14/09/2022 19:05 GMT+7 | Văn hoá
NSƯT Linh Trung là một tài năng đa dạng của sân khấu miền Nam. Song song việc hát cải lương, diễn hài, ông còn đắt show phim truyền hình, vào các vai diễn trung niên cá tính hoặc hài hước.
Ông còn là tác giả và đạo diễn của hơn 50 vở cải lương đã phát sóng trên Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp... Trước khi nghỉ hưu, ông là Trưởng đoàn 2 của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Trong dịp ra mắt Viện Nghiên cứu Phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á mới đây, Linh Trung chia sẻ mình muốn thành lập sân khấu cho các nghệ sĩ lão thành. Theo ông, đây cũng là một cách thức phát triển, bảo tồn sân khấu.
* Vì sao ông có ý muốn thành lập một sân khấu cho các nghệ sĩ cải lương lão thành, nhằm tập hợp các danh ca một thời lại biểu diễn?
- Thú thật, dù thế hệ trẻ xuất hiện nhiều tài năng cải lương, nhưng vẫn chưa thể vượt qua thế hệ vàng cải lương, bắt đầu từ khoảng thập niên cuối 1950 đến 1990. Dù bây giờ, họ đã bước vào tuổi 70-80, nhưng khán giả vẫn còn muốn nghe và luôn hoài niệm về một thời vàng son của họ. Những nghệ sĩ trên 60 tuổi, nhiều người vẫn còn đam mê, sức khỏe. Bản thân họ, những ngôi sao ấy, vẫn còn thèm được hát phục vụ cho khán giả thân thương. Nhưng giờ đây, họ chỉ có thể hát trong các sự kiện không thường xuyên, hoặc các đám tiệc. Tôi muốn tạo ra một sân khấu xứng đáng cho họ và cả khán giả ái mộ họ. Kế hoạch này, sẽ được triển khai sớm thôi, vì tôi nhận được sự đồng tình của nhiều phía.
* Sân khấu này sẽ đóng ở địa chỉ nào?
- Chúng tôi dự định đi diễn lưu động, kết với các nơi có sẵn sân khấu, như vậy vừa tiết kiệm, vừa phù hợp với sức khỏe, thời gian của các nghệ sĩ lão thành. Đây là một sân khấu có tính truyền cảm hứng là chính.
* Trong kế hoạch đưa cải lương và sân khấu vào học đường, có hướng tới việc tái giới thiệu các nghệ sĩ lão thành này không, thưa ông?
- Những người làm sân khấu hôm nay thường nói với nhau rằng khán giả cải lương chấp nhận mua vé đến rạp chỉ quanh đi quẩn lại chừng đó người. Nếu thế hệ khán giả này già yếu thì còn ai mua vé đi xem cải lương nữa. Thế hệ trẻ luôn là tiềm năng cho tất cả các hoạt động, nếu họ sớm hiểu sân khấu và cải lương, thì sẽ có được khán giả tiếp nối. Chỉ có như thế, cải lương và sân khấu mới có thể tiếp tục tồn tại. Trong mắt các bạn trẻ, những nghệ sĩ lão thành sẽ dễ có được sự thiện cảm, kính trọng, nên làm sân khấu học đường thì phải có các nghệ sĩ lão thành đến dự.
* Còn việc thành lập và tham gia Viện Nghiên cứu Phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á, nó có liên hệ gì với sân khấu và cải lương?
- Tôi đã ăn cơm tổ nghiệp sân khấu cải lương hơn 40 năm. Trong chừng đó thời gian, tôi chứng kiến bao thăng trầm của bộ môn nghệ thuật dân tộc. Tôi nhận thấy rằng ngoài việc viết tuồng, dựng vở và hát, tôi cần phải làm điều gì đó có tầm chiến lược hơn. Tôi đã bày tỏ ý tưởng này với anh Lê Văn Tiếp, người thuộc Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam. Tôi đã nhận được sự đồng tình của anh và sau thời gian dài bàn bạc, chúng tôi đã xin được giấy phép thành lập viện. Theo tôi được biết, có khoảng 80 viện nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực đang trực thuộc Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á, giờ có thêm viện của chúng tôi nghiên cứu về văn hóa.
Chức năng của viện là nghiên cứu các đặc trưng văn hóa của các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á; nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cổ; nghi thức, nghi lễ cổ truyền; nghiên cứu khoa học, sưu tầm, bảo tồn và thực hiện các đề tài, dự án trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân gian, vật thể, phi vật thể và văn hóa âm thực tại các vùng miền của Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á. Sân khấu truyền thống và cả cải lương cũng sẽ được đưa vào nghiên cứu, được nhìn bằng con mắt khoa học, để từ đây đưa ra những ý tưởng, sách lược về bảo tồn, phát triển.
* Xin ông hãy nói một cách đơn giản và chi tiết hơn về các hoạt động sắp tới của viện là gì?
- Một trong những hoạt động đầu tiên của viện chúng tôi là thực hiện bộ phim cải lương về anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Bộ phim này do tôi đạo diễn. Bước thứ hai, tôi sẽ thành lập một sân khấu hoạt động đều đặn hàng tuần dành cho các nghệ sĩ tài danh một thời, tại đây, tôi sẽ mời những tên tuổi gạo cội như NSND Lệ Thủy, NSND Thoại Miêu, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Diệu Hiền, NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn, NSƯT Vũ Linh, danh ca Chí Tâm, NSƯT Kim Tử Long và rất nhiều nghệ sĩ khác. Bước thứ ba, chúng tôi thực hiện dự án đưa cổ nhạc vào học đường để giới thiệu đến các bạn học sinh, sinh viên về nhạc cụ cổ và bài bản hát cổ nhạc. Bước thứ tư, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn bè các nước Đông Nam Á về đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành thành lập sân khấu kịch nói, nghiên cứu, viết sách và nhiều hoạt động khác nữa.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc các kế hoạch của ông và cộng sự sẽ sớm thành công.
Vài dấu ấn Trong vai trò kép mùi, Linh Trung từng đoạt HCV tại Hội diễn Sân khấu Cải lương Toàn quốc năm 1985, với vai người lính, vở Người trong cõi nhớ. Sau đó, ông chuyển sang đóng hài và đoạt HCV tại Hội diễn Sân khấu Cải lương Toàn quốc năm 1990, với vai Tèo, vở Giũ áo bụi đời. |
Nguyễn Huy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất