NSƯT QUYỀN VĂN MINH: JAZZ không có gì “đáng sợ”

11/04/2010 14:42 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - 3 năm liên tiếp cho ra đời 3 live show về Jazz, một thể loại nhạc còn rất hiếm công chúng ở Việt Nam. Lần nào tổ chức cũng cầm chắc sẽ phải bỏ tiền túi ra bù lỗ vì không thể bán vé, nhưng chưa bao giờ NSƯT Quyền Văn Minh từ bỏ con đường đã chọn. Lần này ông trình làng Jazz và ca khúc Việt Nam, một live show Jazz lớn nhất từ trước tới nay, bởi ông không thể giới thiệu nhạc Jazz một cách “úi xùi” với công chúng được.

Khoảng cách “vô lý” với Jazz

* Thưa ông, đâu sẽ là điểm nổi bật nhất của chương trình Jazz và ca khúc Việt Nam sắp tới đây?

- Điểm nổi bật của chương trình lần này là sẽ đưa đến một hình ảnh mới về Dàn nhạc Big Band (là dàn nhạc duy nhất ở Việt Nam) được hình thành, tồn tại, phát triển từ niềm đam mê nhạc Jazz và cái tâm của từng thành viên trong dàn nhạc. Có thể đôi lúc chúng tôi chưa toàn tâm toàn ý cho đam mê của mình nhưng cho đến nay dàn nhạc vẫn hoạt động. Điều này đã chứng tỏ được sự kết nối khá bền vững giữa các thành viên trong dàn nhạc. Dù trình độ các thành viên trong dàn nhạc còn chưa đồng đều, hơn nữa mọi người cũng đang làm việc tại những môi trường khác nhau nhưng lúc nào chúng tôi cũng cố gắng tìm một tiếng nói chung để dàn nhạc được duy trì và phát triển.


Nghệ sĩ Quyền Văn Minh
Sự khác biệt của đêm Jazz và ca khúc Việt Nam còn ở chỗ từ những ca khúc Việt Nam quen thuộc kết hợp với phong cách, tiết tấu của Jazz thông qua thủ pháp phối khí cho dàn nhạc thể hiện sẽ đem lại một diện mạo khác của những giai điệu quen thuộc. Hơn nữa với một liều lượng vừa phải các màn ngẫu hứng của các nghệ sĩ trên nền dàn nhạc sẽ giúp công chúng tiếp cận với Jazz một cách dễ dàng hơn. Qua đêm nhạc này chúng tôi hy vọng công chúng ra về sẽ thấy Jazz cũng không có gì “đáng sợ” như họ từng được nghe nói trước đó.

* Việc chuyển các ca khúc Việt Nam quen thuộc như: Hoa sữa, Phôi pha, Một cõi đi về,... vốn luôn được mặc định là các ca khúc đậm chất Pop sang chơi theo thể loại nhạc Jazz, khiến chúng mang đậm màu sắc của Jazz, có gì khó khăn không thưa ông?

- Việc chuyển các ca khúc quen thuộc trên sang chơi theo phong cách Jazz khiến tôi gặp một vài khó khăn khi phối khí. Mình phải lựa chọn tiết tấu để làm sao khi diễn tấu khán giả vẫn thấy được những nét của giai điệu xuất hiện trong các phần ngẫu hứng, đồng thời phải tránh được sự “Tây hóa” ca khúc Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam không có tiết tấu Swing thì khi áp dụng vào ca khúc Việt Nam phải làm thế nào nghe ra Swing mà không được khiên cưỡng, áp đặt theo cách tiến hành của các dàn nhạc quốc tế.

* Chơi những ca khúc quen thuộc trên trong đêm Jazz và ca khúc Việt Nam có phải là một bước đi làm “rút ngắn khoảng cách” hơn nữa với khán giả của ông không?

- Đúng là thông qua chương trình này dàn nhạc của chúng tôi muốn công chúng đến gần hơn với Jazz và mô hình Dàn nhạc Big Band. Khoảng cách giữa công chúng với Jazz hiện nay là khá “vô lý” . Xã hội đã phát triển hơn, đời sống vật chất tốt hơn thì nhu cầu hưởng thụ về văn hóa phải cao hơn, đa dạng hơn. Nhạc Jazz là một thể loại đáng được hướng tới như là một trong những nhu cầu không thể thiếu được của cuộc sống hiện đại.

* Bắt đầu ra mắt từ live show Cha, conJazz I, nối tiếp là Cha, con và Jazz II và năm ngoái là Quyền Văn Minh cùng bạn bè & Jazz. Ông có quan sát sự thay đổi về số lượng khán giả đến với nhạc Jazz không?

- Khán giả đến với các đêm nhạc của chúng tôi tăng lên rõ rệt. Lý do là nhạc Jazz đã được các phương tiện truyền thông nhắc tới nhiều hơn, thêm vào đó dàn nhạc chơi cũng dễ nghe hơn vì phần ngẫu hứng không nhiều lắm và sự bề thế của dàn nhạc cũng tạo nên hiệu quả thu hút sự thưởng thức của khán giả.

Không thể giới thiệu Jazz một cách “úi xùi”

* Xin hỏi nhỏ ông, kể từ live show đầu đến live show Quyền Văn Minh cùng bạn bè & Jazz, ông có thu được lại tiền bỏ ra làm show từ việc bán vé không?

- Phải thú thực là chưa bao giờ tôi có thể cân bằng được thu chi trong các chương trình biểu diễn nhạc Jazz của mình vì lượng vé bán không được nhiều. Chủ yếu là giấy mời để có khán giả, nhưng trong tương lai khi nhạc Jazz phổ biến hơn thì chắc bán vé sẽ dễ dàng hơn.

* Jazz tại Việt Nam là một thể loại âm nhạc có diện khán giả tương đối hẹp. Ông là người làm live show Jazz với tần suất liên tục và quy mô khá lớn. Hẳn ông có nhiều tham vọng về Jazz?

Live show Jazz và ca khúc Việt Nam sẽ diễn ra tại 3 thành phố lớn: Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 12/4/2010, Nhà hát Tháng 8 Hải Phòng ngày 14/4/2010 và Viện Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh ngày 17/4/2010.

- Thực ra trong 3 năm qua tôi và con trai, Quyền Thiện Đắc, có làm một số chương trình với quy mô khá lớn nhằm mục đích giới thiệu Jazz với công chúng một cách nghiêm túc. Biết là tốn kém nhưng chúng tôi muốn nhạc Jazz trở thành nhu cầu thưởng thức âm nhạc trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Không thể giới thiệu Jazz một cách “úi xùi” được. Thông qua việc biểu diễn ở sân khấu lớn, sang trọng chúng tôi muốn tạo ra một không gian thưởng thức nghệ thuật thực sự cho khán giả của Jazz. Đồng thời nâng cao ý thức và trình độ của các nghệ sĩ chơi Jazz vì hằng đêm chơi Jazz ở CLB chỉ mang tính chất truyền bá Jazz và giữ tay nghề không bị tụt lùi. Khi biểu diễn ở nhà hát thì sự tập luyện cũng nhiều hơn, ý thức của nghệ sĩ cũng cao hơn nên thường thì sau mỗi cuộc biểu diễn như thế các nghệ sĩ có những thay đổi rõ rệt về đẳng cấp và tính chuyên nghiệp.


Nếu nói tham vọng thì hơi quá, tôi chỉ hy vọng thông qua các chương trình biểu diễn quy mô lớn thì nhạc Jazz sẽ được công chúng đón nhận với ý thức trân trọng hơn một dòng âm nhạc còn mới lạ với họ.

* Theo ý kiến của cá nhân ông, để xây dựng một lớp công chúng cho thể loại nhạc Jazz ở Việt Nam, chúng ta cần làm những gì và mất khoảng bao nhiêu lâu?

- Để xây dựng được một lớp công chúng của nhạc Jazz ở Việt Nam thì rất cần có nhiều hơn nữa những nghệ sĩ chơi Jazz và đương nhiên là phải có nhiều hơn những chương trình biểu diễn “hoành tráng” như nhạc Pop. Đồng thời các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần “đối xử” với nhạc Jazz bình đẳng như các loại hình nghệ thuật khác thì có lẽ 5 năm sau nhạc Jazz sẽ trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa.

Tuy nhiên đây chỉ là hy vọng, còn thực tế khán giả ở ta thường chỉ có “thói quen” nghe lời của bài hát, nhạc không lời như Jazz sẽ phải cần rất nhiều thời gian để có chỗ đứng vì công chúng cũng cần thời gian để chấp nhận một “thói quen” mới.

Việt Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm