26/07/2023 18:41 GMT+7 | Văn hoá
Thành Lộc chia tay sân khấu IDECAF là một tin chấn động của làng kịch nghệ phía Nam. Bởi vì không ai nghĩ rằng anh có thể lìa xa mái nhà đã để lại quá nhiều kỷ niệm, gắn liền với nhiều vinh quang trong hành trình nghệ thuật. Cuộc chia tay này đã đưa đẩy anh thành lập sân khấu Thiên Đăng ở tuổi ngoài lục thập, dự kiến khai trương vào tháng 9/2023.
Không ít người cho rằng Thành Lộc đã khá già cho một sự khởi đầu mới. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với NSƯT Thành Lộc.
Chớp nhoáng lập sân khấu mới
* Thưa anh, việc bất ngờ chia tay sân khấu IDECAF tác động như thế nào đến bản thân anh?
- Thú thật, ban đầu tôi có xáo trộn, nhưng rồi mọi thứ đã lắng xuống để tôi có thể bình tâm nhìn lại. Ngày xưa, tôi về IDECAF trong một tâm thế hồn nhiên và nhiệt huyết, vì bắt gặp sự chung nhịp của những trái tim đồng điệu, cùng khát khao cháy bỏng đam mê nghệ thuật.
Chúng tôi là nhóm kịch đầu tiên kết hợp diễn rối và người. Rất thành công. Các vở diễn của IDECAF thời gian đầu chỉ có 4 diễn viên, gồm tôi, anh Minh Hoàng, chị Kim Xuân, anh Tấn Hoàng, đạo diễn Đoàn Khoa. Lúc đó, chúng tôi ít về lượng, nhưng rất đậm về chất. IDECAF nhanh chóng thu hút khán giả mê kịch, rồi phát triển.
Theo thời gian, IDECAF có nhiều sự đổi thay, nhưng tình yêu thuần khiết dành cho nghệ thuật vẫn tiếp diễn. Nhưng thời gian gần đây, có nhiều thứ thay đổi quá khác ngày xưa, tôi nghĩ suy rất nhiều, cảm xúc trồi sụt lắm, nhưng sau cùng tôi thấy rằng mình nên rời đi.
Tôi chỉ có thể nói đến thế, vì tôi không muốn đào sâu vào chuyện này. Tất cả đã bước qua một trang mới, chuyện cũ hãy xếp lại.
* Và anh đã mất bao lâu để quyết định thành lập sân khấu mới?
- Thực lòng mà nói thì tôi không chuẩn bị gì cho sự ra đời của sân khấu Thiên Đăng. Tôi dự định là dành hết khoảng thời gian còn lại của năm 2023 để tham gia phim ảnh. Tôi xem đó là cách để xả hơi và quan sát mọi thứ, từ từ tính.
Nhưng rồi, có vài người thân, kể cả khán giả, sợ tôi sẽ bỏ sân khấu, nên động viên tôi đừng dừng lại. Có người đến gặp tôi đề nghị bỏ vốn để làm sân khấu, tình cảm chân thành ấy đã truyền động lực, để dẫn đến quyết định chớp nhoáng này.
* Địa điểm diễn luôn là vấn đề đau đầu của nhiều sân khấu, vậy Thiên Đăng sẽ tọa lạc ở đâu?
- Chúng tôi ký kết thuê mặt bằng tại trụ sở tòa nhà của Today TV, nằm trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM. Sân khấu Thiên Đăng tọa lạc trên tầng 12, nơi mà khán giả có thể phóng tầm nhìn chiêm ngưỡng thành phố về đêm. Tại đây, có 3 thang máy công suất lớn để đưa khán giả lên từ tầng hầm giữ xe.
Thời gian hợp đồng thuê mặt bằng đầu tiên của chúng tôi là 3 năm. Nói chung, bên phía chủ tòa nhà tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi. Ví dụ, chúng tôi có quyền sử dụng toàn bộ tầng 12 từ sáng đến khuya. Chúng tôi cũng được hỗ trợ quảng cáo trên nhiều pano ngoài trời.
* Anh từng giải thích Thiên Đăng có nghĩa là "đèn trời", nơi soi sáng, chỉ đường cho nghệ thuật. Tại sao anh chọn biểu tượng này?
- Hồi còn ở IDECAF, tôi cũng là người chọn tên công ty là Thái Dương, tức là ánh sáng mặt trời. Tôi thích biểu tượng ấm áp của mặt trời.
Nghệ thuật không có tuổi già
* Có ý kiến cho rằng ở tuổi này (ngoài 60), anh khá già để tạo dựng một sân khấu mới. Anh nghĩ gì về nhận xét này?
- Nhà văn - nhà biên kịch Anton Pavlovich Chekhov có một câu thoại trong vở Tiếng hát thiên nga như sau: "Nghệ thuật không có tuổi già, thậm chí không có cả cái chết, nếu có chết, cũng là chết một nửa mà thôi". Ai lại dùng thời gian để so sánh trong nghệ thuật chứ.
Bây giờ tôi thấy mình tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình hạnh phúc khi được sáng tạo nghệ thuật.
Nếu anh hỏi tôi liệu 5 năm nữa tôi sẽ thế nào? Tôi cũng chẳng biết rõ, bởi ai có thể lên kế hoạch chính xác cho tương lai. Tuy nhiên, có thể vào lúc ấy, tôi đã chọn cho mình truyền nhân và trao truyền lại tất cả để Thiên Đăng tiếp tục cơ hội phục vụ công chúng.
* Tại IDECAF, anh là diễn viên và giám đốc nghệ thuật, mọi việc còn lại do ông bầu Huỳnh Anh Tuấn lo liệu. Ở Thiên Đăng, vai trò của anh có khác không?
- Tôi vẫn là nghệ sĩ trình diễn, kiêm đạo diễn, biên kịch và giám đốc nghệ thuật của sân khấu giống như trước đây. Tôi thực sự không thích vai trò của ông bầu, bởi vì, tôi muốn dành hết năng lượng cho sáng tạo. Tại Thiên Đăng, chúng tôi sẽ tổ chức rất chuyên nghiệp trong từng vai trò. Tôi an tâm về các cộng sự của mình.
* Phong cách nghệ thuật tại Thiên Đăng sẽ như thế nào?
- Nói chung, chúng tôi vẫn giữ lại những gì đã quen thuộc với khán giả nhiều năm qua, nhưng nâng nó lên một nấc cao hơn. Chúng tôi sẽ đào sâu vào phong cách off-Broadway và cả Broadway chính hiệu.
Cụ thể, vở khai trương sân khấu, chúng tôi sẽ trình diễn phong cách nhạc kịch ở mức off-Broadway. Đó là một tác phẩm kinh điển của sân khấu cải lương trước năm 1975, tôi viết lại kịch bản cho thoại kịch và điều chỉnh nhiều chi tiết cho phù hợp tư tưởng hiện đại. Vở thứ 2, chúng tôi diễn lại A lô, lộ hàng với sắc thái mới. Vở thứ 3, cũng là nhạc kịch.
Nhưng điều tôi muốn chia sẻ thêm ở đây là chúng tôi tập hợp được một nhóm nghệ sĩ rất giỏi tiếng Anh. Đó là những con người thành công ngoài xã hội và có tài năng nhạc kịch. Họ sẽ trình diễn nhạc kịch đúng nghĩa Broadway, hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tôi giữ vai trò đạo diễn cho các vở diễn của họ. Giấc mơ Broadway đã âm ỉ trong tôi từ lâu, giờ thì cơ duyên đã đến.
* Sân khấu IDECAF vẫn hoạt động sau khi anh rời đi. Anh cho biết thêm về lực lượng nghệ sĩ nòng cốt ở Thiên Đăng, thưa anh?
- Nghệ sĩ sân khấu kịch không có hợp đồng ràng buộc, nên nói ai thuộc sân khấu nào là chỉ dựa trên tình cảm. Tại Thiên Đăng, tôi vẫn theo tiêu chí hợp vai, chứ không dựa vào sự thân tình. Tôi mời anh chị em nào vào vở diễn vì thấy họ phù hợp. Trước mắt, tôi đã chọn xong diễn viên cho 3 vở diễn đầu tiên.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc sân khấu Thiên Đăng sẽ tỏa sáng!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất