Nghệ nhân Hà Thị Cầu: Năm canh vò võ những là thở than

04/03/2013 15:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bà Cầu đương say lắt lư bên nhà hàng xóm. Cái say lặt lẹo qua những bước đi. Cái say ngất ngưởng qua cái cách bà tong tả hất khăn vén áo véo von gọi: Vào đây! Vào đây! Chúng tôi giấu chai rượu vào trong áo, nhặt cho bà chiếc dép rồi theo đôi ống cao ống thấp ấy đi vào ngôi nhà xẩm nằm còm cõi ven đường. Cái không khí xẩm bắt đầu từ những bước chân của cụ bà 78 tuổi đương say rượu Hà Thị Cầu, nguyên một người xẩm chợ, nghệ nhân hát xẩm đương đại ấy.

Nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu từ trần

Mái tranh vọc vạch, cửa lớn cửa bé mở thông thống. Trong nhà, ngôi nhà bé hơn bất cứ ngôi nhà nào ở vùng Yên Mô, Ninh Bình này, chỉ có một chiếc đài con con “ai đó đã tặng”, hai chiếc niêu một nấu cơm, một kho cá mèo, và tất nhiên, một cây nhị. Cây nhị bóng màu mồ hôi, bịt hồ bằng mảnh da kỳ đà bằng bàn tay, là cái thứ đặc sắc nhất trong ngôi nhà này. Đây không phải là cây nhị cha truyền con nối. Cây đó, thực ra nhị cũng chẳng có gì gọi là cổ vật, đã mất lâu rồi.

Cũng có một đận, người ta xin bà đem cây nhị lên Hà Nội trưng bày, bà ở nhà kéo nhị làm bằng vỏ lon bia. Nhị đó thì tiếng cứ xạch xè như cái đài hết pin, không hát được. Có khách đến, Bà Cầu say rượu lôi cây nhị ra từ trong một chiếc túi vải và bắt đầu cò ke. Một ngày bà ba nửa chén rượu, cái thứ chén đương đại tróc men, sứt vành thường úp lên trên bậu cửa sổ. Một ngày bà ba nửa bát cơm chỉ đủ sức để say lắc lư. Đôi bàn tay bé như tay trẻ con lắc lư trên cần nhị, đôi con hoen rỉ bậu trên khuôn mặt một ngàn đường đau khổ lắc lư, cái đầu lắc lư và bàn chân se sẽ nhịp xuống mấy chiếc bậu giường cũng lắc lư nốt.

Cứ để bà hát một lúc hết say rượu thì mới nói chuyện được, người hàng xóm khuyên. Bà uống từ bao giờ? Lúc nào mà bà chả uống, nhưng dạo này dặt dẹo suốt nên hay say. Mà bây giờ say say bà mới hát. Trên bức tường, sát nơi bà nằm treo la liệt những tấm ảnh cũ, những tấm lịch cũ, những tấm giấy khen cũ. Giấy khen của Đài Tiếng nói Việt Nam cho nghệ nhân Hà Thị Cầu. Bằng khen của Sở Văn hoá thông tin Ninh Bình cho “thí sinh Hà Thị Cầu”.

Đấy là năm 1998, khi Bà đã ngoài bảy mươi tuổi. Bà treo dường như là để ngôi nhà bớt cô quạnh hơn là để khoe thiên hạ. Nhà chỉ có hai mẹ con, cùng giống đàn bà. Nó quạnh, nó vắng. Mỗi người một giường. Mặt quay vào tường. “Chẳng ai nói với ai được tiếng nào. Cứ hễ nói một câu là nó cuốc (quát). Không biết là tại mình già hay tại nó già”.

Tiếng nhị lại thở dài sườn sượt. Mận có biết hát, biết kéo nhị không? Không biết đâu. Dạy nó ngồi được năm phút thì dùng dằng ném nhị vào xó nhà. Nó không có hoa tay, không kéo được. Nó không biết uống rượu, không hát được. Chỉ biết đá chó, quát bà thôi. Hoa tay thế nào? Bà Cầu xoè tay. Bàn tay nhỏ nhắn còn đỏ son, mềm mại. “Đây này, cái bàn tay tôi, cái tai tôi, thầy bói bảo có tướng mệnh phụ phu nhân”. Thế mà đi làm vợ xẩm! Con thì chẳng chịu lấy chồng.

