Trang phục dân tộc lố bịch xâm chiếm Hoa hậu Hoàn vũ 2015

19/12/2015 06:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi Phạm Hương công bố áo dài mạ vàng mặc đi thi Trang phục dân tộc tại Hoa hậu Hoàn vũ, đã có người bình phẩm rằng vì sao phải cầu kỳ phô trương tới vậy. Nhưng rốt cục, giữa một rừng trang phục của các thí sinh trong cuộc thi, hóa ra bộ áo dài Việt Nam lại giản dị và hiền lành nhất.

Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế luôn trung thành với một mẫu trang phục dân tộc truyền thống, là áo dài. Dù có nhiều cách tân để làm cho bộ áo dài trở nên hiện đại và cầu kỳ hơn, áo dài vẫn giản dị gấp nhiều lần trang phục dân tộc mà thí sinh hoa hậu các nước khoác lên mình.

Trên thực tế, phần thi Trang phục dân tộc tại luôn... vui mắt nhất, như một buổi dạ hội hóa trang theo chủ đề tự chọn. Nhất là tại Hoa hậu Hoàn vũ, cuộc thi vốn đề cao tính năng động, cá tính, khỏe khoắn.

Váy xe tuktuk, váy “Transformers”...

Năm nay, phần thi trang phục dân tộc của Hoa hậu Hoàn vũ  nằm trong vòng thi bán kết diễn ra tại Mỹ sáng 17/12. Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan Aniporn Chalermburanawong mặc chiếc váy lấy cảm hứng từ xe tuktuk – phương tiện phổ biến ở đất nước cô - để trình diễn.

Chiếc váy được chọn từ 365 mẫu thiết kế qua một cuộc thi ở Thái Lan và được giới thiệu ở Bangkok vào tháng trước. Chiếc váy có đèn pha và tay lái cùng khung xe y như xe tuktuk ngoài đời. “Chiếc xe” được gắn 6 lá cờ Thái Lan và mang những màu sắc đặc trưng của đất nước này, gồm đỏ, trắng và xanh da trời. Ở chính giữa là nụ cười tươi rói của nữ thí sinh xinh đẹp.


Áo dài của Phạm Hương “hiền lành” hơn nhiều so với các mẫu trang phục dân tộc của các nước

Nhưng Chalermburanawong không phải là người đẹp duy nhất phải khoác lên mình những bộ trang phục như vậy vào mỗi mùa thi sắc đẹp. Hồi tháng 9, tờ Adelaide Now của Australia phải thốt lên: “Mỗi khi đến dịp thiết kế trang phục dân tộc để thi sắc đẹp quốc tế, Australia như mắc phải một cuộc khủng hoảng bản sắc vậy".

Tờ báo so sánh những bộ trang phục được coi là “dân tộc” của quốc gia này nhiều năm qua giống như được lấy ra từ vở nhạc kịch sặc sỡ Priscilla Queen Of The Desert và mang đủ các màu sắc để thể hiện “phong cảnh thiên nhiên đẹp thót tim” của xứ sở chuột túi. Các bộ trang phục này đại diện cho Australia theo một cách hài hước hơn là thể hiện bản sắc.

Nhà thiết kế Jaimie Sortino của Australia nói với Adelaide Now: “Tôi xấu hổ thay cho các cô gái phải mặc trang phục kiểu đó, và trước thực tế rằng những bộ đồ đó đại diện cho đất nước chúng ta”.

Hoa hậu Hoàn vũ 2015: 'Đặt cược' những ứng viên hàng đầu

Hoa hậu Hoàn vũ 2015: 'Đặt cược' những ứng viên hàng đầu

Ngay từ lúc này, danh sách những người được xem là có cơ hội giành vương miện lớn nhất cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) 2015 đã xuất hiện.


Mặc dù vậy, những ý kiến phản đối từ Australia trước cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cũng chẳng làm tình hình khá lên. Cuối cùng, Hoa hậu Hoàn vũ của nước này là Monika Radulovic đã được chọn cho một bộ trang phục lấy cảm hứng từ nhân vật hài Dame Edna danh tiếng, với một chiếc mặt nạ màu xanh khổng lồ trên đầu.

Ở Mỹ, tình hình không khá hơn khi vào năm 2013, Hoa hậu Hoàn vũ Mỹ Erin Brady đã hứng chịu nhiều chế giễu khi chọn bộ đồ mô phỏng người máy Optimus Prime trong bộ phim bom tấn Transformers. Bộ đồ này là tác phẩm của nhà thiết kế Martin Izquierdo, trông như trang phục cosplay pha trộn giữa Transformers và show thời trang Victoria’s Secret.

Lý do bộ đồ bị phản đối là nó trông quá kỳ cục và không hiểu là “đại diện cho bản sắc Mỹ” ở đâu. Còn cá nhân Brady giải thích: “Bộ trang phục này làm toát lên các giá trị truyền thống Mỹ. Nó tôn vinh những phụ nữ quyền lực, trong một đất nước đang biến chuyển”. Nhưng phần đông dư luận Mỹ phản đối lý lẽ này, cho rằng “Transformers sao có thể coi là biểu tượng của văn hóa Mỹ”.

Tóm lại, rất nhiều tranh cãi nghiêm túc xung quanh phần thi được cho là có tính giải trí cao nhất ở Hoa hậu Hoàn vũ.

“Thiên thần Victoria’s Secret” đối đầu vẻ thanh lịch

Năm nay, các thí sinh mang tới cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đủ loại trang phục truyền thống "có một không hai". Thí sinh Ấn Độ mặc váy có nguyên một con rồng vàng khổng lồ uốn lượn dọc theo thân hình của cô. Thí sinh Angola đeo trên 2 cánh tay 2 bức tranh hình các phụ nữ đồng hương để ngực trần. Thí sinh Nigeria mặc bộ váy trông như những... chùm bông kỳ cọ khi tắm. Thí sinh Mỹ hóa thân thành Nữ thần Tự do...

Bộ trang phục lấy cảm hứng từ đại dương này là của đại diện quần đảo Bahamas

Có thể thấy, Trang phục dân tộc, như một lễ hội carnaval rực rỡ sắc màu, luôn là phần thi nổi bật tại mỗi mùa Hoa hậu Hoàn vũ. Nhìn vào các bộ trang phục từng năm, xu hướng “thiên thần Victoria’s Secret” tỏ ra khá nổi trội. Đó là một bộ đồ bó sát hoặc gần như đồ lót thật gợi cảm, trang hoàng bên ngoài là đôi cánh hoặc một phụ kiện khổng lồ, rườm rà nào đó.

Phần thi này được khán giả đón đợi không phải vì các thí sinh sẽ rất quyến rũ trong các bộ trang phục phô trương như “rồng bay phượng múa” (điều này dễ tìm hơn ở phần thi áo tắm và váy dạ hội), mà vì khán giả thích chơi trò đoán xem “bộ đồ này dựa trên đặc điểm văn hóa nào mà chúng ta chưa biết về quốc gia đó”.

Xét theo tiêu chí này thì áo dài Việt Nam chẳng có gì nhiều để đoán, ngoài các hoa văn, chất liệu, một số phụ kiện đi kèm (ít ỏi so với độ rườm rà ở trang phục các quốc gia khác). Nhưng tất nhiên, đó là trong mắt các khán giả quốc tế theo dõi Hoa hậu Hoàn vũ như một chương trình giải trí. Điều quan trọng vẫn là ấn tượng của các giám khảo.

Và các bộ trang phục kỳ quái cũng không khiến các quốc gia khác tự hào. “Họ là các cô gái xinh đẹp nhưng khi họ phải mặc những bộ đồ kinh khủng đó thì trông chẳng đáng yêu chút nào. Nó buồn cười, lố bịch và khiến danh tiếng của đất nước trở nên tồi tệ” – nhà thiết kế Sortino nhận định.Ông ủng hộ trang phục dân tộc nên thanh lịch, sang trọng.

Xét theo tiêu chí đó thì bộ áo dài kín đáo của Phạm Hương rất đạt.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm