25/11/2017 08:38 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 23/11, ngoài trời Hà Nội tuy lạnh giá nhưng trong khán phòng của phòng hoà nhạc lớn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, biết bao khán giả đã được sưởi ấm bằng tiếng đàn của đôi tay không tuổi: NGND Thái Thị Liên cùng con cháu và học trò trong đêm mừng tuổi bà: Trăm mùa thu vàng.
Lần đầu tiên, một đêm nhạc vô cùng đặc biệt đã diễn ra tại phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia: mừng sinh nhật trăm tuổi của một trong những người đã sáng lập nên ngồi trường này.
Sự kiện mang dấu ấn lịch sử này đã chào đón những vị khách đặc biệt như Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Văn hóa TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Trăm mùa thu vàng không chỉ là sự kiện mừng sinh nhật NGND Thái Thị Liên được gia đình và nhà trường tổ chức một cách trang trọng, tôn kính mà còn là đêm nhạc ấm áp bởi tình mẹ thiêng liêng, tình thầy trò cao quý.
Bước ra sân khấu trong sự dìu dắt của các con cháu, NGND Thái Thị Liên tóc bạc phơ, một mình ngồi giữa sân khấu với chiếc grand piano. Để khi tiếng đàn của đôi tay của bà "rơi" trên phím đàn, rất nhiều khán giả đã xúc động dâng tràn.
Nghe NGND Thái Thị Liên chơi Mazurka ở tuổi100
Không chỉ vậy, câu chuyện về bà qua những thước phim sống động đã đi vào lịch sử, hay câu chuyện mà con cháu và học trò kể về bà đã được ghi lại và phát trong đêm nhạc, hẳn là món quà bất ngờ dành cho bà và mọi người.
Đặc biệt, "quý tử" của bà, NSND Đặng Thái Sơn lần đầu tiên đã... nói nhiều trên sân khấu, tiết lộ nhiều hơn về phần trình diễn của mình.
Ông chơi Polonaise giọng Son thứ - tác phẩm "vỡ lòng" của Chopin và cũng là bài học đầu đời của NSND Đặng Thái Sơn với cây đàn piano.
Với hai tác phẩm đặt hàng riêng của má Liên (NSND Đặng Thái Sơn đã gọi mẹ mình như rất nhiều học trò khác của bà), là Jeux d'eau và Alborada del Gracioso (Ravel) thì Jeux d'eau được dịch là sự đùa giỡn của nước.
Ông giải thích, nước ở đây có thể hiểu là cội nguồn của sự sống, cũng là ơn nghĩa sinh thành trong câu "công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".
Và hẳn, chơi hai tác phẩm này vừa rất ý nghĩa trong đêm nhạc mừng thọ mẹ mình nhưng cũng là thử thách về tinh thần và cả cảm xúc của NSND Đặng Thái Sơn.
Nghe tác phẩm mà NSND Đặng Thái Sơn thấy tinh thần rất gần với cuộc đời của mẹ mình
Riêng có tác phẩm cuối - tác phẩm được coi là điểm nhấn của chương trình đã được NSND Đặng Thái Sơn "phá" kịch bản ban đầu chỉ vì tính "đồng bóng" mà ông tự nhận.
Theo đó, thay vì chơi lại bản Chopin đã làm nên tên tuổi và vinh quang của mình vào năm 1980, ông chọn một tác phẩm đồ sộ, dựa trên chủ đề vở opera của Franz Liszt: Reminiscences of Norma by Bellini.
Chia sẻ về sự lựa chọn này của mình, NSND Đặng Thái Sơn lý giải bằng một tâm sự rất riêng tư: "theo thời gian, trong gia đình, mấy chị em tôi nghĩ, mẹ mình đúng là anh hùng. Nhưng anh hùng thế, ý chí quyết liệt đến "hét ra lửa" vậy mà rồi chuyện tình cảm, tình duyên của mẹ sao mà trắc trở, mụ mị. Tôi thấy tính chất vở opera này với cuộc đời của mẹ rất gần nhau" - ông bộc bạch.
Với tác phẩm này, nỗi niềm yêu thương, chia sẻ của NSND Đặng Thái Sơn với mẹ đã được ông gửi gắm vào tiếng đàn của mình trong suốt hơn 15 phút đồng hồ.
Ngay sau phần trình diễn, người nghệ sĩ rời sân khấu, xuống khán phòng, ôm lấy mẹ đầy xúc cảm.
Nghe các thế hệ học trò và con cháu của NGND Thái Thị Liên kể về bà với một tình yêu dành cho cây đàn piano, dành cho ngôi trường nhạc đã đào tạo nên nhiều tài năng quốc gia có lẽ phải là ngày qua ngày.
Vì trên sân khấu, chỉ một phần đại diện cho các thế hệ học trò của bà đã bằng tổng số giáo viên khoa piano tại trường hiện nay.
NSƯT Trần Tuyết Minh, NSƯT Hoàng Kim Dung vinh dự là hai học trò tiêu biểu lên sân khấu mừng sinh nhật cô giáo của mình mà hào hứng như trẻ lên ba đi mẫu giáo nhưng chơi xong, quay xuống chắp tay ơn NGND Thái Thị Liên trong niềm hoan hỉ.
Ở tuổi 100, NGND Thái Thị Liên vẫn miệt mài tập đàn. Nếu để nói bà "ăn đàn, ngủ đàn, mơ cũng thấy mình chơi đàn" là điều ít ai biết đến hoặc không dám nghĩ đến.
Thậm chí, giờ đây, khi học trò đến thăm, bà vẫn quan tâm, hỏi ai có cách luyện tập tay để mở rộng quãng tốt thì chỉ cho bà.
Đó là một tinh thần "học, học nữa, học mãi" của NGND Thái Thị Liên khiến bao người ngưỡng mộ.
Vừa mới đây, giáo trình Phương pháp học đàn piano do NGND Thái Thị Liên làm chủ biên đã ra mắt công chúng.
Ở tập sách này, với những tác phẩm mà NGND Thái Thị Liên viết, người ta còn thấy ở bà một tình yêu dành cho đất nước trong những điều giản dị.
Những tiểu phẩm được bà soạn cho học sinh đã được đặt tên rất gần gũi như Đôi bạn nhỏ, chúng em múa hát, Vũ khúc Tây Nguyên, múa nón, đồng quê....
Trong đó, một trong những thành tựu mà bà đã gây dựng được trong sự nghiệp giảng dạy của mình là nghệ thuật trình diễn piano 4 tay, tiếp tục được giới thiệu qua nhiều tác phẩm trong giáo trình này.
An Yên. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất