Nguyên nhân tổn thương dây thần kinh ở những người bị hội chứng Covid kéo dài

02/03/2022 20:55 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Một nghiên cứu nhỏ ở những bệnh nhân gặp hội chứng COVID kéo dài (long COVID) cho thấy nguyên nhân gần 60 % số bệnh nhân này bị tổn thương dây thần kinh là do khiếm khuyết trong phản ứng miễn dịch.

Giới chuyên gia cảnh báo mối đe dọa của 'Long Covid' kể cả mắc bệnh nhẹ

Giới chuyên gia cảnh báo mối đe dọa của 'Long Covid' kể cả mắc bệnh nhẹ

Các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm y tế Cedars-Sinai ở Mỹ cho biết ngay cả việc mắc bệnh nhẹ cũng có thể để lại những di chứng kéo dài, còn được biết đến là "Long COVID".

Phát hiện này có thể mở ra triển vọng về một phương pháp điều trị mới cho các bệnh nhân bị tổn thương thần kinh ngoại biên.   

Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thần kinh học của Mỹ, nhóm các nhà khoa học do Tiến sĩ Anne Louise Oaklander tại bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) dẫn đầu đã tiến hành các cuộc kiểm tra chuyên sâu đối với 17 trường hợp gặp hội chứng COVID kéo dài - một tình trạng xuất hiện trong vòng 3 tháng sau khi mắc COVID-19 và kéo dài ít nhất 2 tháng, với các triệu chứng mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, giảm nhận thức, đau mãn tính, những bất thường về giác quan và yếu cơ. Hiện có khoảng 30 % người mắc COVID-19 gặp phải hội chứng này.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Worcester, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tập trung xem xét các trường hợp có triệu chứng giống như một loại tổn thương thần kinh, hay còn gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên. Trong số này, hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 nhẹ và không trường hợp nào bị tổn thương thần kinh trước khi mắc bệnh. Sau khi loại bỏ những nguyên nhân khác, các nhà nghiên cứu đã thực hiện hàng loạt các thử nghiệm để xác định xem liệu hệ thống thần kinh ở những bệnh nhân này có bị ảnh hưởng hay không.   

Tiến sĩ Oaklander cho biết sau khi xem xét kết quả chẩn đoán đối với từng trường hợp, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng đa số các trường hợp bị bệnh lý thần kinh ngoại biên liên quan đến các sợi thần kinh nhỏ. Đây là các sợi thần kinh dẫn truyền cảm giác và điều phối các chức năng của cơ thể không tự chủ như hệ tim mạch và hô hấp.   

Phát hiện trên phù hợp với kết quả nghiên cứu hồi tháng 7/2021 của Tiến sĩ Rayaz Malik thuộc trung tâm y khoa Weill Cornell ở Qatar, trong đó cũng chỉ ra mối liên hệ giữa tổn thương thần kinh giác mạc và hội chứng COVID-19 kéo dài.       

Trong nghiên cứu hiện tại của các nhà khoa học Mỹ, 11 trong số 17 bệnh nhân đã được điều trị bằng steroid hoặc globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG), một phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho những bệnh nhân bị tổn thương sợi thần kinh nhỏ do phản ứng miễn dịch gây ra. Một số bệnh nhân đã cải thiện, mặc dù không thể hồi phục hoàn toàn.   

Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Avindra Nath – chuyên gia thần kinh và miễn dịch học tại Viện nghiên cứu quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ (Mỹ) – nhận định điều trị các tổn thương thần kinh bằng liệu pháp miễn dịch có thể sẽ mang lại hiệu quả, mặc dù nghiên cứu chỉ áp dụng riêng đối với các bệnh nhân bị hội chứng COVID kéo dài với các triệu chứng tổn thương thần kinh thuộc loại trên.

Chuyên gia này cho rằng điều này gợi ý cho các nhà khoa học rằng cần tiến hành một cuộc nghiên cứu có định hướng đối với nhóm bệnh nhân này.

Lê Đạt/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm