Con người sinh ra không phải để chết

29/11/2010 10:33 GMT+7

(TT&VH) - Nếu người nào đó hỏi tôi: “Ai là những người đáng thương nhất trong xã hội này?”. Tôi sẽ không cần phải suy nghĩ mà trả lời ngay rằng: “Những đứa trẻ bị nhiễm HIV từ khi sinh ra”.


Trẻ em bị nghi nhiễm HIV tại TS lao động xã hội số 2. (Nguồn: Việt Báo)

Trong một lần đến thăm Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 Ba Vì Hà Nội, nơi chăm sóc các bé có HIV, tôi ám ảnh mãi câu hỏi của cô bé 11 tuổi: “Nếu biết mẹ bị HIV, chú có chọn mẹ khác không?”. Tôi im lặng. Bởi tôi không biết có kiếp trước, có vòng luân hồi hay không. Và tôi cũng không đủ dũng cảm để nói với em rằng: “Con người ta có thể chọn cách sống cho riêng mình, chứ không thể chọn cha mẹ để được sinh ra”.


Từ khi mầm sống bắt đầu được hoài thai, cho đến rõ hình hài con người, những bạch cầu, hồng cầu tươi đỏ trong mạch nguồn dòng máu em đã chảy chung với thứ virus thế kỷ. Em được sinh ra với “bản án” lơ lửng trên đầu, mà cha hay mẹ các em vì lí do này khác đã bị “tuyên án” trong cuộc sống này.

Nhưng có thứ virus khác cũng đáng sợ với các em không kém, sự kì thị nhẫn tâm của không ít người trong xã hội.

Hình ảnh, từ căn phòng nhỏ nằm ở phía sâu trong Trung tâm chăm sóc trẻ có HIV Mai Hòa huyện Củ Chi. Những em bé ngây thơ, trong khiết mới 6 tuổi đã chuẩn bị phải chuyển sang điều trị theo thuốc ARV theo phác đồ 2, phác đồ cuối cùng trong điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Nhưng cũng từ đấy, tiếng “ê a” đọc từng con số của các em hòa vào không gian. Cuộc sống của các em vẫn tiếp diễn và nỗi khát khao cháy bỏng chưa bao giờ tắt là được “đến trường bình thường” như bao bạn bè khác. Vậy mà các em đã không thể.

Nhưng cuộc sống này không có đường cùng, con người sinh ra không phải để chết. Chắc hẳn các em đã được nghe kể chuyện sọ dừa. Người mẹ già mang thai chín tháng mười ngày trở dạ, nhưng bà sinh ra không phải một con người mà là cục thịt tròn lông lốc như hình cái sọ, không chân không tay. Bà hoảng sợ, nhưng cục thịt lên tiếng: “Mẹ ơi! Con là người đấy. Mẹ đừng vứt con đi mà tội nghiệp”. Bà đã nâng niu và hết lòng yêu thương cục thịt ấy. Sau này, sọ dừa trở thành một trạng nguyên khôi ngô tuấn tú, được nhà vua trọng dụng. Ý tứ sâu xa của tổ tiên người Việt gửi gắm trong câu chuyện, chắc những người lớn hôm nay đều hiểu.

Câu chuyện mới hơn, năm 2008, cả thế giới rung động với chú chó tật nguyền mang tên Niềm tin. Mới sinh ra, nó chỉ có hai chân, ngay chính mẹ nó cũng ruồng bỏ, không cho nó đến bầu sữa. Chủ nhân vứt nó vào thùng rác. Nhưng điều kì diệu mang tên Stringfellow đã đến. Bà Stringfellow đã mang con vật về nuôi dưỡng và đặt tên cho nó là Faith (Niềm tin). Năm 2008, tạp chí People lừng danh đã đưa ảnh chú chó Faith lên trang bìa tờ báo, một điều chưa từng có trong tiền lệ. Tờ Washington Post đã ca ngợi: “Bản thân con vật mang nhiều nỗi bi thương đã mạnh dạn đứng dậy và nhìn đời với sự bao dung và hạnh phúc. Tên nó là Niềm tin. Chú chó đứng bằng hai chân sau nhưng có thể hiên ngang tiến bước như tất cả mọi người trong xã hội này”. Faith trở thành biểu tượng của niềm tin và lòng can đảm để con người có thêm sức mạnh chống lại bệnh tật. Tình thương của Stringfellow đã cứu rỗi tất cả.

Những em bé có HIV, như chiếc lá mỏng manh chống chọi trong đêm Đông lạnh. Những ai từng ngồi trên ghế nhà trường, hãy nhớ đến Johnsy đếm từng chiếc lá trước khi lìa cành (Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O. Henry). Mong chúng ta, những con người, nếu không là họa sĩ Behrman vẽ chiếc lá trong đêm Đông, thì cũng đừng là kẻ vặt đi chiếc lá cuối cùng ấy.

Nguyễn Gia

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm