24/11/2017 07:45 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Cả nước, đặc biệt đội ngũ giáo viên, đang hết sức hồi hộp chờ đợi kết quả Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi và trình lên Chính phủ. Một Dự thảo có nhiều điều khoản mang tính “kiến tạo”, “khai phóng”, được dư luận hết sức hoan nghênh.
Để biến các ý tưởng tốt đẹp trong dự thảo sớm đi vào thực tiễn, vẫn còn đó quá nhiều thách thức. Nhưng, cuộc sống là hy vọng, nhất là các chính sách thỏa nguyện được khát vọng của đội ngũ giáo viên, phụ huynh, tạo được đồng thuận lớn trong xã hội, thì Chính phủ và Bộ Giáo dục - Đào tạo nên soi xét, quyết tâm thực hiện.
Trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, có các điểm quan trọng: Lương giáo viên sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Với việc nếu lương giáo viên cao bằng bác sĩ, giáo sư, nghề giáo thực sự được tôn vinh cả vật chất lẫn tinh thần. Từ đó, hy vọng sẽ giúp đội ngũ những người “chèo đò” yên tâm, tận tụy hơn, góp phần đưa chất lượng giáo dục đất nước đi lên.
Học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 được miễn học phí. Đấy cũng là cuộc cách mạng lớn, giảm gánh nặng quan trọng cho phụ huynh, nhất là những gia đình không có điều kiện kinh tế ổn định, vốn chiếm đa số.
Các chương trình, SGK được biên soạn với tư duy nhiều thay đổi, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Chúng ta đều biết, chất lượng sách giáo khoa (SGK) quyết định đến việc chất lượng dạy và học. Có nhiều “khoảng trống” vẫn chưa được hoàn thiện trong SGK, khiến học sinh rất thiệt thòi, nhất là các môn xã hội.
Hẳn nhiều người không khỏi phấn khởi khi nghe phát biểu trên báo chí của GS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển), Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới. “Chương trình Lịch sử mới được xây dựng trên quan điểm không có gì không thể nói và không được nói, vấn đề là trình bày sao cho khoa học, nhân văn, tiến bộ. Nhất định phải dạy về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, về lịch sử đấu tranh của dân tộc nhằm bảo vệ và thực thi chủ quyền đó, chẳng hạn các cuộc hải chiến Hoàng Sa (1974), trận Gạc Ma bảo vệ Trường Sa (1988).
Trong lịch sử chiến tranh vệ quốc của Việt Nam, không thể không tìm hiểu về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam (1975-1978), chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc (1979-1989). Các vấn đề như sự du nhập đạo Phật, đạo Cơ đốc vào Việt Nam; xã hội phong kiến định kiến nặng nề với người phụ nữ; những sai lầm trong cuộc Cải cách ruộng đất và việc sửa sai (1953-1956); những khó khăn, khuyết điểm của thời kỳ bao cấp (1976-1986)… cũng sẽ được đề cập”.
***
“Thuật nhi bất tác”, (chép sử không thể phóng tác), nếu những gì GS Phạm Hồng Tung nói sẽ được đưa vào SGK, lịch sử làm SGK sẽ sang trang mới. Các SGK một số môn khác cũng nên đổi mới tinh thần đó, nhất là sách văn học.
Hy vọng, ngành giáo dục sẽ thực sự vào cuộc để vượt giới hạn. Những câu hỏi như lấy tiền đâu để tăng lương cho giáo viên, giảm học phí; giảm học phí có bị lạm thu các khoản khác... vẫn còn đó. Dẫu khó khăn, nhưng đổi mới giáo dục để bắt kịp xu hướng chung của văn minh nhân loại là tất yếu, chúng ta không thể tiếp tục đi ngược lại.
Nếu ngành giáo dục biết sử dụng hợp lý các nguồn kinh phí, làm hết sức với quyết tâm đưa nền giáo dục thoát ra khỏi trì trệ, người dân cả nước lẫn các Mạnh Thường Quân chẳng tiếc tiền của và công sức để chung tay.
Chắc chắn là thế.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất