Những ngày cuối cùng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (Kỳ 4)

27/08/2008 09:14 GMT+7 | Văn hoá

Kì 4: Kịch Lưu Quang Vũ và những cuộc "mổ xẻ"
 
(TT&VH) - "Nhiều người xem đã phàn nàn vở này chửi đổng nhiều quá, móc máy toàn những chuyện tiêu cực từ thượng đình đến thứ dân. Đặc biệt, người ta nói thẳng cái thiên đình kia chính là bộ máy lãnh đạo... Đừng vội quy chụp cho người xem đó là tư duy cũ. Họ có lý đó. Vì chính các anh đã tuyên ngôn vở diễn xưa để nói nay..."
 
Đó là bài viết của một tờ báo lớn, tham gia cuộc hội thảo về vở diễn "Hồn Trương Ba da hàng thịt", được tổ chức 6 tháng trước khi Lưu Quang Vũ qua đời (năm 1988)
 
Đôi vợ chồng tài năng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh

* “Một vở diễn "kháy" tới... 28 cơ quan (???)”

Nhà văn Ngô Thảo nhận xét: trong cuộc đời nhiều rủi ro của mình, Vũ chỉ có một lần gặp may duy nhất. Đó là việc anh bước vào làng sân khấu đúng thời điểm đất nước bắt đầu mở cửa. Ở không khí ấy, người ta bắt đầu có nhu cầu xét lại, bàn lại về những hạn chế và trì trệ của cơ chế bao cấp, của những cách tư duy khô cứng - vốn đã phủ bóng lên cuộc sống của bao người suốt một khoảng thời gian dài. Đất đai màu mỡ có sẵn, chỉ chờ một hạt giống tốt để nảy mầm.....

Sau một loạt những thành công, năm 1984 Vũ viết Tôi và chúng ta. Cùng 4 vở diễn của các tác giả Xuân Trình, Tất Đạt, Hoài Giao, báo chí ví von rằng 5 vở diễn ấy có sức mạnh to lớn. Rồi, hàng chục kịch bản khác nối nhau ra đời. Lần lượt, gần như toàn bộ những bấp bênh, trắc trở và vô lý của một thời đã được Vũ đưa vào kịch bản của mình. Và bên cạnh sự đón nhận của người xem, những phản ứng trái chiều cũng bắt đầu.
 
Vở Sống mãi tuổi 17 – vở kịch đầu tay của Lưu Quang Vũ
được dàn dựng tại NH Tuổi trẻ

"Hội thảo, phê bình rồi ý kiến phản đối đều đủ cả. Có vở diễn, người ta tỉ mẩn ngồi thống kê là Lưu Quang Vũ "kháy" tới 28 cơ quan. Có hết từ các ngành giáo dục, công nghiệp, giáo dục, y tế, phát thanh, chiếu bóng, xí nghiệp quốc doanh, công an…" - nhà báo Minh Vũ kể lại- " Đó là vở Mùa hạ cuối cùng. Đi xem, tôi nhớ mãi vai nam chính do Đức Hải đóng. Đang cảnh ngồi xem truyền hình, anh ta bỗng đứng phắt dậy, giơ tay hướng về khán giả: Dừng lại! Giả dối! Tất cả đều là giả dối! Dưới khán phòng, người xem lặng đi, quên cả vỗ tay".

"Vậy, có bao giờ bố anh mệt mỏi vì những ý kiến ấy không?”. Trả lời câu hỏi này của phóng viên, Minh Vũ cho biết: “Tôi cũng ít nghe chuyện của bố. Chỉ nhớ, bố vẫn nói rằng viết kịch phải có cái tâm, có sự nhân ái và đừng dìm nhân vật xuống bùn đen. Nhưng tôi cũng tình cờ nghe bố nói chuyện với má Quỳnh. Bố kể rằng buổi hội thảo hôm ấy rất căng. Cuối buổi, lên phát biểu, bố cười nói: Em mới vào nghề, tất nhiên viết còn nhiều khiếm khuyết...”

* "Đại phẫu" Hồn Trương Ba

Nếu để lựa chọn, có lẽ "tâm bão" trong những cuộc tranh luận về kịch Lưu Quang Vũ nằm ở Hồn Trương Ba da hàng thịt - kịch bản được coi là tiêu biểu nhất của anh. Năm 1987, vở diễn ra đời tại nhà hát kịch Việt Nam dưới sự dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Quãng thời gian gần một năm sau đó là sự xuất hiện những luồng ý kiến khác biệt tới mức trái ngược nhau.

Đỉnh cao của những ý kiến trái ngược ấy là cuộc Hội thảo tổ chức vào tháng 2/1988- 6 tháng trước khi anh gặp nạn. Bài tham luận của một nhà báo, đang công tác tại một tờ báo lớn, có những lời phê bình rất gay gắt:

"Nực cười thay một tác phẩm nghệ thuật như thế mà Hồ Ngọc (nhà phê bình sân khấu, có mặt tại hội thảo) dám cả gan ví với Truyện Kiều và Hamlet. Tôi có thể nói thẳng ra rằng vở diễn này thuộc loại thương mại kiểu mới. Sân khấu thương mại kiểu cũ là chiều nịnh một thứ thẩm mỹ thấp kém, còn sân khấu thương mại kiểu mới là chiều nịnh những thấp kém về mặt tư tưởng của một bộ phận công chúng bức bối, bất mãn trong khó khăn của đời sống hôm nay.

Cái xã hội thiên đình và hạ giới các anh miêu tả rất đen, từng câu nói của nhân vật nêu ra sự việc hoặc nhận xét tình hình xã hội đều khiến cho người xem liên tưởng đến hôm nay... Đất nước ta lúc này không cần đến những thứ nghệ thuật kiểu đó”.
 
Vở diễn Hồn Trương Ba - Da Hàng thịt đã là trung tâm của những cuộc tranh luận về kịch Lưu Quang Vũ trong năm 1988. Trong ảnh là cảnh vở diễn được dựng lại sau này. Ảnh Nguyễn Đình Toán

Đi xa hơn, nhà báo này khẳng định về Lưu Quang Vũ và những người làm vở: "Các anh không chỉ là người ngoài cuộc mà còn là những người thiếu tinh thần trách nhiệm của người xây dựng. Trung ương có thiếu sót nhưng không cho phép các nghệ sĩ được cười cợt chế giễu"

Rất may, sau ý kiến ấy, bà Thùy Chi, nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đã đứng ra "gỡ rối". Bà cho rằng vở diễn không có dụng ý xấu, còn Lưu Quang Vũ là một tác giả trẻ nhạy bén với hiện thực. "Vở diễn phê phán tình trạng chắp vá trong sửa chữa sai lầm. Nam Tào, Bắc Đẩu trong vở là một kiểu cán sự tổ chức thôi, chứ không phải là như một số đồng chí tiếp nhận".

Rồi tiếp đó, các diễn viên Trọng Khôi, Đoàn Dũng, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, tác giả Tào Mạt... đều lên tiếng bênh vực cho Hồn Trương Ba. Cuối buổi diễn, nhà báo nọ và nhà phê bình Hồ Ngọc bắt tay nhau. Nhưng, nhiều tháng sau, những cuộc tranh luận về vở diễn này vẫn rải rác diễn ra trên các báo, ngay cả khi Lưu Quang Vũ qua đời...
 

Người đầu tiên viết kịch bản về Phạm Xuân Ẩn

Năm 1983, Lưu Quang Vũ hoàn thành kịch bản Nữ kí giả. Rất ít người biết: nguyên mẫu nữ kí giả Hà Thu trong kịch bản chính là huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn. Theo lời kể gia đình, đó là kịch bản đầu tiên Vũ viết theo "đặt hàng" của Bộ Nội Vụ. Những tài liệu ở dạng "mật" về Phạm Xuân Ẩn đã được chuyển tới tay Vũ để xây dựng kịch bản này.

Năm 1985, Đoàn Kịch Bộ Nội vụ đã mang Nữ kí giả tới tham dự Hội diễn sân khấu toàn quốc. Đó cũng là lần duy nhất trong đời, Lưu Quang Vũ bước lên sàn diễn với vai trò... diễn viên. Thiếu diễn viên quần chúng, cả anh và họa sĩ Doãn Châu đều được huy động vào vai binh lính của quân đội Sài Gòn cũ trong ngày thất trận, và xuất hiện trên sân khấu chỉ trong vài phút.
 
--------

Giao lưu và biểu diễn Nhớ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh

Tối mai (28/8), nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh, chương trình biểu diễn nghệ thuật và giao lưu Nhớ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh sẽ được tổ chức tại Nhà hát Tuổi trẻ. Một số trích đoạn sân khấu xuất sắc, những câu thơ xúc động lòng người của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh được các nhà hát, nghệ sĩ dàn dựng, trong đó có các trích đoạn sân khấu: Nàng Xita (NH Chèo Hà Nội), Đôi dòng sữa mẹ (Đoàn Cải lương Hải Phòng), Điều không thể mất (NH Kịch Quân đội), Lời thề thứ chín(Nhà hát Tuổi trẻ)…

Trong chương trình, khán giả sẽ được giao lưu với Đạo diễn NSND Phạm Thị Thành (người dàn dựng vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 tại Nhà hát Tuổi trẻ năm 1980 và hàng chục vở diễn nổi tiếng khác của chính tác giả Lưu Quang Vũ), NSND Trọng Khôi (người từng rất thành công trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, NSND Doãn Châu (là họa sỹ thiết kế mỹ thuật rất nhiều các tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – người đã có mặt chứng kiến những giây phút cuối cùng trong cuộc đời của gia đình Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh), NSND Hoàng Dũng (Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, từng một thời nổi tiếng đóng vai trong vở kịch Tôi và Chúng ta), NSƯT Lê Chức (là người bạn thơ, một nghệ sỹ của thành phố cảng Hải Phòng rất gắn bó với Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh), NSƯT Bùi Vũ Minh (một người bạn gần gũi với bao kí ức xúc động thuở hàn vi, lận đận của tác giả Lưu Quang Vũ), Đạo diễn - NSND Lê Hùng (người đóng vai chính Lý Tự Trọng trong vở kịch Sống mãi tuổi 17, nay là giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ… cùng sự có mặt của đại diện gia đình tác giả Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
T.H 
 
 
Hoàng Nguyên
 
Kì cuối: Đi vào huyền thoại

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm