NSND Lan Hương: Làm nghề không phải để nổi tiếng

22/07/2012 08:44 GMT+7 | Văn hoá


 Hương bông - như cách gọi thân mật trong giới, chính là NSND Lan Hương. Bao năm nay chị vẫn xuất hiện đều đều trong những vai diễn về người vợ, người mẹ hiền lành, nhẫn nhịn, đảm đang… Nhưng khán giả không chán và bản thân chị cũng không cảm thấy nhàm khi "đóng khung" trong sự an toàn, tử tế.



Chân dung NSND Lan Hương qua nét cọ của Nguyễn Xuân Hoàng.

Trùng tên với phu nhân của NSƯT Tất Bình (kể cả họ, chính vì vậy người trong nghề, căn cứ vào mái tóc, đặt cho chị biệt danh Hương "bông"). So với Lan Hương "Em bé Hà Nội" thì Lan Hương, vợ của NSƯT Đỗ Kỷ, giống như "đóa hoa nở muộn".

Chị từng nói về điều này: "Mục đích của tôi khi làm nghề không phải để nổi tiếng, bởi vậy, tôi không quan tâm đến việc sẽ nổi tiếng nhanh hay chậm, sớm hay muộn. Tôi làm nghề chỉ với mục đích, sẽ đem đến điều gì cho khán giả, sẽ làm cách nào để khán giả yêu thương nhân vật của mình. Nổi tiếng sớm hay muộn là do cơ may và còn do mục đích ý muốn của từng người. Cá nhân tôi không lấy mục đích nổi tiếng để tạo áp lực cho mình, bởi vậy, tôi thanh thản làm nghề, thanh thản cống hiến".

Diễn như cuộc đời




NSND Lan Hương thời trẻ.
 
NSƯT Kim Thư, một đồng nghiệp lớn tuổi, nói về Hương bông: "Hương diễn như cuộc đời ấy mà, đằm thắm, nhẹ nhàng”.

Khán giả đã kiểm chứng điều này qua một loạt phim chị tham gia: Nếp nhà, Bí thư tỉnh ủy, Vệt nắng cuối trời... đặc biệt trong bộ phim truyện nhựa Mùa ổi của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Có người ngao ngán khi mãi làm người tốt trên phim, nếu điểm ra, thì Hương bông làm người tốt quá nhiều trên sân khấu và màn ảnh

Chị có chán không? Hương bông đáp: "Là diễn viên ai cũng muốn có vai diễn thay đổi đột phá, đập vào xúc cảm người khác ngay, từ vai hiền sang vai dữ, từ vai lành sang vai ác. Nhưng nếu mình chưa có cơ hội thì vẫn có thể tìm thấy niềm vui, tìm thấy cái mới trong loại vai quen thuộc".

Nhiều người thắc mắc vì sao chị nhận đóng liền ba bà mẹ ở ba bộ phim chiếu cùng một thời điểm. Chị chỉ cười: "Ba bà mẹ của tôi không hề liên quan đến nhau, mỗi bà mẹ có đời sống tâm lý riêng, lý lịch khác nhau. Có hàng triệu bà mẹ trên thế giới nhưng có bà nào giống bà nào đâu".

Những nữ nghệ sỹ tên tuổi, một thời nhan sắc, thường ngại vào vai bà, vai mẹ. Còn Hương bông thản nhiên với quy luật cuộc đời: "Bây giờ thì chỉ đóng vai mẹ thôi nhưng vai mẹ cũng có nhiều kiểu, cứ bình tĩnh nhìn nhận, không chán nản, không hốt hoảng".

Chọn nghề "làm dâu trăm họ", Lan Hương chịu khó lắng nghe phản hồi. Nếu chê đúng chị tiếp thu nhưng chưa đúng cũng không có ý định phản ứng: "Phê phán, lên án người khác không phải bản tính của tôi".

Về dung nhan, Hương bông không thuộc diện "sắc nước hương trời" nhưng vào hàng xinh đẹp. Mái tóc bông làm nên thương hiệu "Hương bông", gương mặt nhỏ nhắn, phảng phất nét thánh thiện, nốt ruồi trên môi duyên dáng.

Nhưng Hương bông chưa bao giờ thấy mình đẹp và không dụng công với vẻ ngoài. Gặp chị ngoài đời, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi sự bình dị, tự nhiên quá đỗi, không hề có chút sửa soạn nào cho sự xuất hiện trước đám đông.

Sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, bà ngoại là con gái làng Ngọc Hà, từ bé chị đã chịu sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình. Cái sự khiêm tốn, chừng mực đã ngấm vào chị từ bao giờ.

Ra đường, Hương bông chỉ mong được lẫn vào đám đông, cứ ai nhận ra là ngại. Là nghệ sỹ duy nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam được phong tặng danh hiệu NSND đợt này, Lan Hương trân trọng phần thưởng cao quý nhưng vẫn thích mọi người gọi mình như xưa: diễn viên Hương bông. Chị cũng "lười" lên báo, vì "cuộc sống của tôi lặng lẽ, có gì để viết đâu?".

Không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ

NSND Lan Hương (Hương bông)

Sinh năm 1961

Các phim đã đóng:

Khoảnh khắc yên lặng trong chiến tranh, Mùa ổi, Con đường hạnh phúc, Vệt nắng cuối trời, Tình yêu không hẹn trước, Những công dân tập thể, Bí thư tỉnh ủy?...

Những vở kịch đã tham gia:

Cuộc chia tay tháng 6, Người đá lạc đội hình, Nhân danh công lý, Tiếng hát cuộc đời, Trần Thủ Độ, Trên dải trời xanh, Đêm của bóng tối…...
Hương bông luôn bận bịu, làm việc trên 10 tiếng một ngày là điều bình thường. Nhiều khi công việc chồng chéo, như hồi đang quay Bí thư tỉnh ủy: Sáng, tập vở ở nhà hát. Trưa, đi xe máy lên Vĩnh Phúc, quay phim. 12 giờ đêm trở về Hà Nội.

Hôm sau lại lồng tiếng... Hiện tại chị đang tham gia hai bộ phim, cũng đồng thời đang lồng tiếng cho hai bộ phim khác nữa. Vợ chồng Lan Hương- Đỗ Kỷ có uy tín trong nghề lồng tiếng, bắt đầu từ bộ phim truyền hình Nhật Bản Ô sin.

Theo đuổi nghề lồng tiếng, không phải chỉ vì tiền, mặc dù chị cho biết nó cũng là giải pháp tình thế tốt trong tình hình sân khấu không mấy sáng sủa: "Đi sâu vào nghề lồng tiếng không đơn giản, nếu chỉ khớp lời không gọi là lồng tiếng. Lồng tiếng là người sáng tạo nhân vật thêm một lần nữa bằng tiếng nói. Đấy thật sự là một nghề, đòi hỏi diễn viên phải biết diễn".

Lan Hương đang lo nghề mai một, nên chị bỏ công đào tạo lớp trẻ một cách tự nguyện. Nghề lồng tiếng cũng chiếm khá nhiều công sức của nghệ sỹ: "Ngày trước lồng tiếng tất cả mọi người phải tập trung lại, đến nhân vật của mình, mình phải nói. Còn bây giờ vất vả hơn, vai của ai người đó nói, mỗi người một kênh, từ tám rưỡi sáng đến mười hai giờ trưa, ngồi đó nói một mình, từ tập này sang tập khác".

Nghe đồn để mời được một số ngôi sao vào vai giám khảo trong mấy cuộc thi ca nhạc trên truyền hình gần đây, đơn vị tổ chức phải bỏ ra không dưới nửa tỷ đồng.

Cat xê "khủng" đó chắc nằm mơ Lan Hương cũng không nghĩ tới: "Tôi chưa bao giờ được trả cao hơn ai, tôi cũng giống như muôn vàn diễn viên khác, có khi còn thấp hơn, nếu người ta đòi hỏi".

Ở đâu khán giả cũng có thể gặp Hương bông: Trên sân khấu kịch, trên màn ảnh nhỏ, lồng tiếng phim truyện, đọc quảng cáo, tham gia câu chuyện truyền thanh... gần đây nhất chị lại nhận vai người dẫn chuyện của chương trình Chuyện kể lúc 0 giờ, trên kênh truyền hình ANTV.

Hỏi chị, tham việc thế, chắc giàu? Chị cười: "Cả hai vợ chồng chăm chỉ thì sống được đàng hoàng với nghề, nuôi hai con trai ăn học, chứ khá giả, giàu sang còn xa vời lắm".

Chị tiết lộ: "Đi thu ở đài, thù lao chỉ mấy chục ngàn đồng tôi cũng làm". Lan Hương không ngại vào vai phụ, chị vẫn giữ quan điểm: "Không có vai diễn nhỏ, chỉ có người diễn viên nhỏ".

Có những bộ phim truyền hình mấy chục tập, Hương bông chỉ phải quay một ngày, chị vẫn nhận, thậm chí chỉ xuất hiện trong một cảnh quay cũng không sao: "Xuất hiện một lát hay xuất hiện nhiều không quan trọng, quan trọng là đọng lại gì nơi khán giả".

Mái ấm yên bình

Yêu nhau mười năm mới về cùng một nhà, giờ sắp kỷ niệm 25 năm ngày cưới nhưng Lan Hương - Đỗ Kỷ chưa từng to tiếng, dù cuộc sống lúc thăng, lúc trầm.

Có những giai đoạn họ chật vật với chuyện cơm áo, đến mức định bỏ nghề, hai vợ chồng làm thêm đủ thứ, không quản những công việc tay chân nặng nhọc nhưng họ đã nương tựa vào nhau, vượt qua sóng gió.

Hương bông nhận mình may mắn vì tìm được người chồng cùng chung quan niệm sống. Có nhà báo thắc mắc: "Sao anh nói giống chị thế, phỏng vấn chị xong, giờ phỏng vấn anh lại thấy anh "phô tô" ý chị".

Trên phim ảnh, Hương bông từng làm vợ của khá nhiều diễn viên gạo cội: vợ của NSƯT Anh Dũng trong Vệt nắng cuối trời, vợ của NSƯT Dũng Nhi trong Bí thư tỉnh ủy...? nhưng khán giả lại cho rằng chị hợp nhất khi làm vợ NSƯT Đỗ Kỷ trong Nếp nhà.

Đỗ Kỷ từng giữ chức Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, "sếp" của Lan Hương nhưng vị trí trong xã hội không tác động đến đời sống gia đình: "Về nhà, anh ấy vẫn là người cha tốt của các con, người chồng, người bạn tốt của tôi".

Bây giờ diễn viên đang có trào lưu học làm đạo diễn, ai cũng thích ngồi ghế chỉ đạo. Tuổi đã có, tên đã có nhưng Hương bông vẫn chỉ thích làm diễn viên.

Chị cho rằng, nghề đạo diễn hợp với đàn ông hơn, nên chị nhường cho chồng và con trai. Hiện tại, vợ chồng chị vẫn đang sống cùng cha mẹ già, đã ngoài 80 tuổi. Hỏi danh hiệu NSND mang lại cho chị điều gì? Chị nhắc đến cha mẹ, "tôi đã làm được một việc khiến cha mẹ thật sự tự hào”.

Hương bông có một câu lạc bộ những người hâm mộ, được một số bạn trẻ lập ra, do yêu thích những vai diễn của chị trên truyền hình. Trong số đó, có một bạn trẻ đang du học ở Pháp thường xuyên trao đổi thư từ với Hương bông.

Lá thư gần đây cô viết, mỗi lần nghĩ đến Lan Hương cô lại nhớ đến chiếc cặp ba lá. Cô tin rằng, nếu cần một người mẫu khoe vẻ đẹp giản dị của chiếc cặp truyền thống thì vị trí đó nhất định dành cho NSND Lan Hương.


NSND Lan Hương trong phim.

Có một người thân thắc mắc với Hương bông: "Hương ơi, sao dạo này showbiz lắm chuyện thế?". Hương bông đáp: "Tôi chưa bao giờ được đặt chân vào giới showbiz".

Chị trải lòng: "Làm nghề bao lâu, đến nhận cái danh hiệu nghệ sỹ còn chẳng dám nhận, đi đâu người ta gọi là diễn viên Lan Hương, tôi thấy thế là được rồi.

Để trở thành một nghệ sỹ thực thụ, phải có tâm hồn nghệ sỹ, có kiến thức rộng lớn để ứng xử với đời, với xã hội một cách nghệ sỹ, có được vai diễn đóng đinh trong cuộc đời. Tôi ngưỡng mộ Alicia Alonso, nghệ sỹ múa ballet huyền thoại, tỏa sáng ở tài năng, nhân cách".


Theo Tiền Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm