Thành phố Hồ Chí Minh: Cần đổi mới cách thức tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu

02/07/2021 19:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm qua, các sân khấu vẫn đang “đỏ mắt” tìm kịch bản hay để dàn dựng, các tác phẩm từ trại sáng tác dù được đánh giá tốt nhưng để dựng thành vở diễn cũng là điều không dễ. Vì thực trạng đó, hầu hết các nghệ sỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh đều mong muốn thay đổi cách thức tổ chức, hoạt động các trại sáng tác nhằm tìm ra nguồn kịch bản chất lượng, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Hơn 200 kịch bản gửi Cục Điện ảnh dự thi, trao 8 giải, không có giải Nhất

Hơn 200 kịch bản gửi Cục Điện ảnh dự thi, trao 8 giải, không có giải Nhất

Sáng 31/12 tại Hà Nội, Cục Điện ảnh đã trao giải cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện Điện ảnh năm 2020. Cuộc thi trao 8 giải thưởng bao gồm 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyến khích, không tìm được giải Nhất.

* Thiếu yếu tố thẩm mỹ và giải trí

Hằng năm, tại trại sáng tác, Hội Sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh thường đặt ra các tiêu chí, chủ đề bám sát tình hình và sự kiện của từng thời điểm nhằm phục vụ yêu cầu tuyên truyền, giáo dục mang tính định hướng. Bên cạnh đó, các trại sáng tác cũng dành một tỷ lệ nhất định cho các kịch bản có đề tài xã hội đương đại, phản ánh những vấn đề nóng, thời sự nổi cộm trong cuộc sống. Hầu hết các kịch bản được chọn là của các tác giả có nghề và kinh nghiệm sáng tác.

Tuy nhiên, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, hiện hàng trăm kịch bản ra đời theo từng năm tháng của các trại sáng tác cứ thế nằm im trong ngăn kéo hoặc đôi khi chỉ dàn dựng để tham gia hội diễn, liên hoan, sau đó về cất kho lưu trữ.

Nghệ sỹ Ưu tú Phạm Ngọc Dương, một trong những tác giả đã tạo được nhiều dấu ấn đậm nét trong hoạt động nghệ thuật sân khấu tại Thủ đô, cho rằng hạn chế lớn nhất của trại sáng tác chính là các tác giả không thể cùng lúc đáp ứng được cả 2 yêu cầu, đó là định hướng thẩm mỹ và giải trí. Chưa kể đến những mâu thuẫn về tiêu chí, bởi vào trại dễ sáng tác theo chủ quan và cảm hứng của tác giả, nên tác phẩm được viết không đặt mục tiêu cụ thể là sáng tác cho ai và nhắm đến đối tượng nào.

“Hiện các địa phương đa phần đều nhận kịch bản về danh nhân địa phương mình, nhưng những danh nhân đó hầu hết các bậc lão thành đã viết. Vì vậy, một đơn vị nghệ thuật không thể có 2 kịch bản về một danh nhân. Kế đến, các tác giả chưa hiểu sâu về nhu cầu của từng địa phương dẫn đến tình trạng kịch bản miền Nam thì miền Bắc khó dựng và ngược lại”, Nghệ sỹ Ưu tú Phạm Ngọc Dương nói.

Tương tự, tác giả Ngọc Trúc, người từng có tác phẩm đoạt giải A trại sáng tác năm 2020 cho biết, khi tham gia trại, từng kịch bản đã được đọc để có những góp ý chân thành của cả hội đồng tư vấn. Do vậy, sau khi tác giả chỉnh sửa, chất lượng kịch bản thường được nâng cao so với bản thảo ban đầu.

Theo tác giả Ngọc Trúc, hầu như sau mỗi kỳ kết thúc, các trại đều có tác phẩm được chọn dàn dựng, công diễn và tham gia các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp. Điều này khẳng định các trại đều đã hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, các kịch bản mang tính định hướng lại ít yếu tố giải trí, khó chạm vào chiều sâu tình cảm cá nhân, gia đình, cùng những bức xúc nội tâm trong cuộc sống vốn nhiều biến động.

Tác giả Vương Huyền Cơ, người có kinh nghiệm dàn dựng thành công nhiều vở diễn “ăn khách” nhận định, trại sáng tác mở ra chưa thực hiện đúng trách nhiệm, dẫn tới kịch bản kém chất lượng, hoạt động không hiệu quả. Trong khi trại sáng tác đưa ra những đề tài cũ, thì nhiều tác giả mang đến kịch bản an toàn để dễ tiếp cận tiêu chí của ban tổ chức. Điều này ngược với nhu cầu thực tế từ khán giả, họ muốn xem những tác phẩm gần gũi, nói về cuộc sống hôm nay, không phải những nội dung quá cũ kỹ.

* Nỗ lực liên kết, tiếp cận với công chúng

Để tránh tình trạng trại sáng tác hoạt động thiếu hiệu quả, trong khi sân khấu vẫn triền miên “khát” kịch bản hay, ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện sân khấu Kịch Idecaf cho rằng, trong khi khán giả cần những kịch bản thời sự, mang hơi thở cuộc sống, thì kịch bản ở các trại vẫn mải miết phục vụ cho nhóm đối tượng mơ hồ với đề tài cũ kỹ. Vì vậy, các sân khấu cần tiếp cận trực tiếp với công chúng, để biết đề tài nào sẽ thu hút khán giả tới rạp. Về phía tác giả, họ cũng nên bày tỏ khó khăn trong quá trình sáng tác và “tiếp thị” tác phẩm của mình với sân khấu.

Chú thích ảnh
Cảnh trong vở “Công lý như hề” (tác giả Vương Huyền Cơ) - Giải A của trại sáng tác kịch bản Hội Sân khấu TP HCM năm 2016

Đề xuất phương án cải tiến, tác giả Ngọc Trúc cho biết, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang nỗ lực liên kết với các đạo diễn, đơn vị nghệ thuật mời đến giao lưu cùng chi hội tác giả để tìm hướng ra cho kịch bản từ lúc ý tưởng còn sơ khai. Bởi đây là lực lượng tiếp cận sát sao cùng khán giả, sẽ có sự cảm nhận chính xác nhu cầu và thị hiếu của khán giả hơn so với tác giả, nhưng vì lý do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên các hoạt động này còn đang bị chững lại.

Nghệ sỹ Ưu tú Hạnh Thúy cho rằng, tác giả cần đặt mình vào vị trí của đạo diễn, nhà sản xuất để hiểu tác phẩm mình viết. Bên cạnh đó, cần đặt mình vào thời cuộc để cân nhắc phản ánh đời sống không khiên cưỡng; đặt mình vào nhân vật để sống với câu chuyện mình đã xây dựng, để nhân vật hành động trên tâm lý của nhân vật một cách chắt lọc, tinh tế, chứ không dựa trên áp đặt của bản thân, luận điểm chủ quan dẫn đến sự gượng gạo.

Đồng quan điểm, theo tác giả Trần Kim Khôi, người từng tạo dấu ấn với sân khấu Việt Nam và các nhà biên kịch có tên tuổi, với vở diễn “Cây bàng vuông”, đề tài chủ quyền biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa, để trại sáng tác phát triển, cần có nhiều buổi đối thoại giữa tác giả, người dựng và sân khấu để biết rõ những điều sân khấu đang cần. Sự tương tác giữa người sáng tác và người thực hiện sản xuất sẽ cho ra được tác phẩm hay, đặc sắc và chất lượng, vì họ hiểu khán giả cần gì ở sân khấu.

Ở góc độ cố vấn chuyên môn, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một thực trạng buồn, đó là hiếm có tác giả nào chịu đi xem kịch để đúc kết, mà chỉ nói một cách chủ quan, chưa đặt mình vào vị trí khán giả để hiểu và viết sao cho tinh tế.

Vì vậy, cần tổ chức xem những vở diễn từ các trại trước và vở diễn thị trường đang ăn khách để có sự so sánh, phân tích. Theo đó, khi tham gia trại sáng tác, không nhất thiết phải viết về địa phương, ca ngợi danh nhân, công chúng, mà cần phản ánh tinh thần, con người và đời sống văn hóa ngay tại địa phương đó. Việc chấn chỉnh những điều này sẽ góp phần đưa trại sáng tác kịch bản sân khấu sau đợt giãn cách xã hội đi vào trọng tâm, phản ánh tích cực đời sống hôm nay.

Thu Hương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm