17/10/2018 07:28 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu được chăm sóc đúng cách, các tác phẩm nghệ thuật có thể tồn tại qua hàng thiên niên kỷ, giúp hậu nhân hiểu được những câu chuyện về thời đại trước. Đáng tiếc, rất nhiều trong số chúng vô tình bị hủy hoại bởi bàn tay con người.
Để bảo tồn các di sản văn hóa khỏi kẻ trộm, kẻ phá hoại và sự cố ngoài ý muốn, nhiều phòng trưng bày nghệ thuật và bảo tàng bảo vệ các tác phẩm bằng dây ngăn cách để khách tham quan ngắm nhìn từ khoảng cách hợp lý. Một số vật giá trị còn được đặt bên trong hộp kính chống đạn.
Tuy nhiên, vì các điểm trưng bày thường muốn giữ cảm giác gần gũi với các hiện vật, nhiều tác phẩm được trưng bày mà không có các vật dụng bảo vệ kể trên. Thay vào đó, khách tham quan cần tuân thủ một loạt hướng dẫn cần thiết, như để lại đồ đạc (như cặp và ô) tại quầy lễ tân, trẻ em phải có người lớn đi cùng, không mang thực phẩm và đồ uống vào nơi trưng bày… Đặc biệt, việc chạm vào hiện vật là hành vi bị nghiêm cấm do trên da người có chứa các loại dầu tự nhiên và axit có hại cho tác phẩm nghệ thuật, có thể dẫn tới sự thay đổi vĩnh viễn, như làm tối nước sơn hoặc ăn mòn kim loại.
Dù có quy tắc, tai nạn vẫn nhiều lần xảy ra, khiến các tác phẩm nghệ thuật bị hủy hoại một phần hoặc hoàn toàn, như một số ít trường hợp dưới đây.
Khách “nghịch” hiện vật và cách đáp trả của bảo tàng
Không phải chỉ trẻ nhỏ mới hay nghịch ngợm các tác phẩm khi ghé thăm bảo tàng. Một vị khách trưởng thành đã tới Bảo tàng Đồng hồ Quốc gia ở Columbia, Pennsylvania. Sau khi chụp ảnh với chiếc đồng hồ gỗ do James Borden chế tác, anh này còn hứng chí đung đưa quả lắc và khám phá cơ chế hoạt động của cỗ máy, rồi vô tình khiến nó rơi khỏi tường. Đoạn video ghi lại rủi ro đã lan truyền sau khi bảo tàng quyết định đưa nó lên Instagram và YouTube của họ như một lời nhắc nhở về chính sách không chạm vào hiện vật.
"Đây là lý do tại sao chúng tôi cầu xin và cũng yêu cầu khách tham quan vui lòng không chạm vào hiện vật trong bảo tàng" - mô tả video này có nêu.
Video người đàn ông nghịch đồng hồ:
Dây giày chưa buộc chặt-nguyên nhân cho một thảm họa
Ba bình hoa từ triều nhà Thanh, Trung Quốc, đã tồn tại suốt 300 năm, bất chấp thiên tai, chiến tranh và nhiều nguy cơ hủy diệt khác, nhưng lại tan tành chỉ vì những dây giày chưa buộc cẩn thận.
Trong nhiều thập kỷ, các bình hoa có giá trị này được trưng bày an toàn tại bảo tàng Fitzwilliam ở Cambridge, nhưng đó là trước khi một người đàn ông 42 tuổi vấp phải dây giày của chính mình, ngã nhào xuống cầu thang rồi lao vào chúng.
Anh này kể lại rằng mình đã cố gắng bám vào thứ gì đó, nhưng vì cầu thang được làm từ đá cẩm thạch nguyên chất, mọi nỗ lực đều không đem lại kết quả.
May mắn là nhóm bảo quản đã khéo léo khôi phục lại những bình hoa và hiện chúng lại tiếp tục được trưng bày tại bảo tàng Fitzwilliam, nhưng lần nàylà trong một lớp kính chống đạn.
Hai lần hủy hoại tác phẩm của Picasso
Năm 2006, nhà sưu tầm nghệ thuật kiêm chủ sòng bạc Steve Wynn đã sắp xếp thương vụ bán bức chân dung nổi tiếng The Dream trị giá 139 triệu USD. Nhưng chỉ vài ngày trước khi tiền và tác phẩm được trao đổi, thỏa thuận đột ngột dừng lại, vì một vết rách dài 5 cm xuất hiện trên bức tranh. Trong buổi tiệc chiêu đãi tại gia, Steve Wynn, do mắc bệnh hạn chế tầm nhìn, đã vô tình đẩy khuỷu tay của mình qua bức tranh và khiến nó bị rách.
The Dream cuối cùng đã được sửa chữa và bán với giá 155 triệu USD tại cuộc đấu giá vào năm 2013.
Tháng 5/2018, Steve Wynn mang rủi ro tới với một tác phẩm khác của Picasso khi “vô tình hủy hoại” bức chân dung tự họa năm 1943 Le Marin (The Sailor), theo miêu tả của nhà đấu giá Christie. Hiện bức tranh vẫn đang trong quá trình phục hồi. Khi đó, họ đã phải “chữa cháy” bằng cách rao bán bức họa khác của Picasso (cũng thuộc sở hữu của Wynn), mang tên A Woman With A Cat Sitting In A Chair. Bức này sau đó đạt giá khoảng 25-35 triệu USD.
Tác phẩm nghệ thuật trông quá giống… rác
Lao công ở các bảo tàng và phòng trưng bày làm công việc của họ, và nếu một tác phẩm nghệ thuật trông giống… rác, thì việc dọn dẹp chúng có lẽ không phải là lỗi của họ.
Sự việc bắt đầu vào năm 1986, khi một tác phẩm giống vết bẩn “dầu mỡ” của Joseph Beuys, trị giá 400.000 bảng Anh (khoảng 12 tỷ VND), đã được dọn dẹp tại Học viện Mỹ thuật ở Düsseldorf.
Ví dụ tiếp theo là trường hợp xảy ra tại Phòng triển lãm Eyestorm, London năm 2001, khi “đống đổ nát”do Damien Hirst sáng tạo, gồm những ly cà phê được rót một nửa, những tờ báo và chai bia rỗng, đã bị vứt đi. Được biết chúngdo Hirst thực hiện ngẫu hứng nhân triển lãm của anh tại phòng trưng bày.
Cùng năm đó, một tác phẩm nghệ thuật hiện đại trị giá khoảng 935.000 USD do Martin Kippenberger tạo ra đã bị hủy hoại tại Bảo tàng Ostwall ở Dortmund. Tác phẩm có tên Wenn's Anfängt Durch Die Decke Zu Tropfen có một cái xô cao su, bên dưới được phủ sơn. Người dọn dẹp đã làm sạch chiếc xô và làm cho nó trông… đẹp như mới.
Tại Italyvào năm 2011, một tác phẩm gồm điếu thuốc lá, chai rỗng, hoa giấy, giày và quần áo cũng có số phận tương tự. Sự cố xảy ra sau một sự kiện tại địa điểm này, vì vậy tự nhiên, tổ dọn dẹp nghĩ đây là một phần của mớ hỗn độn mà các du khách đã để lại.
Duy An (Theo Wide Walls)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất