23/10/2024 07:29 GMT+7 | Văn hoá
Sau vở Những con ma trong nhà hát, sân khấu kịch Thiên Đăng (TP.HCM) tiếp tục cho ra mắt vở Chuyến đò định mệnh. Cả 2 vở này đều thuộc thể loại kịch đậm chất văn học, bắt buộc người xem phải suy nghĩ, chiêm nghiệm mới hiểu thấu được tầng đáy ý nghĩa. Đây là cách làm khác với nhiều sân khấu kịch, dù khó khăn, nhưng đáng trân trọng.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với NSƯT Thành Lộc, giám đốc nghệ thuật Thiên Đăng, về hướng đi của sân khấu này.
* Tầng sâu của "Chuyến đò định mệnh" thật thâm thúy, khó có thể hiểu trọn thông điệp. May mắn, sân khấu Thiên Đăng đã chọn một lối kể chuyện mềm mại, sinh động và tháo gỡ những ẩn dụ sâu xa để mạch kịch trở nên dễ hiểu và sinh động hơn. Trong cương vị giám đốc nghệ thuật, vì sao anh chọn một kịch bản đầy thách thức như thế?
- Cái lý do tôi quyết định mở sân khấu Thiên Đăng xuất phát từ việc xem sân khấu là đạo. Chữ đạo ở đây được hiểu đơn giản là nâng trình độ nghệ thuật của các tác phẩm lên một nấc cao hơn. Sân khấu kịch cần có tính giải trí để bán được vé, duy trì hoạt động, nhưng sân khấu cũng cần những tác phẩm khiến người xem phải mất thời gian suy ngẫm thêm một chút, nhớ lâu một chút.
Tôi luôn tin rằng trong công chúng có rất nhiều người kỳ vọng vào điều này, nên chúng tôi phải đáp ứng được nhu cầu đó.
Bằng chứng là Chuyến đò định mệnh và các vở diễn có tính triết lý đều bán hết vé tại các suất diễn. Thật thú vị, có những khán giả xem vài lần một vở, vì chưa tin mình đã thấu đạt thông điệp. Khán giả chính là động lực khiến chúng tôi phải làm tốt hơn. Tôi hạnh phúc vì được làm thứ nghệ thuật mình yêu thích.
* Lý do nào khiến anh chọn kịch bản "Chuyến đò định mệnh" của Nguyễn Huy Thiệp?
- Đó là cái duyên. Tôi đang trong hành trình tìm kịch bản văn học hay, thì đúng lúc thầy Trần Minh Ngọc đưa tôi kịch bản này. Thú thật là trước đó, tôi chưa đọc truyện ngắn Sang sông của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và cũng không biết ông đã chuyển thể nó sang kịch bản sân khấu kịch mang tên Chuyến đò định mệnh.
Đọc xong, tôi thích liền, nhưng cũng nhận ra rằng phải có một phương cách thể hiện thế nào cho hợp lý, không thì quá khô cứng và lý tính. Thầy Trần Minh Ngọc đã đưa ra hướng đi chung, từ lúc "vỡ hoang" đến suốt quá trình tập luyện, thầy lắng nghe mọi góp ý, cuối cùng ra tác phẩm mà bạn và khán giả đã thưởng thức.
* Trong "Chuyến đò định mệnh", ở đoạn cuối vở kịch, anh nhà thơ trở lại bến đò, được ăn chén cháo quên, ngay thời điểm đó trên cầu có một tai nạn nghiêm trọng. Tôi nghĩ nạn nhân của vụ tai nạn ấy chính là anh nhà thơ của 20 năm sau. Điều đó có đúng không, thưa anh?
- Từ cương vị đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc đã nhường cho khán giả quyền suy luận, nên hãy tin vào suy luận của mình.
* Trong vở còn có con thủy quái tên là "Trời ơi", xin hỏi đây là yếu tố có trong kịch bản gốc, hay là sự sáng tạo của đạo diễn Trần Minh Ngọc?
- Trong kịch bản gốc nó có tên khác, nhưng thầy Ngọc nhận thấy cái tên ấy có thể gây khó hiểu cho nhiều khán giả phía Nam. Sau thời gian trăn trở, cuối cùng thầy Ngọc và chúng tôi đã thống nhất đổi tên thành "Trời ơi". Như bạn thấy, 2 chữ "Trời ơi" này đã đẻ ra nhiều tình huống bi hài sau đó.
* Ở trên anh nhắc đến chữ đạo trong nghệ thuật, nó có còn thêm ý nghĩa nào khác mà anh có thể chia sẻ?
- Ồ, định nghĩa này hơi mênh mông, nên tôi chỉ nói những gì mình nghĩ. Không chỉ trong môi trường nghệ thuật, mà ở bất cứ lĩnh vực nào, sự khiêm tốn, kính trên nhường dưới là đức tính cần thiết. Hành trình nghệ thuật đi hoài không hết, nếu bạn đã đạt được một vài thành tựu nhất định mà tự mãn, tỏ vẻ khệnh khạng, là điều không nên. Bất kỳ một ngôi sao nào cũng có cái tôi nghệ sĩ, nhưng có lúc, phải biết nhìn lại và hành xử phù hợp.
Bên cạnh đó, nghệ thuật vốn dĩ gắn liền với thị phi, thế nhưng, hãy giữ đạo nghệ sĩ bằng cách tránh những tai tiếng không đáng có, thay vì dấn thân vào đó để gây sự chú ý.
* Anh có thể tiết lộ tên các vở đậm chất văn học sắp tới?
- Khi đến thời điểm thì chúng tôi sẽ công bố rộng rãi.
* Cảm ơn anh.
Thách thức dàn dựng
Nguyễn Huy Thiệp viết cô đọng, chắt lọc tình huống và giàu tính triết lý. Đây là thế mạnh của văn học, nhưng là thách thức rất lớn khi dàn dựng trên sân khấu. Nếu đọc truyện, gặp một đoạn chưa thực sự hiểu, có thể gấp sách, dừng lại để suy nghĩ thêm, với sân khấu thì khán giả không có cơ hội đó. Vì thế, người nghệ sĩ phải chọn cho mình một cách kể chuyện để khán giả có thể nắm bắt được thông điệp cần chuyển tải.
Vở kịch Chuyến đò định mệnh vẫn giữ được cái hồn cốt của văn học, nhưng đã chọn một cách thể hiện rất sống động và giàu cảm xúc. Đó là chuyến đò trần thế chở con người đi từ bờ mê đến bến giác, với ngôn ngữ sân khấu vô cùng độc đáo.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất