03/05/2014 07:26 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Cơn sốt cải lương trở lại ở TP.HCM sau khi hai vở cải lương kinh điển Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa được tái dựng nhân kỷ niệm 64 năm đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và 36 năm ngày mất của NSƯT Thanh Nga. Nhân vật chính của “công trình nghệ thuật” phục dựng hai tác phẩm nổi tiếng này là NSƯT Hữu Châu, người đã tiếp nối xứng đáng truyền thống nghệ thuật lẫy lừng của gia đình Thanh Minh - Thanh Nga.
* Đã lâu sân khấu cải lương TP.HCM mới lại có những ngày đặc biệt như thế khi cả 5 suất diễn đều cháy vé. Đảm nhận vai trò nặng nề phục dựng lại hai tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của sân khấu cải lương, cảm giác của anh sau thành công này thế nào?
- Tôi hạnh phúc lắm. Những ngày trên sàn tập, trong các buổi diễn, tôi như được sống lại thời tuổi trẻ, hồi mình còn nhỏ. Cũng ba mươi mấy năm rồi tôi không còn được nghe tiếng đờn, tiếng nhạc trong lúc hóa trang chuẩn bị vai diễn. Có vàng có bạc chưa chắc gì mua được giờ phút đó. Tôi càng hãnh diện về gia đình và thấy vui khi đã làm được một cái gì đó cho ông bà, cô chú mình.
Thật sự thì thành công của các buổi diễn có sự góp sức của cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa - cái gì cũng thuận lợi cho một cuộc hội ngộ chính đáng mà không biết đến bao giờ còn gặp lại. Trời thì cho khô ráo, không mưa. 5 suất diễn, theo tôi, là đúng thời điểm - có những khán giả của đoàn Thanh Minh ngày trước, giờ hơn 80 rồi, nếu không đi coi hát được lần này thì còn biết chờ tới lần nào… Có rất nhiều ông bà cụ đã nắm tay tôi đề nghị làm thêm vở đó, vở đó để đi coi về rồi… chết! Còn nhân hòa là tất cả anh em nghệ sĩ tham gia đều đồng lòng, dồn hết tâm trí cho chương trình, dù ai cũng bận hết. Có thể nói, do tấm lòng từ ơn trên, tấm lòng những người đang sống và tấm lòng người trong nghề đã cùng tạo ra một chương trình đẹp.
* Vậy có điều gì nuối tiếc gì về chương trình không?
- Nói chung là tôi hài lòng hết về chuyên môn. Có một vài tiểu tiết nhỏ mà tôi là hậu bối nên những sai sót đó coi như là lỗi của tôi. Nếu có hối tiếc là đã không tìm được đầy đủ hình của các vị trong sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga, còn thiếu rất nhiều. Ngay cả bản thân mẹ tôi (nghệ sĩ Thanh Lệ) và chú Sáu (NSƯT Bảo Quốc) ráng ngồi nhớ lại mà còn bị thiếu huống chi tôi là hậu bối. Nếu có thiếu ai thì đành “con xin lỗi!” vậy.
* Xuất thân trong một gia đình cải lương danh tiếng, đã bao giờ anh có ý nghĩ mình sẽ trở thành ngôi sao cải lương chưa?
- Cái này thì không. Hồi xưa chỉ mong là đi theo đoàn hát, đoàn gia đình thì mình đi theo thôi. Dĩ nhiên cũng mong nổi tiếng chứ không mong gì là ngôi sao, lúc đó chưa có ngôi sao, chỉ sau này mới có. Với lại ở tuổi này rồi, nhìn lại thì thấy rõ ràng làm ngôi sao dễ sinh tật lắm. Mà cái giọng ồ ồ ề ề của tôi thì muốn nổi tiếng bên cải lương cũng không nổi đâu. Tôi vẫn hay ví von rằng: tôi chỉ mong được bằng cái… mắt cá chân của má Ba (cố NSƯT Thanh Nga) thôi là có vốn ăn cả đời rồi. Cho đến thời điểm này, tôi có thể tự hào nói rằng tôi đã không làm gì sai, không làm gì ảnh hưởng tới danh tiếng của gia đình.
* Vậy anh đã từng có cơ hội đứng trên sân khấu của đoàn nhà mình?
- Nhiều lần lắm. Ngay cả khi còn ở trong bụng mẹ kìa. Trong tuồng Đồ Long đao - Ỷ Thiên kiếm, má tôi đóng vai Kim Hoa bà bà, có bầu tôi vẫn nịt bụng lên sân khấu hát, còn bay nữa chứ. Mà bà già bộ nịt ngang đầu hay sao, thêm bay vòng vòng nữa nên bây giờ tôi hơi… khùng khùng!
* Anh vui tính thật…
- Có gì thì tôi nói đó thôi. Bây giờ tôi nhìn mọi việc rất vô thường. Chỗ nào buồn thì né đi chỗ khác. Tôi đón nhận những cái chết của người thân quá nhiều rồi nên tôi rất tin vào đạo Phật, vào tâm linh. Trải qua cuộc đời “lên voi xuống chó” rồi lại ngoi đầu trở lên sống. Cho nên hiện nay với vị trí, tên tuổi như vầy mà nếu có chuyện gì tôi vẫn có thể ngồi canh xe đẩy bán thuốc lá, bánh mì mà không gì phải mắc cỡ, thất vọng hết. Tôi sống để yêu thương gia đình hơn, gieo trồng những hạt mầm tốt hơn.
* Ở Sân khấu IDECAF, anh vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn, anh lại thường xuyên đóng phim và bây giờ đi dạy nữa. Có khác nhau lắm trong những vai trò anh đảm nhận không?
- Với tôi, sân khấu còn hơn cả công việc, đó là mê, là nghiệp rồi. Phim ảnh là công việc. Và cả hai đều là “chén cơm” của mình. Với vị trí diễn viên thì có lẽ tôi đằm tính hơn một chút. Khi là đạo diễn có hơi nóng, “hăng máu gà, máu vịt” hơn. Còn việc đi dạy là vì tình thương. Cuộc đời tôi may mắn khi được diễn chung với những vị từ cùng thời của ông nội, như: các bà Bảy Nam, Năm Sa Đéc… rồi đến các cô Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, cô Ngọc Giàu, Lệ Thủy…, được ngồi nghe bà Phùng Há nói chuyện, đã học được biết bao nhiêu, học nghề và cả cái tâm đạo đức. Hồi đó, có những buổi đi hát ở tỉnh, mưa lất phất không hát được, ngoại Bảy Nam mới trải chiếu ngoài hiên rồi kể chuyện, nghe những chuyện của ngoại cũng là học đó. Bây giờ, tôi thấy có trách nhiệm truyền dạy lại cho thế hệ sau.
* Sân khấu kịch TP.HCM đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhưng dường như lứa của anh với những Hữu Châu, Thành Lộc, Hồng Vân, Thanh Thủy, Kim Xuân… vẫn còn phủ bóng quá lớn, lớp diễn viên trẻ kế thừa không mấy nổi bật...
- Nghề này không ai có thể phủ bóng ai được. Như thế hệ của tôi chui ra khi những tên tuổi cỡ Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng… vẫn còn đó thì sao? Đám trẻ bây giờ không được như bọn tôi vì bọn tôi chịu đọc sách, bọn tôi làm nghề thực sự. Quan trọng nữa là bọn tôi tập dợt đàng hoàng rồi mới ra sân khấu cho dù bản thân có giỏi cỡ nào. Năng khiếu, khả năng tư duy là cái trời cho nhưng trên hết là lòng tự trọng. Tụi tôi biết đi trễ là bậy, có tập dợt đàng hoàng thì mới dám ra trước khán giả. Đã cầm tiền lương của khán giả rồi thì phải biết tự trọng, đưa ra sản phẩm đàng hoàng, còn hay dở là chuyện khác. Trong lớp trẻ, vẫn có những em cực kỳ tốt và thực sự đáng quý trọng. Nhưng cũng có những người nổi tiếng là do… phóng viên. Đó cũng có phần lỗi của các bạn báo chí bây giờ. Đôi khi đưa lên quá làm nhiều em tưởng mình ngon rồi mà đâu biết đi theo nghề này không chỉ có đẹp, có diễn thôi mà còn phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, phải rỉ máu nữa. Đọc nhiều bài viết bây giờ tôi bỗng thấy nghề của tụi tôi... dễ quá!
* Nếu chỉ thu nhập từ sân khấu thì anh có... giàu không?
- Chỉ nói riêng ở lĩnh vực sân khấu kịch thôi thì chúng tôi không giàu nhưng sống được. Diễn viên kịch cũng có mặc đồ hiệu đó nhưng mà là đợi giảm giá rồi mới đi mua. Mà tôi thì đồ năm bảy chục ngàn đồng ngoài chợ nếu đẹp tôi vẫn mặc như thường. Người ta đánh giá mình không qua bộ đồ mà qua thái độ cư xử đối với người chung quanh và thái độ khi lên sân khấu.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Ninh Lộc (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất