16/12/2020 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu với sân khấu tuồng, NSND Mẫn Thu đã là bậc “lão làng”, thì trên sân khấu múa đương đại, bà lại là nghệ sĩ múa “trẻ”. Bà đã phá vỡ mọi không gian biên độ về tuổi tác, loại hình nghệ thuật để thêm một minh chứng: Sự học là suốt đời.
NSND Mẫn Thị Thu sinh ngày 20/11/1943 trong một gia đình thuần nông ở thôn Trác Bút, xã Hàm Sơn (nay là thị trấn Chờ) huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.Mẹ của bà là em gái ruột ông ngoại tôi, nên tôi vẫn gọi là dì Thu. Dì được thừa hưởng vẻ đẹp từ người mẹ với “khuôn trăng đầy đặn”, hiền thục, nhân hậu, đảm đang và được di truyền từ người cha tình yêu với nghệ thuật tuồng ngấm giọng ca từ khi tiếng hát đưa nôi.
Từ gánh hát tuồng của cha
Năm 1959, từ khởi xướng của GS Hoàng Châu Ký, Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH,TT&DL) quyết định thành lập Đoàn Tuồng Bắc Trung ương(nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam).
Nhiều phương án được đặt ra rốt ráo theo yêu cầu của Bộ. Phương án đầu tiên là mời các nghệ nhân tuồng ở các địa phương về đầu quân, trở thành những hạt nhân cốt cán cho Đoàn. Theo đó, các nghệ sĩ tuồng nổi tiếng khắp nơi đã hội tụ về, gồm: Nghệ sĩ Nguyễn Quang Tốn (Vĩnh Phúc); Nguyễn Thị Vóc (nghệ danh Bạch Trà, Hà Nam); Lê Bá Tùng, Nguyễn Hoàng Tốn (Nghệ An); Đoàn Thị Ngà (Huế);Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Ký (Quảng Nam); Mịch Quang (Bình Định)…
Từ đó, các nghệ nhân nòng cốt tỏa đi các địa phương tìm, chiêu sinh những học sinh có năng khiếu. Đoàn đã thành lập Ban sưu tầm, nghiên cứu tuồng gồm các nghệ nhân nổi tiếng, như: Quang Tốn, Bạch Trà, Ba Tuyên, Lê Bá Tùng... Thời điểm đó, ở miền Bắc và miền Trung có 2 đoàn: Đoàn Tuồng Bắc và Đoàn Tuồng Liên khu 5 cùng tôn chỉ, mục đích “Tất cả vì sự nghiệp tuồng của dân tộc”.
Con đường sự nghiệp của NSND Mẫn Thu thành công trên sân khấu tuồng có nguồn gốc sâu xa. Sinh ra trong gia đình nông dân, nhưng từ bé, nghệ sĩ Mẫn Thu đã được đi theo gánh hát tuồng của cha - nghệ nhân tuồng Mẫn Đức Tuyên. Gọi là gánh hát, nhưng thực ra đó là chỉ một đội tuồng tư nhân của làng,tự phát do những nghệ sĩ - nông dân say mê tuồng thành lập.
Cụ Mẫn Đức Tuyên,cụ Nguyễn Văn Bầu, cụ Thơ Ninh… tập hợp những người có vốn hiểu biết về tuồng trong thôn sưu tầm, khôi phục các vở, trích đoạn tuồng cổ ở Trác Bút để các “diễn viên” không chuyên luyện tập, biểu diễn.Sân khấu Tuồng dựng lên ở bất cứ nơi nào thuận tiện: sân đình, sân kho hợp tác xã, sân nhà…
Tuồng ngấm vào huyết quản NSND Mẫn Thu bắt đầu từ đó. Cô thôn nữ Mẫn Thu xinh đẹp, đảm đang, tháo vát những tưởng sẽ yên vị với nghề nông, ngày ngày chăm lo đồng áng, xới xáo vài thửa ruộng thuốc lào, vạt cải Tiếu, bầu Bốt, theo gánh hát tuồng của cha… rồi sẽ lấy chồng như chúng bạn thời ấy.
Nhưng bước ngoặt cuộc đời đã đến với tuổi 16 của cô thôn nữ Mẫn Thu. Cuộc đời như đã được lập trình. Thời khắc nghệ sĩ Quang Tốn, Bạch Trà… trực tiếp tới các làng quê tuyển diễn viên đã đưa nghệ sĩ Mẫn Thu đến với nghệ thuật để cả cuộc đời gắn bó với nó và làm nên tên tuổi người con gái vùng quan họ thành danh với nghệ thuật tuồng.
NSND Mẫn Thu bồi hồi nhớ lại chuyện của gần 60 năm trước: “Biết tin có đoàn văn công về tuyển diễn viên bên Phú Mẫn, anh Thơ Ninh hối thúc dì dự thi. Nghe 2 chữ văn công là thích lắm, nhưng dì vẫn không đủ tự tin ứng thí. Hôm ấy,tuy người ở ngoài đồng, mà tâm trí, lòng dạ dì cứ khắc khoải, thắc thỏm không yên. Dì cũng muốn đến đó, muốn xem, cũng muốn…thử sức, nhưng lại ngại.
Anh Thơ Ninh đã chờ chực, hối thúc, chở dì đi bằng được. Tính dì vốn nhút nhát, nên đến tận lúc trời xẩm tối, người dự thi đã vãn, mà dì vẫn không đủ can đảm bước lên dự thi. Anh Thơ Ninhlại phải động viên mãi, cuối cùng dì cũng đánh bạo đứng lên hát mấy câu đã học lỏm được từ gánh hát của ông Tuyên, ông Bầu và các nghệ nhân trong làng mình. Thi xong, dì toát mồ hôi và cũng chả dám nghĩ tiếp.
Chừng 1 tháng sau, khi đang cấy trên đồng làng Trác Bút thì dì nhận được giấy báo trúng tuyển. Cả nhà đều mừng, nhất là cụMẫn Đức Tuyên. Cả gánh hát tuồng của thôn vui và tự hào. Dì bước chân đến Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam năm 1959 và sau đó đến lượt em gái dì (dì Mẫn Thi) đầu quân cho Đoàn Tuồng Liên khu V. Làng Trác Bút mình tự hào lắm có 2 chị em gái cùng đi văn công”.
“Học cho đến chết, thì diễn mới sống”
Nghệ sĩ Mẫn Thu là học sinh khóa đầu tiên của Đoàn Tuồng Bắc Trung ương đào tạo tại Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Con đường dẫn NSND Mẫn Thu đến với nghệ thuật tuồng đầy nhọc nhằn, gian nan không kể xiết. Ngày ấy, Khu Văn công chưa có nơi ăn, chốn ở, nên phải ở nhờ mấy gian nhà sơ sài bằng tre cót ép của dân và tập luyện trong Chùa Hà (Cầu Giấy, TP Hà Nội). Nơi đây vốn tôn nghiêm, tĩnh lặng chỉ có tiếng đọc kinh, gõ mõ, tiếng chuông chùa, nay có thêm âm thanh của các loại nhạc cụ (trống chiến, đồng la, kèn, đàn cò, ống sáo…); các điệu hát (hát xuân, hát ai, hát thán, hát nam, hát khách, hát nói…); đạo cụ (kiếm, đao, thương, giáo, búa, quạt, cờ, kim giản, roi ngựa, côn, phất trần, đuốc, bầu rượu...); màu sắc, trang phục (áo giáp, áo thụng, áo đào văn, mão rồng, mão phụng, hia, đai lưng…)...
Nghệ sĩ Mẫn Thu có chung niềm tự hào được là một trong những nghệ sĩ góp phần xây dựng nhân lực cho Đoàn Tuồng từ ngày đầu thành lập với những nghệ sĩ nổi tiếng, như: Quang Tốn, Bạch Trà, Doãn Khoái, Đình Nhi, Ngọc Phùng, Ngọc Đống, Văn Kính, Văn Thành, Chu Lượng, Minh Thịnh, Diễm Lan, Chu Hải, Hiệp Tắc, Đắc Hán, Hoàng Bản, Văn Tuy, Như Tường, Lê Bá Tùng, Ngọc Như, Ngọc Duyên, Đoàn Thị Ngà, Thanh Hảo, Hữu Điều, Bà Can, Bà Thứ... Với 3 kịch bản Mộc Quế Anh dâng cây, Ngũ Vân Thiệu vàĐào Tam Xuân, việc khôi phục kịch bản tuồng cổ đã được Đoàn Tuồng Bắc Trung ương chú trọng ngay từ khi thành lập.
Lúc đó, các nghệ nhân Quang Tốn, Bạch Trà, Ba Tuyên, Lê Bá Tùng... đã không quản ngại đường sá xa xôi lặn lội đến từng gánh tuồng gia đình từ thời Pháp thuộc, từng gánh hát tuồng ở các địa phương, như: Hà Bắc (tên gọi cũ hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang), Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội... để sưu tập những kịch bản cổ.
Đi đến đâu, các cụ cũng nhận được sự ủng hộ của các nghệ nhân tuồng cấp xã, cấp thôn. Vốn kịch bản sưu tầm được từ các nguồn trong dân, gồm: Những văn bản chữ Nôm (chép tay) được lưu giữ qua nhiều thế hệ; truyền miệng từ các nghệ nhân… Với những nỗ lực không mệt mỏi, Ban sưu tầm, khôi phục kịch bản tuồng đã tìm được nhiều kịch bản cổ. Nhờ thế, những vai mẫu được tập luyện ngày đêm (Đào Phi Phụng, Đắc Kỷ, Trại Ba, Trương Phi, Triệu Tử Long, Xuân Đào cắt thịt...); những vở tuồng cổ (Đào Tam Xuân loạn trào, Mục Quế Anh dâng cây, Ngũ Viên Thiệu) đầu tiên được dàn dựng công phu, đầy tâm huyết của đội ngũ nghệ sĩ đã đến với khán giả từ những ngày đầu sơ khai thành lập Đoàn Tuồng Bắc.
Ngày mới vào Đoàn, thấy cô bé làng Trác Bút hát đã nhỏlại còn nhút nhát, nghệ sĩ Quang Tốn nói ngay: “Cô cậu nào hát bé là một; không chịu khó luyện tập là hai; múa, làm động tác mà chân tay cứng quèo như que củi là balà… tôi trả về địa phương ngay lập tức”.
Thấy thầy Tốn nói vậy, cô bé Mẫn Thu sợ quá,lặng lẽ tìm một xó góc thút thít khóc một mình. Câu “trả về địa phương” cứ ám ảnh cô không dứt. Cô lẳng lặng chui đầu vào chuông tam quan Chùa Hà tập hát, tập hét. Lúc đầu còn bé, sau thì hátthật to, hát vang khắp cánh đồng chùa Hà, hát lan sang cánh đồng bên (phố Nghĩa Tân bây giờ). Nghe lời nghệ sĩ Quang Tốn căn dặn, Mẫn Thu cùng các bạn kiên trì ngâm nước muối ấm cho bàn tay mềm để tập những động tác múa cơ bản.
Không kể hết những khó khăn, vất vả trong quá trình tập luyện. Bao giọt mồ hôi rơi, có cả máu đã chảy, nghệ sĩ Mẫn Thu vẫn kiên trì học. Câu nói của thầy văng vẳng bên tai: “Học cho đến chết, thì diễn mới sống”. Với kiến thức đã học tập chăm chỉ, nghiêm túc, lại chú ý theo dõi, nhập tâm vai diễn của thầy trên sân khấu, nên Mẫn Thu vào vai Mộc Quế Anh trong vở Mộc Quế Anh dâng cây cho bài thi tốt nghiệp Trung cấp Sân khấu được các thầy đánh giá rất cao. Đúng là khổ luyện mới thành tài, sau 3 năm học chăm chỉ, nghiêm túc, Mẫn Thu được điều động về Đoàn Tuồng Bắc Trung ương.
Lấy tấm gương sáng, tài năng từ cặp nghệ sĩ tài danh Bạch Trà - Quang Tốn, NSND Mẫn Thu đã thử sức với nhiều vai diễn ở từng thể loại. Thành công từ vai Mộc Quế Anh trong vở Mộc Quế Anh dâng cây được các thầy rất khen, NSND Mẫn Thu đã thử sức và đảm nhiệm nhiều vai diễn đa dạng khác. Đó là các vai tuồng truyền thống, như: Đào Tam Xuân trong vởNữ tướng Đào Tam Xuân (kịch bản: Quang Tốn - Bạch Trà),vai Mộc Quế Anh trong vở Mộc Quế Anh dâng cây, Liễu Nguyệt Tiêm trong vở Đào Phi Phụng, Thứ phi trong vở Triệu Đình Long; Mụ Đổng, Thứ phi trong vở Sơn Hậu; Thị Thọ trong vở Ngoại tổ dâng đầu; Thanh Xà trong vở Bạch Xà nương.
Tuồng lịch sử, như: Dương Xuân, A Mai trong vở Ngô Quyền; Ngũ Bảo trong vở Ngũ Văn Triệu; An Tư trong An Tư công chúa;Đô đốc Bùi Thị Xuân trong vở Bùi Thị Xuân;vai cô Thanh và vợ ba Đề Thám trong vởĐề Thám; vai Mỵ Châu trong vở Mỵ Châu Trọng Thủy…
Tuồng cận đại, như: Mai Lan trong vở Suối đất hoa; Cô Lý và mẹ Lê trong vở Tình mẹ.Tuồng hiện đại: Chị Đức trong vở Hoàng hôn đen; cô Mười trong vở Má Tám; cô Ba Định trong vở Không còn đường nào khác…Tuồng thể nghiệm nước ngoài: Hoàng hậu Giéc Tuyết trong vở Bang Bang; Bi an ca trong vở Ôtenlô…
Ngoài ra, bà còn tham gia nhiều trích đoạn mẫu mực, như: Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Ngũ biến, Đát Kỷ học đàn, Xuân Đào cắt thịt, Địch Thiên Kim xử án, Bàng Quý phi…
Sự học là suốt đời
Bắt đầu từ một cơ duyên với biên đạo múa người Pháp gốc Việt Ea Sola Thủy, NSND Mẫn Thu đã thử sức và dũng cảm tham gia trình diễn trong chương trình múa trừu tượng và đương đại. Dẫu biết, từ sân khấu tuồng đến lĩnh vực nghệ thuật mới này hoàn toàn khác biệt: Khác ở loại hình nghệ thuật, khác ở phong cách làm mới, khác ở thiết kế sân khấu (có thể sẽ ít ước lệ)… song với tình yêu nghệ thuật bà đã tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm 4 vở diễn: Cánh đồng âm nhạc, Thế đấy thế đấy, Khúc nguyện cầu và Hạn hán và cơn mưa. Cả 4 vở diễn đều mang đến cho bà nhiều cảm xúc của lần đầu tiên được tiếp cận với một loại hình nghệ thuật mới mẻ, hiện đại.
Nếu với sân khấu tuồng, NSND Mẫn Thu đã là bậc “lão làng” thì trên sân khấu múa đương đại, bà lại là nghệ sĩ múa “trẻ”, lần đầu biểu diễn múa nên từ động tác, bước đi… cái gì cũng phải học. Sự kiện NSND Mẫn Thu tham gia trình diễn chương trình múa trừu tượng và đương đại đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, sự dâng hiến cho nghệ thuật không có điểm dừng. Bà đã phá vỡ mọi không gian biên độ về tuổi tác, loại hình nghệ thuật để thêm một minh chứng: Sự học là suốt đời.
(Còn tiếp)
60 năm cống hiến cho tuồng Hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật tuồng, NSND Mẫn Thu đã được ghi nhận tại các liên hoan, hội diễn như: Huy chương Vàngcho các vai:Cô Thanh trong vở Đề Thám tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Vinh (Nghệ An, năm 1970); vai cô Mười trong Má Tám tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc (năm 1965); vai Mai Lan trong vở Suối đất hoa tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại thành phố Hải Phòng (năm 1980); vai chị Đức trong vở Hoàng hôn đen tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Thanh Hóa (năm 1985); vai Thứ phi trong vở Triệu Đình Long cứu chúa tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Hải Phòng (năm 1990); Giải A vai A Mai trong vở Ngô Quyền… NSND Mẫn Thu được nhận Bằng khen với các vai diễn, như: Vai vợ Ngô Quyền trong vở diễn cùng tên tại Liên hoan Sân khấu truyền thống; vai Thanh Xà vở Thanh xà bạch xà; vai Ngũ Bảo trong vở Ngũ Văn Triệu; vai An Tư trong vở An Tư công chúa; vai Bùi Thị Xuân trong vở Bùi Thị Xuân; vai cô Mười trong vở Má Tám... Năm 1989, bà được phong danh hiệu NSND. |
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất