Antonio Conte sẽ bình dân hóa Chelsea?

17/03/2016 13:50 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) - Cái đầu hói, nếu nó vẫn còn, thì có lẽ là hình ảnh “thống nhất” giữa vẻ bề ngoài với quan điểm bóng đá của Antonio Conte. Ông thích một thứ bóng đá dựa trên sự lao động chăm chỉ, không duy mỹ và thậm chí hơi khắc khổ.

Trước khi dẫn dắt Juventus vào năm 2011, Conte đã đi cấy tóc. Ông đẹp trai lên trông thấy so với cái đầu hói khi còn làm cầu thủ. Conte của thời trẻ trông lại… già hơn cả khi đã 46 tuổi. Hồi xưa, không có kĩ năng bóng đá trời phú, ông vẫn là đội trưởng của Juventus, trong một sự nghiệp tương đối thành công. Ông nhận thức rằng mình phải “cố gắng gấp đôi đồng đội”, vì biết giới hạn của mình.

Một HLV “hiếu chiến”

Làm HLV, người ta bảo Conte là người “nghiện làm việc”. Trong đầu ông chỉ có bóng đá và bóng đá. Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ 4-5 giờ sáng tới khuya. 4 giờ, thức dậy phân tích video để khắc phục các điểm yếu lối chơi. Sau các buổi tập hoặc trận đấu, là trở về nhà tiếp tục đọc sách và nghiên cứu. Lịch làm việc khiến ta liên tưởng đến Pep Guardiola.

Andrea Pirlo đã từng làm việc với những HLV Carlo Mazzone ở Brescia, Marcello Lippi tại Inter; Carlo Ancelotti, Massimilliano Allegri của Milan hoặc Cesare Prandelli trên tuyển Ý. Nhưng Pirlo bảo: “Conte là HLV xuất sắc nhất”.

Pirlo của thời điểm cuối năm 2010 là cầu thủ đã hết thời, bị Milan xua đuổi và phải ra đi trong nước mắt. Nhưng khi đến Juve theo lời mời của Conte, anh vươn đến đội hình xuất sắc nhất của UEFA năm 2012 và xếp thứ 7 cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng.

Thứ Pirlo đánh giá cao nhất ở Conte là thái độ “hiếu chiến”, và khả năng truyền tinh thần ấy đến cầu thủ. Trong cuốn tự truyện, anh viết: “Những lời của Conte tấn công bạn. Chúng  mở tung cánh cửa của tâm trí, nhẹ nhàng tàn phá bạn và rồi yên vị bên trong. Cứ mỗi khi đi chệch đường ray, tôi lại nghe thấy trái tim mình mách bảo: “Khỉ thật, Conte lại nói rất trúng nữa rồi”.


Antonio Conte là HLV có tính khí khá nóng nảy

Ông chưa từng tiếp quản một tập thể đang trên đỉnh cao thành công. Sau thời gian làm việc ở Serie B, Conte dẫn dắt Juventus năm 2011, trong bối cảnh quyền lực này 2 mùa liên tiếp xếp thứ 7 Serie A. Không động viên “sến súa” và hô hào, ông đánh thức sự tự ái của đám cầu thủ: “Các anh, hai năm qua chúng ta xếp thứ 7. Cái thứ đó rõ ràng quá điên và tôi không đến đây vì vị trí ấy. Đã đến lúc chấm dứt cái loại kinh khủng này rồi nhé! Tôi không yêu cầu các anh đứng lên một cách lịch sự. Tôi đến đây để ra lệnh, bắt các anh làm việc như một nghĩa vụ đạo đức”.

Thích cầu thủ cần cù bù khả năng

Conte rất thích những cầu thủ cần cù. Giữa một ngôi sao có 90% tài năng nhưng thất thường, và một cầu thủ tài năng chỉ đạt điểm 6 nhưng chăm chỉ, ông sẽ chọn loại thứ hai. Simone Padoin là quân bài dự bị đắc lực trong đội hình của ông, chỉ bởi anh luôn đạt điểm 5, và đá được nhiều vị trí. Conte thậm chí thuyết phục Cesare Prandelli cho Sebastian Giovinco, trò cưng do đích thân ông đưa về từ Parma với giá 8,25 triệu bảng, được dự World Cup 2014.

Gianluigi Buffon là một huyền thoại của Juventus, với gần 20 năm cống hiến, cũng không phải cầu thủ bất khả xâm phạm. Tự truyện của Pirlo kể lại câu chuyện năm 2014, sau khi Juve đã vô địch Serie A. Cầu thủ rất vui, nhưng Conte vẫn trầm lặng. Đã vô địch rồi nhưng ông vẫn muốn Juve thắng trận cuối cùng trước Cagliari để cán mốc 102 điểm, một kỉ lục.

Trong buổi phân tích video trước trận, khi Conte đang nói thì Buffon thò mặt vào: “Sếp, em xin lỗi một chút. Giám đốc muốn chúng ta bàn bạc xong xuôi vụ chia tiền thưởng cho chức vô địch này”. Conte nổi khùng. “Đủ chưa, đã đủ chưa? Ra ngoài! Tất cả ra ngoài! Tôi không thấy mặt bất cứ ai nữa”. “Nhưng, sếp?”. “Câm mồm đi Gigi! Tôi không muốn nghe điều gì từ cái mồm của cậu nữa. Đừng để tôi phải nhắc lại”.

Conte yêu sự hoàn hảo, nhưng có lẽ ngay sự hoàn hảo ấy cũng không khiến ông hài lòng. Đó là lúc Juve thống trị Serie A nhưng thi đấu rất kém ở Champions League. Trong 3 mùa dẫn dắt, Juve của ông chỉ lọt vào tới tối đa là Tứ kết.

Người Ý chỉ trích sự cố chấp với hệ thống chiến thuật 3 hậu vệ của Conte, cho rằng nó quá cứng nhắc trong xu thế châu Âu dùng nhiều tiền đạo biên. Nhưng Conte mặc kệ. Đội hình xuất phát ở lượt về trước Bayern năm đó gồm: : Buffon – Barzagli, Bonucci, Chiellini – Padoin, Pogba, Pirlo, Marchisio, Asamoah – Quagliarella, Vucinic. Lượt đi, chỉ có 2 sự thay đổi là Vidal thay Pogba và Lichtsteiner thay Padoin. Tập thể ấy quá “bình dân” so với Bayern của những Robben, Ribery, Mueller, Mandzukic hoặc Javi Martinez giá hơn 30 triệu bảng… Năm đó, Juve thua với tổng tỉ số 4-0.

Conte sẽ “bình dân hóa” Chelsea?

Quan điểm sử dụng cầu thủ “cần cù” của Conte có thể dẫn tới chuyện biến Chelsea thành đội bóng của những anh chàng loại khá. Gã nhà giàu vẫn thường mua cầu thủ để sử dụng trong chu kì 3-5 năm, với hệ thống đào tạo trẻ không phải để phục vụ đội 1, mà là tìm cách xuất khẩu cầu thủ trẻ, song song với quá trình “hút máu” từ các lò đào tạo khác.

Nhưng trong vài năm gần đây, ông chủ Roman Abramovich khắt khe hơn. Các giám đốc thể thao của Chelsea đã gây khó dễ cho Jose Mourinho trong các thương vụ Anthony Martial, Antoine Griezmann và John Stones. Chúng dẫn tới mùa giải thảm bại này. Không được dự Champions League mùa sau, Conte phải tái thiết chứ không được xây cao công trình đang xô lệch.

Và nếu nói đến tái thiết, thì đây là sở trường của ông. Conte đã phục sinh Juve từ đống đổ nát, và trong thời gian qua xây dựng lại đội tuyển Italy. Ông không cần nhiều ngôi sao. Người đắt giá nhất trong 3 năm dẫn dắt Juve là… Kwadwo Asamoah, có giá chỉ 13,5 triệu bảng. Alex Matri, Mirko Vucinic, Arturo Vidal, Seba Giovinco hay Angelo Obonna… cũng khá rẻ, không phục vụ bất kì mục đích đánh bóng nào.


Kwadwo Asamoah (phải) là cầu thủ đắt giá nhất mà HLV Conte từng chiêu mộ

Conte đã mâu thuẫn với Ban giám đốc Juve vì vấn đề chuyển nhượng. Ông muốn có những cầu thủ đá cánh giỏi như Juan Cuadrado (đang đá cho Juve theo dạng cho mượn từ Chelsea). Nhưng đấy cũng là những yêu cầu để phục chiến thuật và không vô lối. Conte chấp nhận chờ đợi chiêu mộ Fernando Llorente miễn phí và bằng lòng với sự từ bỏ các thương vụ Robin van Persie, Sergio Aguero, Diego Forlan… Max Allegri có một Paulo Dybala 30 triệu bảng, nhưng Conte thì chỉ có Nicolas Anelka hoặc Nicklas Bendtner…

Roman Abramovich không cần một HLV phải xây dựng nên một triều đại vững bền. Conte là HLV thứ 12 trong 13 năm của ông tại Chelsea. “Nghề” của Abra là sa thải HLV, vì thành tích tức thì. Nhưng cho dù như vậy, nếu muốn tái thiết Chelsea với chi phí thấp, thì Conte sẽ là giải pháp tốt không kém Jose Mourinho năm 2004?

Ông kí hợp đồng 3 năm với Chelsea, bằng thời gian gắn bó lâu nhất của một HLV với Chelsea thời Abra (Jose Mourinho nhiệm kì 1, từ năm 2004 đến 2007).

Juventus đã vươn tới chung kết Champions League mùa trước với Allegri, từ di sản của Conte. Đây là một đảm bảo rằng Chelsea sẽ được xây dựng tử tế, dù những viên gạch của họ có là loại 2. Họ có cơ may trở thành đội bóng bền vững hơn, với những cầu thủ “hiếu chiến”, không phải ngôi sao, nhưng cả đội bóng thì rất khó bị đánh bại.

Conte mang theo em trai tới Chelsea


Gianluca Conte (sau)

Antonio Conte đã đàm phán với Chelsea nhiều tuần nay và gần đây, ông đã gặp Chủ tịch LĐBĐ Italy, Carlo Tavecchio để thông báo việc rời đội tuyển sau EURO 2016. Hết EURO cũng là hết hợp đồng thời hạn 2 năm của Conte với đội tuyển. Ông sẽ chính thức công bố điểm đến tương lai trong thời gian tới.
Dự kiến, những trợ lý thân thuộc với Conte như Angelo Alessio, Massimo Carrera, Paolo Bertelli, Mauro Sandreani, em trai Gianluca, một chuyên gia thể lực, sẽ cùng Conte tới Chelsea. Conte sẽ giữ lại trợ lý của bộ sậu cũ là Steve Holland.


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm