07/12/2017 19:45 GMT+7 | Video Xã hội
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu một lần ngang qua xứ Quảng, mọi người sẽ vô cùng thú vị với một thể loại dân ca dân vũ vô cùng đặc sắc của xứ sở này.
Đặc biệt những ngày tết đến xuân về, những hội bài chòi xứ Quảng lại rộn rã chào mời muôn người cùng đến tham gia, thưởng thức, và thấy trong đó nét đẹp và tình yêu quê hương đất nước hiện lên trong mỗi câu hát dung dị và đời thường ấy.
Sau nhiều lần đê trình, Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào hồi 17 giờ 10 phút (giờ địa phương), tức 15 giờ 10 phút (giờ Việt Nam) ngày 7/12/2017 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Hàn Quốc.
Cho đến ngày nay không ai xác định rõ Bài Chòi ra đời từ khi nào. Có nhiều giả thuyết cho rằng Bài Chòi ra đời từ khoảng thế kỉ XV gắn với quá trình mở nước của người Việt. Bài Chòi là một trò chơi dân gian mang tính văn nghệ quần chúng như hai học giả P.Huard và M.Durand đã nhận xét “Qua một thời gian dài Bài Chòi đã trở thành nhu cầu giải trí lành mạnh trong kho tàng văn nghệ dân gian”.
Tiền thân của Bài Chòi là sự liên lạc của các chòi canh trên nương rẫy. Bài Chòi đựợc hình hành và hoàn chỉnh ở vùng đồng bằng. Tuy nhiên, theo học giả người Ba Lan G.L.Bôviơ thì cho rằng: “Bài Chòi xuất phát từ vùng rừng núi xa xôi.
Đánh Bài Chòi là hình thức lôi cuốn nhất đối với nhân dân lao động trong những ngày lễ tết”. Theo nhiều nhận định thì Bài Chòi được hình thành và phát triển sau những năm 1470 Nam tiến.
Người Việt ra sức khẩn hoang từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho tới BìnhThuận. Đặc biệt thành công trong công việc xây dựng kinh tế, văn hoá và đời sống vùng châu thổ Bình Định, Phú Yên rất phì nhiêu.
Trong số đó có nhiều người từ nhiều địa phương có truyền thống văn hoá từ lâu đời phong phú và đa dạng, có điều kiện kết hơp nhanh chóng với nền văn hoá của địa phương, một số làn điệu dân ca, hò lý, hò chèo thuyền, hò giã gạo… còn giữ được bản sắc ban đầu đồng thời phát triển, sáng tạo ra những làn điệu mới…
Hình thức chơi Bài Chòi khá đơn giản: được kết cấu bằng chín cái còi con và một “trung tâm” hay còn gọi là chòi trung ương. Người mua thẻ chơi Bài được ngồi trong các chòi để lắng nghe cây hát của anh Hiệu (người làm trò).
Trong bộ Bài Chòi gồm 30 cặp, trong mỗi con bài không có ghi chữ mà là những hình vẽ theo kiểu tượng trưng, siêu thực và được đặt bằng những cái tên mang tính ước lệ như: Bạch Huê, Nhứt Nọt, Ngũ Trượt , Chín Cu… Tuy với tên gọi là Bài chòi nhưng trong sân chơi Bài Chòi không xem trọng sự thắng thua mang nghĩa vật chất mà đây là một trò giải trí, một sân chơi văn hoá của người dân nơi đây.
Nó mang nhiều giá trị và ý nghĩa sâu sắc đặc biệt là trong nội dung của những câu Thai. Thai là những câu mà anh Hiệu dùng để xướng tên con bài có thể đó là những câu dân ca, tục ngữ, hoặc là do tự sáng tác.
Thông qua nội dung của những câu Thai ta có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình phụ mẫu, tình thầy trò, theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc. Những câu hát còn ca ngợi tình cảm phu thê. Tình yêu luôn là đề tài muôn thuở, nó chiếm một phần không nhỏ trong tâm hồn của mỗi người.
Có khi nó sẽ làm thăng hoa một cảm xúc và có khi nó để lại một khoảng lặng buồn trong tâm hồn của chúng ta. Trong Bài chòi cũng như thế những câu hát về tình yêu chiếm một vị trí không nhỏ, đặc biệt là ca ngợi về sự thủy chung, gắn bó chia sẻ những niềm vui, nổi buồn, sự ngang trái của cuộc đời.
Những câu hát còn ca ngợi những đức tính tốt đẹp của con người. Đó là lòng hiếu nghĩa, lòng nhân ái, sự bao dung, chia sẻ, cái tâm trong sáng và những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó là sự giáo dục về đạo đức, về nhân cách sống, về tình yêu quê hương đất nước, hướng con người đến những giá trị, những chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.
Tình yêu quê hương được khắc hoạ khá sâu sắc trong những câu ca; đó là lòng tự hào về quê hương, sự gởi gắm tình cảm về chốn thôn quê dân giã nơi mình đã chào đời. Đặc biệt, đó là những lời nhắn nhủ, mỗi người phải biết hướng về cội nguồn, về nơi ta sinh ra và về nơi đã cho ta những điều hạnh phúc trong đời... Họ đã mượn lời của cha ông để nói lên điều mình muốn nói nhằm dạy dỗ con cháu.
Qua đó ta thấy điều mà họ muốn gởi gắm, muốn dạy dỗ không chỉ có tình yêu quê hương đất nước mà cả lòng nhân ái, sự yêu thương, sẻ chia, đùm bọc, nâng đỡ nhau trong những lúc lao đao. Để cái cuối cùng đạt đến là tình cảm với con người với quê hương đất nước.
Dù cho ở khía cạnh nào thì thông qua những câu Thai trên người dân nơi đây muốn gởi gắm vào đấy những điều họ muốn răn dạy, khi nghe được những câu ca này tự mỗi người sẽ cảm nhận được những ý nghĩa bên trong để từ đó tạo cho ta một cách sống tốt đẹp hơn phù hợp với truyền thống của dân tộc.
Hội bài chòi thường được khai mạc từ sáng Mồng Một Tết. Những cụ già có vai vế trong làng làm lễ cúng thần linh, thổ địa, thành hoàng... cầu cho một năm mới gặp nhiều điều an lành, mùa màng bội thu, làng xóm trù phú. Trong khi đó, tiếng trống hội liên tục vang lên báo hiệu và thôi thúc dân làng đến chơi và nghe hô hát bài chòi. Nhân dân làng trên, xóm dưới trong những bộ trang phục đẹp nhất nô nức đến chơi bài chòi đầu năm tìm sự may mắn.
Đến xem bài chòi ở những vùng nông thôn nơi mảnh đất xứ Quảng này, sẽ thấy cảnh tượng nơi đây thật lạ bởi dù có “ca sĩ”, “nhạc sĩ”, có “diễn viên”, có sân khấu hẳn hoi nhưng khán giả chẳng hề ngồi không thưởng thức như thường thấy. Khán giả cũng có thể đứng lên tham gia vào những câu thai, hay thay anh Hiệu để hô những con bài, hoặc có thể thay một vài nhạc công trong đó để cùng hòa nhịp với hội.
Những con người chân chất mộc mạc của vùng đất nắng gió ấy, hầu như ai cũng thuộc, cũng hát được những câu bài chòi, cả những câu hát khó.
Cứ thế, lời hô hát bài chòi truyền khẩu trong dân gian từ đời này qua đời khác, nó phản ánh tư duy thẩm mỹ bình dân của cư dân nông nghiệp nơi này. Sau này, cũng chính từ dân gian đúc kết lại để ra đời các làn điệu dân ca Nam Trung Bộ.
Thời công nghiệp văn minh, nhiều loại hình giải trí hiện đại dần thế chỗ nhưng may mắn thay đó đây vẫn còn thói quen tổ chức những hội bài chòi, đặc biệt những hội chòi này vẫn thu hút rất đông người và như thế vẫn còn nhiều người yêu thích bài chòi. Điển hình như tại Hội An, dù không phải là chiếc nôi sản sinh ra bài chòi, nhưng hiện nay ở đây hiển nhiên đã là một địa chỉ có thương hiệu về loại hình này.
Nhưng bây giờ, có thể thấy hầu như rất nhiều những hội bài chòi được tổ chức, ở nhiều những địa điểm của phố cổ. Một điều thú vị nữa, thời gian gần đây nhiều người yêu mến bài chòi đã chuyển soạn những điệu hát ra các thứ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… để du khách người nước ngoài có thể tham gia trực tiếp vào trò chơi đầy nhân văn và ý nghĩa, đậm chất dân tộc và đặc trưng của vùng đất này.
Chính vì thế, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu chúng ta nghe thấy một giọng nước ngoài hát bài chòi bằng thứ tiếng của họ khi đến với Hội An. Đây có lẽ là một hình thức làm du lịch mới của những người làm du lịch đầy sáng tạo và cũng là một cách quảng bá nền văn hóa Việt Nam độc đáo, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta.
Hội bài chòi vừa mang trong nó hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa. Chính vì thế, hội bài chòi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân khu vực miền Trung, thu hút cả người già và lớp trẻ ở mọi vùng miền, không những trong dịp tết mà còn ở các lễ hội của địa phương.
Hy vọng rằng, với việc được UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 12 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ, Ca trù, Hội Gióng (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và trò chơi kéo co, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Hát Xoan và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ.
Tiêu Dao
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất