12/05/2024 09:00 GMT+7 | Văn hoá
Những ngày văn học châu Âu 2024 có chủ đề Xuyên (thế) giới được tổ chức từ ngày 4 - 19/5 tại Hà Nội và TP.HCM với chuỗi chương trình đa dạng các hoạt động tọa đàm, trò chuyện, thảo luận, workshop, triển lãm tập trung vào văn học giới. Đây là sự kiện do Hiệp hội các tổ chức về văn hóa châu Âu - EUNIC khởi xướng và tổ chức thường niên vào tháng 5 (tháng có Ngày châu Âu, 9/5).
1. Nhận thấy vai trò quan trọng của việc đặt ra những thảo luận về giới trong địa hạt văn chương, năm nay EUNIC chọn chủ đề văn học giới cho chuỗi chương trình Những ngày văn học châu Âu. Thông qua chuỗi những sự kiện và workshop, chương trình sẽ giới thiệu những tác phẩm nữ quyền và queer (đa dạng tính dục) của các nhà văn trẻ, cũng như gợi mở những hướng tiếp cận khác những tác phẩm kinh điển của văn chương châu Âu.
Chia sẻ tại họp báo ra mắt chương trình được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Oliver Brandt, Chủ tịch EUNIC Việt Nam, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, văn đàn châu Âu chứng kiến sự xuất hiện nhiều hơn của những cây viết nữ và queer.
"Các tác phẩm của họ đặt ra những thảo luận đa dạng về giới, đồng thời phản tư về những vấn đề của căn tính queer và người nữ, từ đó mở ra một hành trình nhiều chông gai nhưng cũng không ít vinh quang để đến với bình đẳng xã hội. Đặc biệt, trong văn chương của những cây viết trẻ, chúng ta tìm thấy những cách biểu đạt và cảm thức khác về sự đa dạng giới" - ông Oliver Brandt bày tỏ.
Đồng thời, Chủ tịch EUNIC Việt Nam Oliver Brandt cũng cho biết, chủ đề của Những ngày văn học châu Âu năm nay nhận được phản hồi ủng hộ tích cực từ phía các đơn vị đối tác tham gia chương trình.
"Chúng tôi tin rằng nói về văn học chắc chắn không có bất cứ ranh giới, rào cản nào. Chúng tôi vẫn có một niềm tin vững chắc vào văn học kinh điển nhưng chúng tôi lựa chọn chủ đề này để khuyến khích, thúc đẩy những cây viết trẻ - những người sẽ có những góc nhìn mới và phù hợp với sự thay đổi ngày càng hiện đại của xã hội. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn hướng tới khẳng định vai trò của văn học ngày càng phản ánh rõ nét hơn tính đa dạng của những chuyển biến xã hội ngày nay" - ông nói.
2. Xuyên suốt chương trình Những ngày châu Âu năm 2024, văn học queer là chủ đề được bàn luận chính. Một số sự kiện đáng chú ý như: Văn chương di dân từ góc nhìn queer và sự hóc búa của bản sắc kép; Tìm kiếm các cách kết truyện cho nhân vật queer; Sức mạnh của lời - Tiếng nói queer xuyên biên giới; Thảo luận về sinh thái queer, v.v… Đây đều là những sự kiện sẽ giới thiệu những tác phẩm quan trọng của dòng văn học giới được khởi xướng bởi một thế hệ các nhà văn trẻ ở châu Âu đang được quan tâm hiện nay.
Cụ thể, một số nhà văn Châu Âu sẽ được mời đến và tham gia vào những thảo luận về văn học giới với những cây viết Việt Nam. Đáng chú ý có thể kể tới sự tham gia của Nilufar Karkhiran Khozani và Jayrôme C. Robinet - hai nhà văn người Đức theo dòng văn học queer - sẽ thảo luận về những xuất bản gần đây của họ, cũng như đưa đến những góc nhìn về phong trào vận động về quyền LGBTQI+ (cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính…) tại Đức. Đặc biệt, Nilufar và Jayrôme sẽ dẫn dắt 3 workshop với các chủ đề khác nhau về văn chương queer và nữ quyền nhằm hướng đến các cây viết trẻ đang theo đuổi dòng văn chương phi chính thống.
Về phía ban tổ chức, ông Oliver Brandt cho rằng, những sự kiện liên quan đến văn học queer được tổ chức với mong muốn củng cố hơn nữa bối cảnh văn học trẻ đang phát triển ở Việt Nam, để thúc đẩy và khuyến khích những người viết trẻ tiếp tục kể những câu chuyện của mình.
Ở khía cạnh này, những người viết trẻ của Việt Nam có cơ hội được lắng nghe những câu chuyện, những chủ đề mà những người trẻ ở châu Âu đã và đang quan tâm. Họ sẽ được nghe, được thấy, được chia sẻ với những người trong cộng đồng của họ, giống họ về những mối quan tâm không chỉ của văn học mà còn có nhiều góc nhìn khác về những vấn đề của xã hội. Ở phía ngược lại, những cây viết queer của châu Âu cũng có cơ hội chiêm nghiệm lại góc nhìn của mình. Đây đúng nghĩa là hoạt động giao lưu văn hóa cần thiết để những người trẻ "xuyên thế giới" cùng trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong một cộng động văn chương chia sẻ để hướng tới một xã hội ý nghĩa hơn.
Ông Oliver Brandt cũng nhấn mạnh: "Qua những sáng tạo của những nhà văn mới là những cây viết trẻ, chúng ta sẽ trân trọng hơn nữa những đóng góp của văn học queer. Bởi, có những giá trị của văn học queer đôi lúc bị xem nhẹ khi chúng ta coi nó chỉ là một xu hướng nhất thời để bắt kịp với những thay đổi của xã hội hiện nay".
"Nhưng thực tế, văn học queer và cả những nhà văn queer trên toàn thế giới đều được đánh giá có tiềm năng lớn. Xung quanh văn học queer cũng có nhiều vấn đề đáng chú ý, chẳng hạn câu hỏi được nhiều quan tâm là, tại sao nhà văn queer có sự xuất hiện rất nhiều của những cây viết nữ? Quan tâm tới văn học queer là cơ hội để chúng ta lắng nghe những tiếng nói của nữ giới về các vấn đề xã hội thông qua lăng kính của họ".
3. Những ngày văn học châu Âu 2024 có sự tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau như: Goethe-Institut, Hội đồng Anh, Viện Cervantes, Đại sứ quán Tây Ban Nha, Đại sứ quán Ý, Đại sứ quán Ba Lan và Đại sứ quán Cộng hòa Czech.
Do vậy chương trình còn quy tụ nhiều sự kiện giới thiệu các tác giả, tác phẩm nổi tiếng đến từ các nền văn học khác nhau của châu Âu. Cụ thể, nhà văn Alena Mornštajnová - người được mệnh danh là "bà hoàng" của Văn học Séc - sẽ có những chia sẻ trực tiếp với độc giả yêu văn học Hà Nội về tác phẩm Bác Hana mới xuất bản tại Việt Nam hồi năm 2023.
Hoặc, nhà văn và nghệ sĩ đến từ Xứ Wales Joshua Jones sẽ điều phối cuộc thảo luận xoay quanh cuốn sách Room/Ystafell/ Phòng. Tác phẩm này quy tụ trải nghiệm queer của 6 cây viết từ Việt Nam và Xứ Wales. Đây cũng là sự kiện mở màn cho triển lãm thơ và ảnh của 6 tác giả trên tại Viện Goethe Hà Nội.
Thêm vào đó, những ngày văn học châu Âu năm này cũng sẽ đặt ra những thảo luận về các tác giả văn chương kinh điển như nhà thơ Tây Ban Nha Federico García Lorca tại sự kiện trò chuyện văn học Lorca - Thơ và tình yêu ẩn giấu được tổ chức tại Đại sứ quán Tây Ban Nha.
Cùng với đó, chương trình cũng sẽ gồm các sự kiện mời gọi thảo luận những vấn đề có tính đương đại hơn, như cách mà AI đang thay đổi việc dịch văn chương thông qua câu chuyện và góc nhìn của những nhà văn và dịch giả nữ.
"Quan tâm tới văn học queer là cơ hội để chúng ta lắng nghe những tiếng nói của nữ giới về các vấn đề xã hội thông qua lăng kính của họ" - ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất