05/06/2023 07:41 GMT+7 | Văn hoá
Trung tâm bồi dưỡng nghệ thuật thuộc Hội Sân khấu TP.HCM vừa chính thức đi vào hoạt động, đặt trụ sở tại số 5B Võ Văn Tần, TP.HCM. Trung tâm này được điều hành bởi NSƯT Trịnh Kim Chi (Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM).
Về đối tượng học viên, trung tâm sẽ chia 2 nhóm tuổi: từ 18 đến 30 tuổi; từ 30 trở lên. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện cùng Trịnh Kim Chi về mục tiêu và tương lai của trung tâm này.
Danh hài Hoài Linh cũng là học viên
* Trong phần giới thiệu về trung tâm, nhiều người ngạc nhiên khi thấy NSƯT Hoài Linh cùng các diễn viên chuyên nghiệp khác… đứng trong hàng ngũ học viên. Xin chị cho biết rõ hơn về điều này?
- Kỳ này danh hài Hoài Linh đăng ký học lớp đạo diễn sân khấu. Trung tâm sẽ mở các lớp như đào tạo diễn xuất, đạo diễn, biên kịch, thanh nhạc tân nhạc, cải lương, MC... Khi chúng tôi thông báo thông tin này, nhiều anh chị em nghệ sĩ chuyên nghiệp đã đăng ký học như là cách để củng cố kiến thức, hoặc bổ sung những kỹ năng mà bản thân họ thấy cần thiết.
Danh hài Hoài Linh luôn luôn gọi NSND Trần Ngọc Giàu (Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM) là thầy, tuy nhiên, anh chỉ mới làm việc với thầy trên sàn diễn hoặc phim trường. Kỳ này thầy Giàu trực tiếp giảng dạy lớp đạo diễn, nên anh Linh đã rất hăng hái, anh muốn trực tiếp thọ giáo thầy để trang bị thêm kiến thức.
Theo chia sẻ của nhiều anh chị em nghệ sĩ đồng nghiệp khác, bản thân họ muốn học thêm về đạo diễn, hoặc biên kịch, nhưng do quá tuổi quy định khi thi vào các trường công lập, hoặc là không có thời gian để theo học đúng thời khóa biểu của trường. Chính vì vậy, họ đã gác lại ước muốn đó.
Giờ đây, trung tâm chúng tôi hướng đến cách dạy truyền nghề, linh hoạt giờ giấc, đậm tính "thực chiến", tập trung vào những kiến thức chính, nên phù hợp với các bạn nghệ sĩ đang hành nghề. Bởi vì, ngoài thầy Giàu, phần dạy đạo diễn còn có sự tham gia của nhiều đạo diễn kinh nghiệm và có nền tảng kiến thức tốt như Nhâm Minh Hiền, Xuân Phước, Phương Điền, Trương Dũng... Các đạo diễn này cũng lo luôn phần đào tạo diễn xuất.
* Ngay trong khóa học đầu tiên này, học viên trẻ và đối tượng không phải là nghệ sĩ có đăng ký nhiều không, thưa chị?
- Họ chiếm đa số. Các bạn này thì xác định học nghiêm túc để làm nghề. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thu hút một nhóm doanh nhân. Những anh chị này bận rộn với việc kinh doanh, nhưng muốn học diễn xuất để hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, để có thể tham gia sinh hoạt văn nghệ trong cộng đồng doanh nhân.
Trong dịp Hè này, chúng tôi sẽ chiêu mộ tầm 15 em thiếu nhi học diễn xuất và trình diễn thời trang. Thời gian học từ 12 đến 14 tháng sẽ tốt nghiệp khóa căn bản. Những ai muốn tiếp tục học thì đăng ký lớp nâng cao.
* Như vậy, sự ra đời của trung tâm hẳn là mang theo nhiều dự định lớn?
- Hội Sân khấu TP.HCM có chức năng bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ và hỗ trợ kỹ năng diễn xuất. Nhưng trước đây, vì lực lượng nhân sự mỏng nên Ban chấp hành hội chỉ tập trung vào mảng chăm lo cho nghệ sĩ nghèo, bệnh tật và neo đơn. Khi tham gia Ban chấp hành, tôi xin ý kiến cấp trên về việc thành lập trung tâm đào tạo này. Sau khi bàn bạc, Ban chấp hành đồng ý triển khai và giao cho tôi nhiệm vụ quản lý - điều hành, vì tôi có kinh nghiệm về điều này.
Lúc đầu, tôi chỉ đề nghị đào tạo diễn xuất và trình diễn thời trang cho các bạn trẻ. Nhưng sau khi ngồi bàn bạc với Ban chấp hành, tôi được gợi ý mở rộng thêm ngành đạo diễn và biên kịch. Phần giảng dạy biên kịch sẽ do các biên kịch thành danh phụ trách.
Tôi cũng không định mở rộng độ tuổi học viên trên 30, nhưng trong quá trình làm phim, tôi nghe các đạo diễn than phiền rằng diễn viên vào độ tuổi trung niên đóng các vai cha mẹ, cô dì, ông bà chuyên nghiệp quá ít, họ đành phải tuyển tay ngang. Tôi về nhà rà soát lại, thấy rằng có nhiều người thời trẻ từng có ước mơ thành nghệ sĩ, nhưng họ đã không thực hiện được, đến lúc ổn định cuộc sống thì muốn học để thỏa đam mê. Thế là tôi quyết định tuyển sinh trên 30 tuổi để vừa giúp họ thử sức, vừa tạo nguồn nhân lực cho các đạo diễn.
* Được biết, chị đang theo học thạc sĩ nghệ thuật tại Hà Nội. Chị đã làm nghề lâu năm, đã có tên tuổi, vậy thì việc học này có ý nghĩa gì?
- Tôi nhận thức rất rõ rằng trong hành trình nghệ thuật, một nghệ sĩ cần cả kiến thức nền tảng và nâng cao, bên cạnh kinh nghiệm thực tế. Hồi trẻ, dù đã được học trường chính quy, nhưng tôi chưa thể lý giải hết được những quy luật tâm lý, hoặc các kỹ thuật diễn xuất, dàn dựng...
Khi đi học thạc sĩ, tôi được trang bị thêm kiến thức và vỡ ra nhiều điều quý giá. Tôi kết hợp kiến thức sách vở cùng với hơn 20 năm kinh nghiệm để chia sẻ lại cho các học viên tại trung tâm.
Thú thật là tôi thích học, nên ngay tại trung tâm này, tôi vừa giảng dạy diễn xuất, kỹ năng catwalk, nhưng đồng thời cũng học lớp đạo diễn cùng với anh Hoài Linh.
Mở các đợt huấn luyện lân sư rồng
* Vậy thì với Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam, thuộc lĩnh vực thể thao, chị cũng được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch. Nhiệm vụ của chị là gì?
- Thật ra, đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, chứ không nằm trong ngành thể thao, vì vậy, ngoài Chủ tịch là tiến sĩ Phạm Quang Long, còn 9 Phó Chủ tịch thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc hoạt động dưới hình thức xã hội hóa này sẽ giúp cho bộ môn có điều kiện đầu tư và phát triển hơn trước.
Nhiều năm qua tại TP.HCM, vài đoàn lân sư rồng lớn, có điều kiện tài chính, nên hoạt động khá tốt, nhưng ở các tỉnh thành thì vẫn còn nhiều đoàn nhỏ hoạt động yếu ớt. Họ chỉ hoạt động vào dịp Tết nguyên đán. Nhiệm vụ của tôi là cùng ban lãnh đạo gắn kết các đoàn lớn nhỏ trong cả nước. Theo đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ kinh phí, mở các đợt huấn luyện để nâng cao kỹ năng cho các đoàn còn yếu.
Kế đến, chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc thi quy mô toàn quốc, những cá nhân xuất sắc sẽ được tuyển chọn đi thi đấu quốc tế. Nói chung là hoạt động lân sư rồng Việt Nam sắp được nâng chất và mở rộng quy mô.
* Kinh phí luôn là vấn đề đau đầu của các hoạt động thể thao và văn hóa, liệu kế hoạch chị vừa đề cập đến có tính khả thi không?
- Tôi nghĩ rằng, khi có sự đồng lòng của nhiều thành viên cùng hướng tới một mục tiêu thì mọi khó khăn sẽ được giải quyết. Lân sư rồng vốn dĩ được yêu thích vì tính thẩm mỹ và công phu cao. Nhu cầu thưởng thức môn thể thao nghệ thuật này rất lớn từ công chúng, nhưng vì nhiều lý do khách quan mà chưa có hoạt động thống nhất và chuyên nghiệp. Tôi tin rằng, nếu liên đoàn làm tốt thì việc kiếm doanh thu để duy trì hoạt động không phải là vấn đề nan giải.
Hiện tại, chúng tôi đang bàn bạc làm liên hoan lân sư toàn quốc. Đây là nhiệm vụ đầu tiên. Tôi và đạo diễn Xuân Phước sẽ trực tiếp chuẩn bị cho hoạt động này, sau đó báo cáo lên Chủ tịch liên đoàn để ra kế hoạch cụ thể.
* Cảm ơn chị!
"Thú thật là tôi thích học, nên ngay tại trung tâm này, tôi vừa giảng dạy diễn xuất, kỹ năng catwalk, nhưng đồng thời cũng học lớp đạo diễn cùng với anh Hoài Linh" – NSƯT Trịnh Kim Chi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất