09/01/2024 15:27 GMT+7 | Văn hoá
Năm 2017, trong những chuyến đi giới thiệu tác phẩm tại Hà Nội, Huế và TP.HCM, nhà thơ đương đại Jan Wagner đã "gom nhặt", chắt chiu mọi câu chuyện trong cuộc sống thường ngày, cũng như từ những con người mà anh tiếp xúc, để viết nên Những tấm bưu thiếp Việt Nam - cuốn sách vừa có buổi ra mắt ngày 6/1 tại Hà Nội.
Được NXB Thông tấn,Công ty Nhã Nam và Viện Goethe Hà Nội phối hợp thực hiện, sách gồm 9 chương, mỗi chương dài không quá 10 trang giấy. Trước mỗi chương là tranh vẽ minh họa của Robert Deutsch - một họa sĩ người Đức cũng đã gắn bó với Việt Nam trong nhiều năm qua. Anh và Jan Wagner đều xuất hiện trực tuyến trong buổi ra mắt sách.
Những trang văn đậm chất thơ
Với tên gọi Những tấm bưu thiếp Việt Nam, cuốn sách có thể khiến nhiều người hiểu nhầm đây là tuyển tập bưu thiếp Việt Nam. Nhưng khi tiếp cận, độc giả đã có thể hiểu vì sao tác giả lại lựa chọn cách đặt tên này. Bởi những cảm nhận của Jan Wagner về đất nước con người Việt Nam trong tác phẩm cũng y hệt như khi người ta dùng những tấm bưu thiếp để gửi cho ai đó, kể về hành trình của mình.
Như chia sẻ của Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, ông Oliver Brandt, du lịch nước ngoài luôn là một trải nghiệm đầy thú vị và bất ngờ, khi người trong cuộc bị mê hoặc bởi văn hóa, con người và ẩm thực nơi vùng đất mới. Những trải nghiệm và khám phá ấy sẽ là nguồn cảm hứng cho những người làm công việc sáng tạo.
Jan Wagner cũng không phải là ngoại lệ khi đến Việt Nam. Và trong Những tấm bưu thiếp Việt Nam, Jan Wagner đã cho thấy một sự mới lạ thú vị: Anh là một nhà thơ, và cho ra đời một tác phẩm văn xuôi đầy chất thơ.
Thêm nữa, dịch giả Thái Kim Lan cho biết, cách hành văn của Jan Wagner có sự kết nối rất đặc biệt. Sự quan sát tinh nhạy của anh đưa đến những cảm nhận đầy thú vị, khi luôn chú ý đến sự hiện diện của những thứ mà có lẽ những người đang sống xung quanh lại không để ý như muỗi, xà phòng, thùng nước...
"Đơn giản, hãy xem cách Jan Wagner miêu tả chiếc ghế đẩu mà người Việt Nam sử dụng. Chúng ta không dễ để nảy ra những suy nghĩ về sự tạm bợ hay tính vội vàng từ chiếc ghế này như tác giả?" - dịch giả Thái Kim Lan nói - "Sự nhạy cảm, tinh nhạy và dễ rung động của Jan Wagner được diễn tả rất đặc thù với văn phong văn hóa Đức của mình".
Nói thêm về Jan Wagner, nhà văn Thái Kim Lan còn cho hay: Ngoài góc nhìn với sự mô tả chi tiết, tác giả cuốn Những tấm bưu thiếp Việt Nam còn cho thấy sự truyền cảm, hóm hỉnh, sống động đầy cảm xúc. Dù là một dịch giả thường xuyên tiếp xúc với tác phẩm ngước ngoài, bà vẫn đặc biệt ấn tượng trước sự "quan sát hơn cả quan sát" của Jan Wagner về cuộc sống thường ngày của người Việt Nam, từ những câu chuyện về cách ăn, cách ngồi.
"Để so sánh với những tác giả Việt Nam trước đây, với lối viết vừa mô tả địa danh vừa đậm sắc văn hóa, lại tinh tế, nhạy cảm… tôi thấy Jan Wagner có sự gần gũi với Thạch Lam của Việt Nam" - bà Thái Kim Lan nhận định.
Ký ức nguyên vẹn
Jan Wagner là một nhà thơ nhưng lại chọn cách viết theo hình thức du ký - hoặc tản mạn kiểu viết blog hàng ngày - trong Những tấm bưu thiếp Việt Nam. Như chia sẻ, cách tiếp cận này khiến anh thấy mới mẻ hơn trong tư duy sáng tạo.
"Đó là một sự khác biệt so với những gì tôi đã từng làm. Tất nhiên, viết văn cũng là một sự mạo hiểm với một nhà thơ. Vì ngay đến thơ, tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian để chờ đợi ý tưởng đến" - tác giả chia sẻ - "Việc quan sát và cảm nhận về cuộc sống qua những trang viết này bắt buộc chúng ta luôn luôn nghĩ và nhìn nhận về mọi sự vật hiện diện trong đời thường, hoàn toàn khác với kiểu "ý tại ngôn ngoại" của thơ".
Jan Wagner đến từ Đức - một quốc gia có vô vàn điều khác biệt so với Việt Nam, từ khí hậu, thời tiết đến văn hóa. Điều đó đã khiến anh nhớ nhất về buổi sáng đầu tiên, khi tỉnh dậy tại một khách sạn ở Hà Nội, sau một chuyến bay dài.
"Với tôi, đó là khoảnh khắc cảm nhận được sự khác biệt đầu tiên khi đặt chân tới Hà Nội. Tôi thấy vẻ đẹp từ không gian xung quanh, từ tiếng chim, tiếng nói chuyện của mọi người vọng lên từ đường phố. Chúng vừa khác lạ, vừa đáng yêu vô cùng. Cảm giác đó vẫn còn rõ ràng đến bây giờ" - tác giả nhớ lại.
Anh nói thêm: "Cũng phải kể tới nhiều ấn tượng nữa: Phố xá nào nơi đây cũng đông vui, chợ nào cũng nhiều thức ăn quanh những người dân địa phương vội vã khi đứng lên, lúc ngồi xuống liên tục. Nhìn chung, khoảng thời gian ở Việt Nam rất sống động và để lại những ký ức sâu đậm trong tâm trí tôi. Tôi hy vọng sẽ sớm có dịp quay lại nơi này, để có thêm những cách tiếp cận và góc nhìn mới".
Có lẽ, để tổng kết về tác giả của Những tấm bưu thiếp Việt Nam, nhận xét của dịch giả Thái Kim Lan là cô đọng nhất: "Jan Wagner là một nhà thơ mới của nước Đức. Trong khi nhiều tác giả muốn mình trở nên vĩ đại, to lớn thì Jan Wagner lại muốn mình là người bình thường để ca hát và tìm niềm vui từ những điều nhỏ bé nhất. Ở anh có sự kết nối của 2 đặc tính: Nét tinh tế nhạy cảm và văn phong giản dị của một con người rất từ bi, rất Á Đông".
Vài nét về tác giả Jan Wagner
Nhà thơ Jan Wagner sinh năm 1971, hiện sống ở Berlin (Đức). Ông học nghiên cứu văn học Anh-Mỹ tại Đại học Hamburg và từng giữ vai trò biên tập tại một tạp chí văn học quốc tế. Trong sự nghiệp của mình, Jan Wagner đã nhận được Giải thưởng Hội chợ Sách Leipzig (2015), Giải thưởng Georg Buchner (2017) và Giải thưởng Prix Max Jacob (2020).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất