01/08/2015 12:50 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Việc chửi thề với người bình dân - số đông xã hội - là chuyện khá bình thường trong đời sống của họ, có khi còn là một nhu cầu, nên thật khó để phê phán, lên án. Ngay trong văn học cũng vậy, tùy nhu cầu/cách tiếp cận mà nhân vật có lối hành xử riêng, kiểu luận đề - ngôn ngữ trong sáng - của Tự lực Văn đoàn sẽ khác kiểu “cận nhân tình” - ngôn ngữ đời sống, trần tục - của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng…
Vậy thì ngày xưa người Việt có phổ biến “văn hóa chửi” (tạm gọi thế) chưa? Tại sao ngày nay có vẻ quá phổ biến, mà không chỉ trong giới bình dân, cả trí thức, quan chức, văn nghệ sĩ, giới giải trí? Gốc rễ của điều này đến từ đâu?
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Khi văn hóa Nho giáo chấm dứt sứ mạng
Chửi, với tính chất là một trong những phương thức phát tiết xúc cảm tiêu cực thành lời nói để cân bằng tâm lý, là nhu cầu hết sức bình thường của con người, bất kể Đông Tây kim cổ. Người Việt xưa không có nhẽ nào không có “văn hóa chửi”. Nhưng chửi như thế nào thì lại là một vấn đề.
Trước đây, bị ảnh hưởng bởi tư tưởng tam giáo rồi độc tôn Nho thuật, ít nhiều người Việt, đặc biệt là tầng lớp trí thức, bị ràng buộc bởi hệ thống những lý niệm lễ nghĩa liêm sỉ, họ “kiêng những tiếng cho là tục tĩu nhơ bẩn và tìm cách nói tránh hoặc nói khác đi” như nhận định của Nhất Thanh gần 50 năm trước.
Có thể điểm qua cách nói đi tiểu thay cho đi đái, đi cầu thay cho đi ỉa, hay trong giới sĩ phu, khi đọc chữ Hán, một số chữ lẽ ra âm chuẩn phải đọc là đái, giái… họ đều đọc chệch ra thành đới, giới. Lẽ ra phải đọc là “thế giái” thì đọc thành “thế giới”, “hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” sau đọc chệch thành “hoành sơn nhất đới, vạn đại dung thân”...
Tuy nhiên, ở tầng lớp bình dân, tình hình lại khác. Họ không nhiều kiêng kỵ, e dè, cũng như nhiều lối nói giảm nói tránh như tầng lớp trí thức tinh hoa. Họ chửi thẳng, xổ toẹt vào mặt đối phương với những từ ngữ “lời nói phải tránh”.
Lối chửi, xem ra cũng không khác cách chửi của người Việt hiện đại là bao. Có thể điểm qua mục từ đéo, vẫn trong Từ điển Việt - Bồ - La: “Đéo: giao hợp với đàn bà, tiếng tục. Đéo mẹ thằng cha: Hỡi thằng con của con đĩ, hỡi thằng con của đứa quê mùa xấu xa, ta sẽ làm tà dâm với mẹ mày”.
Hay trong bức tranh sinh động vẽ cảnh phố Hàng Đồng đầu thế kỷ 20 được sách kỹ thuật của người An Nam lưu lại, trên tường của một ngôi nhà xuất hiện dòng chữ Nôm “Đéo mẹ đứa nào ở trong cái nhà này!”…
Hiện nay, văn hóa Nho giáo đã chấm dứt sứ mạng. Văn hóa Tây Âu với sự đề cao chủ nghĩa cá nhân, tinh thần tự do khai phóng, đang được coi là giá trị phổ quát, đang có những ảnh hưởng áp đảo. Các mạng xã hội Facebook, Twitter… đua nhau xuất hiện.
Đặc biệt do thảm trạng giáo dục, cùng cơ man những tệ trạng đến từ nhiều bộ, ban, ngành, thành thử thượng bất chính, hạ tắc loạn. Việc chửi bậy, cách thể hiện bộc trực những cảm xúc, suy nghĩ cá nhân, theo đó, đã không còn được e dè, kiêng kỵ, bất kể là giới trí thức hay bình dân.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: Liên quan tới một “ký ức văn hóa di truyền”
Trong một bài viết năm 1990 nhan đề Tinh thần phục hưng trong thơ Hồ Xuân Hương, tôi có viết: “Trong các hình thức giao tiếp của xã hội văn minh hiện đại, nói tục, chửi thề là bất lịch sự, là thiếu văn hóa.
Nhưng nếu một ai đó có cái ý định loại trừ triệt để các hiện tượng này khỏi cửa miệng và trí nhớ của những người bản ngữ thuộc mọi dân tộc thì đó sẽ là một ảo tưởng thuần túy. Không phải chỉ ngoài vỉa hè, đầu đường xó chợ mới nghe thấy loại ngôn ngữ này, ngay những người nghiêm túc, văn hóa cao cũng biết nói thậm chí thích nói bằng ngôn ngữ đó, trong những khung cảnh nhất định.
Nghĩa là, hệ ngữ vựng nói tục chửi thề vẫn có một sức sống nào đấy, ứng với một trạng thái tâm sinh lý nào đấy, một ngữ cảnh giao tiếp - phát ngôn nào đấy, và liên quan đến một “ký ức văn hóa di truyền” nào đấy ở con người hiện đại”.
Thế tức là, nếu bạn muốn hình dung về một phạm vi văn hóa ứng xử của con người (ở đây là hành vi ngôn ngữ) gọi là “văn hóa chửi” (tôi không thích từ này) thì đương nhiên là có đấy. Hệ ngữ vựng “nói tục chửi thề”, một cách tự nhiên, sẽ được nạp vào vốn từ của mọi cá nhân ở tuổi trưởng thành. Nhưng đưa nó ra sử dụng hay không, sử dụng nhiều hay ít, là tùy thuộc các tình thế giao tiếp xã hội, tùy thuộc tâm trạng con người trong các tình thế giao tiếp.
Nói tục, thề tục, nói ngoa… là những biểu hiện của việc muốn công nhiên vi phạm các phép tắc nói năng chính thống. Hiệu quả của việc sử dụng bảng từ vựng tục tĩu là suồng sã hóa cả đối tượng được nhắc tới lẫn người tiếp chuyện, kéo kẻ (hoặc điều) được nói tới thấp xuống, để có thể bóc mẽ nó, lật tẩy nó, trào lộng nó.
Bạn hỏi tại sao hiện nay hiện tượng nói tục chửi thề lại có vẻ quá phổ biến, không chỉ trong giới bình dân, mà cả giới trí thức, quan chức, văn nghệ sĩ, giải trí? Tôi cho điều này liên can đến trạng thái xã hội, đến tâm trạng xã hội.
Thông thường, con người ta biết tự kiềm chế, chỉ có hành vi nói tục chửi thề ở một số tình thế vượt ra ngoài giới hạn thông thường, và sẽ tìm cách nhanh chóng kết thúc tình thế ấy, trở về trạng thái ôn hòa. Nhưng khi mà trong đời sống người ta những tình thế vượt quá giới hạn kiểu đó xuất hiện nhiều hơn, thậm chí xuất hiện khá thường xuyên, thì người ta dễ bị cuốn vào việc lạm dụng hành vi nói tục chửi thề.
Cảm giác thua kém người khác, cảm giác bị hạ thấp nhân cách, hoặc, nhu cầu “hạ giá” người khác, thậm chí hùa theo đám đông để “ném đá” một ai đó… có thể đưa người ta tới hành vi nói tục chửi thề để xúc phạm kẻ khác, lầm tưởng rằng đó là một cách tự tôn cao giá trị của mình.
Song đây lại là bước đi nguy hại, bởi, dấn bước vào hành vi này, sử dụng bảng từ vựng này càng thường xuyên thì lại càng tự tố cáo rằng con người mình đang dấn sâu hơn vào chuỗi hành vi tự hủy nhân cách, từ xúc phạm người khác, có thể đi tới các loại hành vi càn quấy, côn đồ, lưu manh.
Đằng sau hiện tượng phổ biến hơn trước những việc nói tục chửi thề, là những khủng hoảng giá trị, nhất là các giá trị nhân bản cốt lõi.
Chửi thành bài Không chỉ lưu truyền dân gian, có những “bài chửi” được lưu giấy trắng mưc đen, tiêu biểu là bài chửi mất con gà được nhà văn Nguyễn Công Hoan “ghi lại” trong tiểu thuyết Bước đường cùng: “… Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha thả nó ra, không tôi chửi cho đơới! Chém cha đứa bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn nó hãy còn, sáng hôm nay con bà gọi nó hãy còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh mỏ đỏ; nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem. Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh nó rút ruột ra. Ơi cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia...”. |
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất