Nỗi đam mê 160 gam

26/01/2015 09:08 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc sống càng gấp gáp thì người ta càng cố tìm những không gian riêng để lui về. Có người đến với thơ ca, người khác trồng hoa hay câu cá, lại có những kẻ lục thùng rác…

Jule Neigel

… là một nữ ca sĩ Nga gốc Đức khá thành công với 2 triệu đĩa hát bán ra và có lắm fan cuồng ở đủ thể loại pop, rock, funk, jazz, R&B... Nhưng trong số người hâm mộ đông đảo đó, hôm nay ta chỉ quan tâm đến Jens, ngày đó 14 tuổi ranh, chiều đến là hậm hực vì bố mẹ bắt dắt chó đi dạo một vòng - thay vì ngồi thiền ở nhà nghe đĩa Jule Neigel chẳng hạn.

Nhưng hôm nay cậu cực kỳ hên vì bất ngờ được gặp thần tượng của mình. Đúng thế. Jule Neigel. Nàng nằm trong đám cỏ sát lối đi. Cao 11,5 cm, thon thả, da rám đỏ, nặng 160 gam. Và từ khi Jens nhặt Jule Neigel lên thì cuộc đời cậu chuyển sang trang mới.


Ở Việt Nam, Coca-Cola cũng có một mẹo tiếp thị khá thành công, khiến nhiều người không uống Coca cũng đi lùng mua lon có tên mình hoặc người thân

Nàng không bằng xương bằng thịt, mà là một hình in vụng về trên vỏ lon Coca-Cola. Điều đó không cản trở Jens say mê ngắm cô gái tóc nâu lượn sóng. Một hàng chữ nhỏ bên cạnh cho biết đó là 1 trong bộ 12 hình vẽ cho người sưu tầm, nói đơn giản là một ngón tiếp thị tầm tầm của Coca-Cola. Nhưng nó là khởi đầu của một niềm đam mê suốt đời của Jens. “Ngay sáng hôm sau tôi ra phố, ngó vào từng siêu thị“, cậu bé người Berlin nhớ lại. “Đến cuối tuần là tôi kiếm được đủ bộ“. Thậm chí hai năm sau Jens còn phóng xe máy hơn 200 cây số sang Ba Lan để kiếm lon Coca có hình vẽ đặc biệt. Và hơn thế nữa: Jens mở rộng bộ sưu tập của mình với lon Fanta, lon có dáng như chai thủy tinh, lon bằng nhựa trong suốt, thậm chí có một con nai sừng tấm bé xíu bên trong - quà tặng Giáng sinh của Coca-Cola gửi các chiến binh Đức đồn trú tại Kosovo.


Lon to, nhỏ, sặc sỡ, một màu, sản xuất trong nước và ngoài nước - nhiều nhà sưu tầm chỉ ngủ ngon khi nằm giữa hàng nghìn hiện vật quý hiếm của mình

Ngày thứ Tư đen tối

… đến với Jens hôm 1/1/2003, đó là ngày đầu tiên nước Đức áp dụng quy định thu hồi vỏ lon để tái chế bằng cách thu tiền vỏ. “Thế là hết, từ giờ sẽ chẳng ai mua đồ uống đóng lon nữa“, Jens chán nản, dù biết rằng đó là một biện pháp vô cùng thân thiện với môi trường. Quả thật, từ đó trở đi các siêu thị Đức ngày càng ít bán lon kim loại.

Jens chia sẻ nỗi lo đó với người sưu tầm Sven, cũng người Berlin, dù với lý do khác: Sven tin rằng nếu lon nước uống biến mất thì sẽ kéo theo một chương lý thú trong lịch sử nghệ thuật và kỹ thuật.


Một chứng nhân lịch sử: chiếc lon sứt sẹo này xuất xứ từ mẻ lon đầu tiên sản xuất ở Đức, năm 1963 (Đức bán Coca-Cola từ 1929, nhưng chỉ đóng chai thủy tinh). Những lon đầu tiên có đường hàn ở cạnh và được ghép từ ba mảnh: thân, nắp và đáy. Hôm nay thân và đáy dập từ một mảnh. Trọng lượng lon cũng thay đổi qua mấy thập niên: từ 255 gam xuống 160 gam

Sven bắt đầu sưu tầm vỏ lon Coca từ năm 1992. Cậu sở hữu một chiếc lon từ mẻ sản xuất đầu tiên ở Đức, 1963, với đường hàn hằn rõ bên thân hộp và trọng lượng lớn gấp nhiều lần so với 160 gam hôm nay. Sven có cả loại lon không có khoen, mà mở bằng hai nút ấn - một giải pháp chết yểu. Trong bộ sưu tập của Sven có hàng trăm chân dung ngôi sao túc cầu, nhân vật hoạt hình, cả một lon Coca rỗng: trò quảng cáo cho phim Ghostbusters II, hù trẻ con là trong lon có hồn ma. Sau ngày 1/1/2003 ít lâu, ở Berlin chỉ có một chuỗi siêu thị duy nhất bán đồ uống đóng lon. Và ngón quảng cáo trên vỏ lon cũng gần như mất hẳn.


Một dạng hỗn hợp chai-lon: Coca-Cola thăm dò ý kiến khách hàng năm 1994, nhưng quyết định không sản xuất đại trà, do đó đây là một vật trao đổi cực kỳ hiếm hoi. Trong các cuộc đấu giá, đã có người phải trả hơn 500 USD cho một lon

Đối với Jens, Sven và nhiều người sưu tầm khác, nước uống có ga trong lon đã thành một thói quen hay thậm chí một cảm xúc khó bỏ. Lon kim loại nhẹ hơn và dễ làm lạnh hơn chai thủy tinh hay nhựa PET. Tiếng xịt hơi khi móc khoen là âm nhạc trong tai họ. Kể cũng khó đồng cảm, nhưng ai trong chúng ta mà chẳng có một thú vui phi lý nào đó? Sven nói: “Đó không chỉ là những lon kim loại vô hồn, chúng chứa rất nhiều ký ức và cảm xúc“. Mỗi lần đưa người lạ vào thăm “bảo tàng“, Sven luôn có một trải nghiệm như nhau: “Thoạt tiên ai cũng ngơ ngác nhìn các giá đựng lon sặc sỡ cao đến trần nhà, sau đó họ lui về quá khứ. Mỗi hình vẽ, mỗi slogan ngớ ngẩn in trên đó khiến họ nhớ lại một thời đã qua…“. Dù đã thuộc lòng từng hiện vật, Jens vẫn bồi hồi khi ngắm hình Vua sư tử và nhớ đến bà ngoại đã mất, vì bà đã kiếm vé, dắt cậu đi xem phim đó và mua cho cháu lon Coca. Một lon khác in chữ Trung Quốc khiến cậu nghĩ đến mối tình đầu: Sven buông tay người yêu để nhảy vào nhặt vỏ lon đó trong thùng rác cạnh đường…


Bộ sưu tầm với các ngôn ngữ khác nhau, nhưng thiết kế rất dễ nhận

“Vô giá!”

… hình như đó là phản ứng tức thì của dân sưu tầm khi bị hỏi, liệu họ có bao giờ bán “bảo tàng“ của mình đi. Đó cũng là ý nghĩ của Jens khi trìu mến ngắm 3.500 lon đủ màu của mình trên giá. Chết đói cũng chịu, chứ không bao giờ Jens chia tay những đồ vật thân thương chung sống dưới mái nhà. Hôm nay Jens là cửa hàng trưởng một tiệm bán phụ tùng mô-tô. Tất cả các nhân viên cửa hàng đều mua nước uống đóng chai tái chế, riêng trước văn phòng của sếp có một máy tự động bán Coca lon!


Nhân giải EURO 1996, Coca-Cola cho in hình ảnh đội tuyển Đức. Với Bàn thắng vàng của Oliver Bierhof, đội Đức trở thành quán quân châu Âu lần thứ ba

Thôi thì, ta hãy rộng lượng khi xét nét những đam mê của người khác. Nhưng ngắm nghía bộ sưu tầm của họ và nghe những giai thoại gắn bó với chúng, biết đâu ta sẽ vui lây?.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm