp. Tất nhiên điều đó cần cả một quá trình. Tôi vẫn nói với các con có 999 lời khen nhưng chỉ 1 lời chê cũng tác động tiêu cực đến tâm lý. Nhưng con đã chấp nhận được lời khen thì cũng phải biết chấp nhận được lời chê.
Bản thân tôi trải qua nhiều chuyện nhưng cũng không có công thức xử lý chỉ biết cố gắng làm tốt nhất có thể. Có một câu rất hay: "Khi bạn biết mình là ai thì mọi sự gièm pha đều trở nên vô nghĩa". Chúng ta buộc phải sống với sự thật. Tôi dặn con tôi đừng bao giờ che giấu sai lầm bởi vì nó sẽ leo thang. Tất nhiên đó lý thuyết, mình phải hướng dẫn con. Nếu chúng ta chân thành với chính mình thì mọi việc có vẻ dễ giải quyết hơn.
* Ở vai trò lãnh đạo Nhà hát kịch Việt Nam, anh đánh giá gì về tình hình sân khấu năm qua?
- Nhà hát kịch Việt Nam là nhà hát kịch nói lâu đời nhất ở Việt Nam. Vừa rồi chúng tôi nhận Huân chương Lao động nhân dịp 70 năm. Mặc dù nhà hát là đơn vị có lượng NSND, NSƯT nhiều nhất cả nước, có bề dày lịch sử nhưng vẫn gặp khó khăn như các đơn vị khác. Đó là do sự tác động của cơ chế thị trường, sự phát triển quá nhanh của xã hội. Trong khi đó những người làm sân khấu đã có một khoảng thời gian ngủ quên trong hào quang, luôn nghĩ rằng mình là "ông hoàng bà chúa". Một số người lại chỉ nhớ mình là "ông hoàng bà chúa" mà quên cụm từ "trên sân khấu". Đầy đủ là sân khấu là thánh đường, nghệ sĩ là ông hoàng bà chúa trên sân khấu. Nghệ sĩ vẫn là người bình thường mà.
Khách quan là hiện tại có quá nhiều cách tiếp cận, phương tiện nên sân khấu dần có khoảng cách với khán giả. Bây giờ, tình hình đã dần khác bởi những người làm sân khấu biết cách thổi vào sức sống cho sân khấu. Từ sau dịch, nhà hát của chúng tôi biểu diễn hàng tuần. Đây có thể không có gì ghê gớm nhưng với chúng tôi là sự nỗ lực. Chúng tôi tiếp cận khán giả thông qua những trang thương mại điện tử, nền tảng mạng…
Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn hơn 100 đêm gồm tại sân khấu, diễn ở tỉnh, nước ngoài. Năm qua, chúng tôi phối hợp với nhiều đơn vị nghệ thuật nước ngoài như Hàn Quốc, Australia… thực hiện một số vở diễn gây tiếng vang.
* Thực tế những tiểu phẩm của anh trên mạng đạt con số triệu view, hàng chục triệu view nhưng số lượng khán giả đến với sân khấu rất hạn chế?
- Đó là sự thay đổi. Mỗi loại hình nghệ thuật có sức sống xuất phát từ thực tế, nhu cầu đòi hỏi của xã hội. Mọi người hay nói kịch ngày xưa hay lắm. Phải công nhận các bậc tiền bối diễn hay trong giai đoạn đó. Nhưng giả sử mang một vở kịch đó vẫn tài năng ấy diễn cho khán giả bây giờ liệu mọi người còn có thấy hay?
* Phải chăng trong thời buổi công nghệ phải chấp nhận thực tế sân khấu đã mất chỗ đứng?
- Điều này chính xác. Sự mất vị thế đó mang tính lịch sử, sứ mệnh lịch sử. Những năm 80, 90 thế kỷ trước là thời kỳ hoàng kim của kịch nói nhưng cũng không mạnh bằng thời William Shakespeare – khi đó sân khấu đỏ đèn, quý tộc phải nuôi nghệ sĩ. Mỗi loại hình nghệ thuật có giai đoạn phát triển hưng thịnh, thoái trào… Sân khấu sẽ có giai đoạn bùng nổ hoặc thoái trào và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện tại sân khấu khó khăn nhưng không bao giờ chết.
* Về vấn đề thu nhập ít ỏi của diễn viên và việc cải thiện thu nhập cho họ khiến anh trong vai trò giám đốc trăn trở ra sao?
- Trong quản lý nghệ sĩ còn nhiều bất cập. Nghệ sĩ sân khấu nhưng bản chất là cán bộ công nhân viên vì chúng tôi được quản lý theo Luật Lao động, Luật Công chức viên chức. Việc phân loại hạng công chức nhiều khi khó hiểu. Tôi là giám đốc nhưng nhận lương diễn viên hạng ba trong khi hạng 4 là thấp nhất. Có những người là NSND nhưng nhận lương diễn viên hạng 4 vì đơn giản họ không có bằng đại học. Vì sao tôi chưa lên hạng? Vì chưa có đợt thi. Như vậy đúng là khó khăn.
Bên cạnh lương nhà hát, tôi tạo điều kiện cho diễn viên tăng thu nhập như để họ đi đóng phim truyền hình, tham gia sự kiện, quảng cáo. Phải khẳng định rằng những ai thực sự chăm chỉ làm, chăm học, có ý chí để hoàn thiện bản thân, nâng cao nhận thức xã hội họ sẽ có cuộc sống dễ thở. Đó là sự công bằng với mọi ngành trong xã hội, không riêng nghệ sĩ.
* Không phải ai cũng may mắn có nhiều show, không ít diễn viên trẻ phải bỏ nghề hoặc chạy xe công nghệ, làm shipper để gia tăng thu nhập?
- Đó là cách để họ duy trì cuộc sống. Tôi không làm cách nào khác được. Nhưng cũng phải nói lại, nếu đứng ra một hàng, sòng phẳng với nhau thì có những ai xứng đáng là diễn viên của một nhà hát quốc gia? Nhà nước có thể trả lương cao hơn nhưng những nghệ sĩ ấy phải xứng đáng là hàng đầu, chăm chỉ luyện tập, có thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần và hiểu biết xã hội.
Tất nhiên tôi mong muốn các nghệ sĩ, diễn viên được quan tâm, đánh giá đúng vị trí. Cơm áo không đùa với khách thơ nhưng cũng không thể vì thế mà từ bỏ ước mơ. Ranh giới của sự trưởng thành mong manh lắm. Nếu hôm nay bạn rời bỏ nhà hát đi làm việc khác, có thể bạn sẽ sớm mua được ô tô nhưng 10 năm sau bạn sẽ khác nữa – nghề nghiệp khác, vị trí khác, con người khác. Và lúc đó, chúng ta nhận ra đời mình không chỉ cần nhà và ô tô mà còn có những giá trị khác.
Tôi thường khuyên các bạn trẻ không gì bằng nỗ lực phấn đấu và biết mình là ai bằng cách lập kế hoạch cho bản thân ở 5 năm sắp tới. Và để đạt được mục đích ấy phải biết làm bắt đầu từ việc gì. Hôm nay, nhìn một người giữa trưa hè đang đứng dưới bóng râm của một cái cây có tán rất to, phải biết rằng họ đã trồng cây từ cách đây 20 năm rồi.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất