Southampton và Swansea: Những hình mẫu của Premier League

28/01/2015 13:46 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần này, Premier League chứng kiến cuộc đấu lớn giữa 2 đội đang so kè ở ngôi đầu bảng: Manchester City tới làm khách ở Chelsea trong trận đấu muộn tối thứ Bảy. Đó thậm chí có thể coi là trận đấu lớn nhất mùa giải.

Tuy nhiên, sẽ rất khó cho phần lớn các đội bóng muốn học hỏi theo cách làm của 2 đại gia Premier League. Trong khi Chelsea và Manchester City đã làm rất tốt nửa thập kỷ qua để đưa họ lên vị trí hiện giờ, sự nổi lên của hai đội bóng đó chủ yếu là nhờ vào những khoản đầu tư không tiếc tay từ các nhà bảo trợ “hảo tâm” và giàu có. Vận may gần như theo kiểu trúng số của Man City và Chelsea là rất hiếm xảy ra.

Tuy nhiên, một trận đấu khác vào chiều Chủ nhật ở Premier League sẽ mang tới những bài học và nguồn cảm hứn thật sự: Swansea tới làm khách ở Southampton. Đó sẽ là cuộc đối đầu giữa 2 đội chơi tấn công hấp dẫn đang ở nửa trên bảng xếp hạng, chơi ổn định và tận dụng tốt những nguồn lực của họ.


Swansea (áo trắng) leo lên Premier League từ League Two (hạng Tư) trong vòng 7 mùa giải,

Swansea leo lên Premier League từ League Two (hạng Tư) trong vòng 7 mùa giải, trong khi Southampton tới với bến mơ nhờ 2 lần thăng hạng liên tiếp từ League One (hạng Ba). Swansea đã kết thúc 3 mùa giải gần nhất của họ ở giải Ngoại hạng với các vị trí 11, 9 và 12, giành League Cup năm 2013. Southampton về đích hạng 14 mùa trước và đang cạnh tranh cho suất dự Champions League mùa này. Cả hai cũng đã trở thành những điểm đến đủ hấp dẫn cho các cầu thủ và HLV giỏi, hơn so với những Newcastle, Aston Villa và Sunderland, các CLB xét về truyền thống là lớn hơn. Điều thú vị là Swansea cùng Southampton có nhiều điểm chung mà những đội bóng ít tiền có thể học hỏi và làm theo.

Một sân bóng mới

Xây một sân bóng mới là thách thức lớn nhất về mặt hậu cần với một CLB bóng đá, đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ cũng như thời gian và sự kiên nhẫn. Những ví dụ của Coventry City và Derby County, sa sút ngay sau khi chuyển sang sân mới, còn nhãn tiền.

Southampton khai trương sân St Mary’s năm 2001 và mọi chuyện ban đầu không hề thuận lợi. Họ rớt hạng sau 4 mùa chơi ở sân mới, rồi rơi xuống tận hạng Ba, nhưng về dài hạn, sân bóng mới mang tới những lợi ích lớn. Chìa khóa của vấn đề là Southampton có thể tăng mạnh doanh thu, không chỉ thông qua việc bán vé vào cửa, mà cả qua những công việc kinh doanh ngoài bóng đá quan trọng khác. Khu khán đài VIP mới sang trọng và đắt tiền hơn hẳn rất hút khách, St Mary’s còn có một khu tổ chức hội thảo vào giữa tuần và được cho thuê tổ chức nhạc hội vào mùa hè, biến nó thành một cỗ máy kiếm tiền thật sự so với sân cũ The Dell, có giá trị lịch sử, nhưng rất khó khai thác.


Southampton tới với bến mơ nhờ 2 lần thăng hạng liên tiếp từ League One (hạng Ba)

Tình hình của Swansea hơi khác: trong khi Southampton sở hữu sân bóng của họ hiện giờ, sân Liberty thuộc sở hữu hội đồng thành phố Swansea, họ cùng dùng sân này với đội bóng bầu dục Anh Ospreys. Cả hai đội đều không đủ tiền để xây một sân mới, nên hội đồng thành phố đã hỗ trợ, và đó là một quyết định có lợi cho tất cả. Swansea không thể kiếm thêm tiền từ các hoạt động ngoài bóng đá từ sân Liberty như Southampton, nhưng đó vẫn là một căn nhà mới tuyệt vời so với sân bóng cũ kỹ ọp ẹp của họ Vetch Field.

Xây dựng bản sắc trong lối chơi

Từ khi thăng hạng năm 2011, Swansea đã gây ấn tượng mạnh nhờ lối chơi cầm bóng nhiều và chuyền bóng liên tục, đến mức họ từng được gọi là “tiểu Barcelona” của Premier League. Khi Swansea để thủng lưới trước Manchester United vì lối chơi chuyền bóng rối rắm đó sau một đường chuyền hỏng của Angel Rangel lúc họ mới trải nghiệm Premier League, HLV khi đó Brendan Rodgers không những không chỉ trích Rangel mà còn khẳng định ông muốn đội bóng của mình tiếp tục chơi như thế.

Một gương mặt tiêu biểu cho lối chơi đó là Leon Britton, người đã gắn bó với CLB suốt từ League Two: tỉ lệ chuyền bóng chính xác của anh luôn thuộc loại hàng đầu châu Âu. Việc bổ nhiệm Garry Monk, một cựu cầu thủ ở CLB, vào ghế HLV trưởng càng là lời khẳng định Swansea muốn tiếp tục bản sắc chơi bóng của họ.

Southampton có một phong cách riêng khác, lần lượt với các HLV Mauricio Pochettino và Ronald Koeman, họ đã duy trì lối đá pressing liên tục, cướp lại bóng thật nhanh và trực diện.

Vấn đề không phải là triết lý nào, vấn đề là bạn phải có một triết lý chơi bóng rõ ràng, và từ đó hình thành nên bản sắc lâu dài cho đội bóng.

Nhấn mạnh đào tạo trẻ

Southampton từ lâu đã là lò đào tạo trẻ hàng đầu ở Anh. Trong một thập kỷ qua, họ đã sản sinh ra Theo Walcott, Gareth Bale, Alex Oxlade-Chamberlain, Adam Lallana, Luke Shaw và Calum Chambers, chưa kể nhiều người khác. Không phải quá lời khi nói Southampton là nơi đào tạo cầu thủ trẻ bản địa số 1 ở Anh.

Dễ hiểu là ban lãnh đạo Southampton rất kín tiếng về các bí quyết giúp họ thành công trong đào tạo trẻ, nhưng một số thông tin tuồn ra ngoài nói họ tập trung vào việc phát triển cầu thủ không chỉ trên, mà cả ngoài sân bóng. Thật vậy, những tài năng vừa kể trưởng thành Southampton không chỉ chơi bóng giỏi, họ còn cư xử mẫu mực ngoài đời, dù tuổi còn rất trẻ.


Chamberlain, Theo Walcott và Chambers đều xuất thân từ lò đào tạo trẻ của Southampton

Đội bóng cũng luôn dành một nguồn lực tài chính ưu tiên cho học viện trẻ. “Ngay cả khi CLB phá sản và bị chính quyền tiếp quản, học viện trẻ vẫn nhận được ngân sách như thường lệ”, cựu giám đốc học viện trẻ Southampton Matt Crocker, hiện đang làm việc cho LĐBĐ Anh FA, nói. “Các đội khác gặp khó khăn về tài chính sẽ cắt trước hết là tiền cho đào tạo trẻ, nhưng Southampton không bao giờ làm như thế”.

Swansea chưa sánh được với Southampton trong lĩnh vực này, nhưng họ cũng có những niềm tự hào riêng, như Joe Allen. Anh gia nhập Swansea từ năm 9 tuổi, giúp đội bóng 2 lần thăng hạng và tỏa sáng ở Premier League trước khi được bán cho Liverpool với giá 15 triệu bảng. Hậu vệ trái Ben Davies là một câu chuyện thành công khác.

Mua sắm khôn ngoan

Chính sách chuyển nhượng ở cả hai đội là một quá trình liên tục: mua rẻ, bán đắt. Điều đặc biệt đúng trong vài mùa giải trở lại đây. Với tiền bán đi Allen, Swansea đã mua về Michu, Chico Flores, Pablo Hernandez và Ki Sung Yeung, tất cả đều giúp đội bóng mạnh lên rất nhiều. Tuy nhiên, họ cũng sẵn sàng kiếm tiền ngay từ các hợp đồng lớn. Wilfried Bony là một canh bạc rất quan trọng với Swansea, được đưa về với giá 12 triệu bảng, hơn gấp đôi so với hợp đồng kỷ lục trước đó của CLB, nhưng họ đã có thể bán anh cho Man City thu về 28 triệu bảng trong tháng 1 này. Những thương vụ thông minh đó đã diễn ra đều đặn vài năm qua, bao gồm Allen, Scott Sinclair (8 triệu bảng cho Man City), Danny Graham (5 triệu bảng cho Sunderland), Bony…

Southampton còn làm tốt hơn. Mùa hè vừa rồi, họ bán đắt hàng loạt cầu thủ: Lallana, Chambers, Shaw, Dejan Lovren và Rickie Lambert, rồi mua rẻ gần như nửa đội hình mới: Dusan Tadic, Graziano Pelle, Fraser Forster, Shane Long và Sadio Mane. Tất cả những chữ ký mới đầu gây ấn tượng, dù có giá rất phải chăng.

Các CLB Premier League nói chung là những cỗ máy tiêu tiền, nhưng Swansea và Southampton đã chứng tỏ các đội bóng có thể làm khác đi, và thực sự là tấm gương sáng cho mọi CLB, dù họ đang ở đâu trong kim tự tháp bóng đá Anh.

Trần Trọng
Theo ESPN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm