NSND Trung Kiên: Tôi hát 'Tự nguyện' vì những kỷ niệm sâu sắc với Sài Gòn

25/09/2014 10:15 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Xuất phát từ ý tưởng “một bài hát kinh điển được 3 thế hệ trong gia đình tiếp nối nhau cùng thể hiện”, Giám đốc âm nhạc của Giai điệu tự hào - Quốc Trung - đã đệm piano cho phần thể hiện ca khúc Tự nguyện của bố anh - NSND Trung Kiên - và con gái Thiện Thanh.

Đây cũng chính là tiết mục mà nhạc sĩ Quốc Trung và NSND Trung Kiên đắn đo nhất trong số 6 tiết mục của chương trình Giai điệu tự hào với chủ đề Bài ca hy vọng phát sóng lúc 20h05 ngày 26/9 trên kênh VTV1 - Đài THVN sắp tới.

Cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam chia sẻ với TT&VH về những “đắn đo” của mình.

* Đưa Thiện Thanh ra công chúng lần này, cá nhân ông cũng như anh Quốc Trung đã thừa nhận khả năng ca hát của con, cháu mình?

- Tất nhiên cháu có khả năng ca hát. Ngay ở khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia, tôi là người dạy cháu. Nhưng thực sự thì tôi chưa thể yên tâm với giọng hát của Thiện Thanh vì tất cả phải có thời gian, không nên vội ép và không nên quá vội vàng. Chúng tôi cũng chưa muốn đưa cháu ra ngoài đời, vì quá sức thì nó dễ bị tàn lụi. Tôi sợ lắm.


NSDN Trung Kiên hát cùng cháu gái Thiện Thanh

* “Con nhà nòi” trước cái bóng quá lớn của bố mẹ, ông bà thường bị công chúng nhìn nhận khắc khe hơn nhiều lần so với các ca sĩ trẻ khác. Ông có ngại rằng, khi tiết mục biểu diễn của 2 ông cháu phát sóng, sẽ có những nhận xét không hay khiến cháu mình sẽ bị tổn thương?

- Lần xuất hiện này, bé Thiện Thanh không phải là nghệ sĩ này kia mà chỉ đơn thuần là thế hệ măng non trong đại gia đình làm nghệ thuật. Tung các cháu ra sớm quá với ý nghĩ nó là con ông Quốc Trung, cháu ông Trung Kiên... chính ra không tốt cho các cháu.

* Một bài hát đã được truyền qua 3 thế hệ. Điều gì ở ca khúc Tự nguyện khiến ông “tự nguyện” gắn bó với ca khúc này cho đến ngày hôm nay khi đã ngoài 70 tuổi?

- Thực sự, khi chương trình đề nghị tôi hát bài này, lúc đầu tôi cũng ngại vì giờ 77 tuổi, xuất hiện nhiều quá rất là vô duyên. Nhưng nghĩ lại những kỷ niệm rất sâu sắc với Sài Gòn - TP.HCM sau ngày giải phóng thì tôi cũng không thể từ chối được.

Tôi nhớ bài hát này rất sâu sắc, sau giải phóng Sài Gòn hơn 20 ngày tôi và  nhiều nghệ sĩ Hà Nội đã có mặt ở đó… Khi biểu diễn tại Nhà hát TP.HCM, dù mới tập bài này, nhưng tôi đã hát để thể hiện lẽ sống của thanh niên Sài Gòn trước giải phóng. Và bài hát đã gắn bó theo tôi đến bây giờ.

* Được biết, nhiều chương trình khi mời các nghệ sĩ lão thành tham gia biểu diễn thì họ rất e dè, vì sợ "mất điểm" trước công chúng bởi giọng hát trong trẻo thời kỳ đỉnh cao của họ đã ăn sâu vào tiềm thức của công chúng. Ông có lo ngại điều này không?

- Tôi thì không lo ngại về hát mà lo ngại về đối tượng nghe tôi hát là ai, phải hát bài gì thôi. Chứ còn giọng hát của tôi bây giờ thực sự không thể bằng những năm tôi còn 30, 40 tuổi, nhưng tôi vẫn giữ giọng. Tôi không dám tự vỗ ngực, nhưng tôi rất tin tưởng mình. Tuy nhiên, mình xuất hiện nhiều quá thì cũng không phải là hay lắm. Tùy từng cái mình chọn, cái nào xuất hiện, cái nào không nên. Không có người ta bảo, chắc ông này cũng túng tiền hay sao mà chỗ nào cũng xuất hiện thế...

Hoài Hương (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm