Sau đây là tóm tắt nội dung cuộc phỏng vấn:* FIFA có chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không thưa ông?Đó là chuyện đương nhiên, lần đầu là vào năm 2008. Nhưng chúng tôi vẫn tổ chức các sự kiện thể thao mang tầm cỡ thế giới bình thường. World Cup không thể so sánh với Olympic. Nhưng trong những bối cảnh như hiện tại, bóng đá đoàn kết tất cả mọi người. Bóng đá cũng như một đấu trưởng của Roma cổ đại vậy.
Ở Arghanistan có một giải đấu bóng đá cấp quốc gia, ở Palestine có một giải vô địch bóng đá nữ, Iraq từng vô địch châu Á cho dù quốc gia họ bị Mĩ chiếm đóng,... bóng đá giờ hiện diện mọi nơi, nó giúp con người quên đi những vấn nạn của toàn cầu. Ý tưởng về một ngôn ngữ phổ quát toàn cầu mang tên bóng đá do Joao Havelange khởi xướng, giờ đây tôi chỉ là một trong những công cụ hiện thực hóa ý tưởng đó.
* Chúng ta đang sống trong một ‘thị trường bóng đá’?Thông qua các đối tác kinh doanh, bản quyền truyền hình. FIFA cũng có những nhà tài trợ như Adidas hay Coca-Cola. Tháng 10 năm 1975 tôi đến Atlanta, quê hương của Coca-Cola để bàn về chuyện tài trợ. ‘Thế các ông sẽ bán cho chúng tôi bao nhiêu chai nước ngọt đây?’ Tôi hỏi họ. Nhưng tôi không phải là một con buôn. Coca-Cola giờ là đối tác của chúng tôi đến tận 2028.
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter bàn về nhiều vấn đề của bóng đá - Ảnh: MARCA
* Và thị trường bóng đá này không cần sự hiện diện của công nghệ?Hai năm trước hoàn toàn đối lập với hiện tại. Lúc đó tôi có mặt tại Nam Phi theo dõi kỳ World Cup, bàn thắng không được công nhận của Lampard vào lưới tuyển Đức khiến tôi tự nhủ rằng điều đó sẽ không được tái diễn một lần nữa. Công nghệ cần được hiện diện tại cầu gôn, tôi không thể để những điều đáng tiếc như trong quá khứ xuất hiện ở Brazil 2014.
* Tại sao lại chỉ ở cầu gôn mà không phải ngay cả với những tình huống trong vòng cấm?World Cup cần công nghệ tác động. Chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều sai lầm ở Euro, nhưng công nghệ không thể ảnh hưởng đến cả những khu vực ngoài cầu gôn, không đáng chút nào. Bạn không thể kiểm soát toàn mặt sân được. Bóng đá là một trò chơi gồm những khía cạnh ‘con người’. Sai lầm là một phần quan trọng của bóng đá.
* Nhưng những môn thể thao khác công nghệ được áp dụng ở mọi mặt?Vì đó không phải là bóng đá. Bóng đá là một trò chơi đơn giản phổ quát cho tất cả.
* Kẻ thù của bóng đá ngày nay là gì thưa ông?Đó là cá cược bất hợp pháp và sự sắp đặt trận đấu – mua bán tỷ số. Sự can thiệp của các tổ chức cá cược phi pháp ngày càng tác động nhiều đến bóng đá. Chúng tôi hiện đang làm việc với các chính quyền địa phương và cảnh sát chịu trách nhiệm về các vấn đề này. Chúng tôi có một văn phòng đặc biệt tại tổng hành dinh Interpol ở Singapore để kiểm soát về vấn nạn trên. Nhưng chúng tôi cần nhiều hơn thế. Chúng ta cần phải bảo vệ gia đình mình ngay từ bên trong.
* Ở TBN, thậm chí nhiều trường hợp cầu thủ không được trả lương và vì thế rất dễ bị cám dỗ?Điều tôi thích nhất ở TBN là mặc dù khủng hoảng, bóng đá vẫn rất phát triển, bóng đá sống tốt và hưng thịnh.
* Doping có tồn tại trong bóng đá?(Im lặng một hồi). Hãy để tôi giải thích. Luôn tồn tại những vận động viên nghĩ mình có thể cải thiện thành tích, phong độ thông qua sự trợ giúp từ một thứ gì đó. Có 4 trường hợp về doping trong thể thao: sức mạnh, tốc độ, sự bùng nổ và sự đồng hóa. Chúng giúp bạn mạnh mẽ hơn, tăng thêm cân nặng, sự hưng phấn, quyết liệt. Trong bóng đá, mỗi cầu thủ phải di chuyển liên tục 90 phút, luôn phải tỏ ra bùng nổ và quyết liệt. Ở Ý, chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp các cầu thủ có những dấu hiệu thuộc 4 trường hợp trên. Một dấu hiệu điển hình là sự hung hăng, nếu bạn quá hung hăng, trọng tài sẽ truất quyền thi đấu bạn.
* Vậy FIFA đã làm gì?Chúng tôi mỗi năm tiến hành khoảng 5.000 cuộc kiểm tra doping ở khắp 6 liên đoàn thuộc FIFA. Nếu tính tất cả 209 liên đoàn bóng đá trên thế giới thì mỗi năm có khoảng 30.000 cuộc kiểm tra được tiến hành. Mỗi cuộc kiểm tra tốn từ 500 đến 1.000 Đô la. Tỷ lệ dương tính vào khoảng 0,02% hay 0,03%. Với số tiền bỏ ra tổng cộng ấy, chúng tôi có thể dùng để phát triển bóng đá ở nhiều quốc gia, nhưng chúng tôi tin mình đã đầu tư đúng đắn khi giữ cho nền bóng đá trong sạch.
* Hình ảnh của Jose Mourinho tác động thế nào đến bóng đá thưa ông?Ông ấy là một HLV lớn của lịch sử bóng đá. Thật tốt khi bóng đá có những HLV tầm cỡ như ông ấy. Những Ferguson, Wenger hay Guardiola nữa. Mỗi người có cá tính và phong cách lãnh đạo của riêng mình.
* Thế còn Maradona?Maradona từng chỉ trích FIFA, nhưng rồi ngày kia chàng ta đến nhà chúng tôi, trao cho tôi một cái ôm đầm ấm và bảo
‘Ngài Chủ tịch đáng kính! Tôi muốn được làm việc cho FIFA.’ Maradona là một người đàn ông tốt!
* Với ngài Chủ tịch, ai là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại?Alfredo di Stefano.
* Giữa Messi và Cristiano?Tôi chọn cả hai! Họ khác biệt nhau, nhưng đều là những bậc vĩ nhân của bóng đá. Với Ronaldo, cậu ấy muốn trở thành một tướng lãnh trên sân cỏ, áp đặt luật lệ và muốn hét lên vị thế của chính mình. Với Messi, cậu ấy như một pháp sư, một thầy phù thủy. Cả hai đều là huyền thoại cả.
* Ông có lo lắng về tình hình mất cân bằng tài chính sẽ tác động đến những giải đấu như TBN chẳng hạn?Chúng tôi đã và đang bàn bạc về vấn đề này. Đây là chủ đề quan trọng của bóng đá châu Âu. Platini đang tích cực làm việc với các quy định của luật ‘Financial Fair Play’. Đây không phải là vấn đề đơn giản vì với kinh tế thì chẳng có gì là công bằng cả.
* Neil Amstrong đã qua đời. Ông có còn nhớ sự kiện vào ngày 21 tháng 7 năm 1969 khi ông ấy đặt chân lên mặt trăng?Dĩ nhiên! Hồi đó tôi còn làm việc cho công ty đồng hồ Longines, chúng tôi đã rất đố kỵ và ganh ghét khi hình ảnh Neil Amstrong được xuất hiện trên các mẫu đồng hồ của Omega. Giờ thì cả hai công ty đã thuộc về một nhà. Nhưng thực sự ngày đó chúng tôi ghét Omega lắm.
(Omega và Longines hiện là hai thương hiệu thuộc tập đoàn Swatch Group)