Đương cơn say, Bà Cầu hát mãi, từ bài nọ kéo sang bài kia: Bác mẹ sinh thành. Ơn Đảng ơn Bác, Tứ hải giao tình, Liễu giao tình. Tiếng nhị cò ke chạy trước đuổi sau, khi đệm, lúc nhại. Lạ thật, tất cả những câu nói nhịu đã biến sạch khi cây nhị lên tiếng.

Bà Cầu bắt đầu cuộc đời hát xẩm đau khổ từ khi còn bé tí tẹo. Đấy là những ngày ngồi trên quang gánh của người cha dặt dẹo đầu đường xó chợ. Người cha loà, đứa con tóc vàng xơ như rơm. Ký ức không có gì nhiều ngoài một vài bữa cơm no đến nhớ đời. 16 tuổi, người xẩm đi lấy chồng. Người chồng cũng phường hát sẩm, cũng loà. Người hát xẩm dường như có chung một đặc điểm là xấu. Ông cụ thân sinh ra bà Cầu bị loà mắt, người đen như củ súng. Tới ông Mậu, trùm xẩm Yên Mô, bố của cái Mận cũng mặt rỗ nhằng nhịt dấu vết của đậu mùa, mắt cũng loà. Còn bà Cầu thì cứ nhìn cô con gái hơn bốn chục tuổi đầu chưa chồng của bà là biết.

Nhưng xẩm lại là giống đa tình. Ông Mậu năm lấy bà đã 49 tuổi và đã có tới 18 vợ rải khắp cả Thanh Hoá, Ninh Bình, thậm chí lên cả trên xứ Mường, xứ Lạng (các vùng Hoà Bình, Lạng Sơn) bây giờ. Bà Cầu, bấy giờ tóc đã kịp xanh, nói là về với ông Mậu chứ thực ra là theo bầu đoàn thê tử của chồng lang thang khắp đất người:Áng phong lưu son phấn đoạ đày/ Thay đen đổi trắng để anh rày yêu thương/ Dẫu may ra tán tía, tán vàng/ Mười phương thiên hạ xem thường có vào đâu/ Tấm thân em chẳng nghĩ mặc dầu…

Xẩm của bà Cầu là xẩm chợ, nhưng bà cũng hát được xẩm cô đào. Ấy là bắt đầu từ một đêm mưa nào đó dưới gốc cây bàng ở chính chợ Yên Mô bây giờ. Chẳng có cưới xin gì. Cũng chẳng ai nói gì với ai. Chỉ dưới gốc bàng thế là bà theo ông. Thế là thành chồng thành vợ. Thế là có ba đứa con. Ông lão Mậu mắt loà, mặt rỗ nắn đàn bầu theo điệu lý giao duyên, lý hành vân để cưa cô con gái mười sáu tuổi dưới gốc cây bàng, rõ ông lão đa tình. Hồi đầu năm, bà có nói chuyện ông lão hay mù chúa ghen với mấy anh “nhà báo Tây”, tức là chuyện ông lão ghen bà bị bọn khách trêu ghẹo ném đồng xu vào ngực, tối đó ông lão “về” trách:“Gieo mình xuống sạp còn lo nỗi gì/ Chợ tỉnh Đông một tháng sáu phiên/ Có cô hàng xém kết duyên vừa rồi/ Hàng cô những quế cùng hồi/ Có mẹt bồ kết, có nồi phèn chua”.

Đấy là xẩm cô đào, đấy là xẩm ghẹo gái, trách bà sao không nhớ những ngày dưới gốc bàng. Bà nói đến đây thì cây nhị cười hà hà, mắt nom rõ là tình tứ.

Bà Cầu tất nhiên không biết chữ, lại có tật nói nhịu. Chẳng hạn bà bảo từ sáng đến giờ mới được có hai “chó”, tức là mới được có hai chén (rượu). Bà hỏi bằng hát, trả lời cũng bằng hát. Chẳng hạn khi gặp chúng tôi, bà hỏi “Anh này rõ là người Nhật này”, lại hát lẩy Kiều “Người đâu gặp gỡ làm chi”. Tiếng hát xẩm đã ở trong máu của bà, thành thói quen, thành ngôn ngữ hàng ngày.

Bà hát được nhiều điệu xẩm, và trở thành nhân vật chính trong phim phóng sự tài liệu “Xẩm” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, được đi Trung Quốc biểu diễn và gần như là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nói về đận đi này, bà cười như trẻ con. Đấy là bà cười vì người ta cho bà mặc áo mớ ba mớ bảy. Lúc vào khách sạn, áo nó loè xoè quá, nó mắc vào cửa, không dứt ra được. Đến lúc tắm xong thì lại không biết mặc vào thế nào. Bà bảo hồi đó người ta không cho bà uống rượu, mà bây giờ lạ thế, không có tí ti vào là không hát được. Đận đó, bà có hát nhưng hát không ra xẩm nữa.

Ngôi nhà có thêm ít người hàng xóm. Bà Cầu ra vào, chanh chua, gào thét, đùa nghịch và cuối cùng thì lại cò cưa kéo nhị. Câu chuyện quay sang cái Mận, con gái bà. “Đấy, nó là cái đứa áo dài đứng một mình nom rõ xinh đấy. Mấy đứa, có đứa nào chưa vợ bà gả cho. Mà có vợ rồi cũng được”.

Cô Mận không có nhà. Cô Mận ở nhà là cô Mận đã qua photoshop môi đỏ toe toét đương đứng nghiêng như cành tre để làm duyên. Con bé xấu quá, không như tôi. Tôi chỉ mỗi tội mắt có “ve”. Ngày xưa, có nhiều đám hỏi nó lắm. Tôi bảo “Cái thằng đó được, ngoan ngoãn hiền lành”. Nó gắt “Xấu như ma ỏm”. Tôi bảo “Đàn bà nó có thì, như cái cánh hoa ấy”. Nó quát “Bu đi mà lấy”. Bà Cầu ôm nhị hát lên cái lời than của mình: “Vắng đàn ông quạnh nhà, như cây hoa mà không có con ong”. Tiếng nhị víu vít sõng sượt như tiếng thở dài như dòng chảy lặng lẽ của những giọt nước mắt.

Có người bảo tiếng nhị của Bà lúc nào cũng thổn thức. Đấy là cái tâm của bà không khi nào được nhàn, số của người hay lo. Ngày xưa thì lo áo cơm. Tiếng nhị than khóc cho thân phận. Tay kéo nhị đã chai, việc kéo nhị đã thành nghề, đến nói câu gì cũng phải có tiếng nhị đưa đẩy, đối đáp, thế mà cũng không quen được. Mà khổ, cái âm của nhị là cái âm chẳng có thanh véo von. Cứ lay lắt lay lắt thế thôi.

Còn bây giờ tiếng nhị theo tâm trạng của bà suốt ngày thở dài vì đứa con hư chẳng chịu lấy chồng. Ôi chao, sao cái tâm trạng người đàn bà không chồng nó mới cô quạnh làm sao, cô quạnh như tiếng gió đập phên nứa phành phạch mỗi đêm, như ánh trăng xuông sáng trong đến văn vắt ngoài cửa sổ.

Trách thân mà lại giận trời/ Trách chàng quân tử tỏ ra người thờ ơ/ Phòng không để thiếp đợi chờ/ Năm canh vò võ những là thở than.

Câu chuyện cứ miên man theo tiếng nhị léo lắt. Bà Cầu hát mãi, hát mãi. Cây nhị cứ mãi thở than, thở than như thể dòng trường ca cuộc đời đang tuôn tràn. Khi chúng tôi nói lời chia tay, cụ bà say rượu Hà Thị Cầu còn bật dậy ôm cứng lấy từng đứa, miệng hét lên lanh lảnh: Không cho về, không cho về. Bà dường như không muốn dứt nhịp, không muốn cất lại cây nhị vào vỏ. Bạn tôi đưa tặng bà một chai rượu với một đồng tiền thủng lỗ. Cụ bà ôm nhị theo sát đến bên xe thì thào, líu nhíu “Có gặp cái Mận thì đng nói cho bà rượu”. Lại nói thật to cho hàng xóm cùng nghe thấy “Bà không có được ai cho xu cắc nào đâu đấy nhé”, đoạn lén quay sang ngắm chai rượu màu đỏ sẫm như màu mận đa giấu trong áo từ bao giờ.

Ghi chép của nhà báo Đào Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm