Tế Hanh – Thân tại Hà Thành, hồn xuôi xứ Quảng

16/07/2009 22:18 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Căn gác hẹp trên phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội chiều nay khi tôi ghé vào vắng tênh. Nhà thơ Tế Hanh đang trong giấc ngủ vùi mấy năm nay sau cái đêm thơ văn Trường Sơn ở Cung Văn hoá Hữu Nghị nay đã vĩnh viễn ngủ vùi vào giấc ngàn thu.

Ông đã thả mộng về với Thơ và về với xứ Quảng quê hương mãi mãi vào lúc 12 giờ 20 phút ngày 16/7/2009, sau khi chợt tỉnh lại một phút sau mười năm mê.

Nhà thơ Tế Hanh. Ảnh Nguyễn Đình Toán (ảnh chụp năm 1996)


1. Thật ra mười năm nay mỗi lần đến thăm ông tôi chỉ biết đứng ngắm người mà từ 68 năm trước Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết những lời cổ vũ nhẹ nhàng, để rồi sau đó người đã bước lên văn đàn với những bài thơ về quê hương làm xao động con tim những ai xa xứ…

 Lần ấy khi kể về cái đêm định mệnh mà vì quá xúc động về lịch sử con đường huyền thoại Trường Sơn, ông đã gục trên ghế danh dự Nhà hát Cung Hữu Nghị, bà Trần Thị Lâm Yến, phu nhân thi sĩ kể rằng, anh Phạm Tiến Duật đến rủ ông đi dự đêm thơ văn kỷ niệm đường Trường Sơn. Trước khi đi, vì mắt kém ông đã nhờ bà đọc lại cho ông nghe những bài thơ viết về Trường Sơn. Ông nhẩm thuộc lấy vài đoạn để chuẩn bị phát biểu trong đêm thơ... Đêm ấy ông đi và trở về không còn như trước. Có lẽ vì quá xúc động khi nhớ về một thời máu lửa đạn bom, ông đột quỵ ngã gục xuống ghế. Lúc ông Nguyễn Đình Thi quay lại nói chuyện thì thấy ông Tế Hanh như thế liền gọi cấp cứu.

Sau đêm thơ ấy ông đã sống bắt đầu một đời sống khác, xa hết mọi thứ trên đời... Mọi sinh hoạt của ông và cả của bà -người đương bị đau chân, đang đi lại bằng gậy phải trông nhờ hai người giúp việc...

Bà Trần Thị Lâm Yến chăm sóc nhà thơ Tế Hanh trên giường bệnh (Ảnh chụp năm 2007)


Tế Hanh là người trẻ tuổi nhất trong “Thi nhân Việt Nam” nhưng lại là người chịu nhiều nỗi đau nhân thế. Căn bệnh tai biến mạch máu não đã đưa ông vào cõi hôn mê tròn 10 năm. 10 năm qua, ông nằm đó mà hồn thơ đã gửi tận xứ Quảng, gửi ở Lời con đường quê, ở Quê hương và ở Nhớ Con sông quê hương.

Nhà thơ Tế Hanh, tên thật là Trần Tế Hanh; sinh ngày 20/6/1921, đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 1996.

2.
Ngày bước vào Thi nhân Việt Nam hẳn ông còn trẻ lắm. Hoài Thanh và Hoài Chân viết về Tế Hanh: “Hiện học năm thứ hai ban trung học... Hôm đầu tôi gặp người thiếu niên ấy người rụt rè ngượng nghiụ như một chàng rể mới nhưng tôi vẫn nhớ đôi mắt. đôi mắt nồng nàn lạ. Tôi nghĩ ở một người như thế, những điều cảm xúc, những nỗi đau xót sẽ quá mực thường và có khi khác thường.” Nhưng “Tế Hanh còn trẻ lắm và cũng mới bước vào làng thơ, chưa có thể biết rõ những con đường người sẽ đi”.


Vâng! Thủa ấy mà hai ông đã phát hiện ở chàng thi sĩ trẻ những dấu hiệu khác thường. Quả là những người có đôi mắt xanh. Mới bước vào làng thơ nhưng Tế Hanh đã có được cái nhìn tinh tế, có những câu thơ thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương “như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ”.  Rời trường Khải Định ở Huế, người trở vô Quảng Ngãi cũng là lúc cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Tế Hanh tham gia hoạt động và trở thành cán bộ văn nghệ khu Năm. Cuốn theo dòng thác cách mạng, chàng thi sĩ trẻ đã gắn cuộc đời vào cái chung của dân tộc. Nhưng mạch thơ ca vẫn một cái nhìn trong trẻo như thủa nào.

Tác giả “Nhớ con sông quê hương” đã đề câu thơ dưới bức ảnh này: “Làng tôi ở sông Trà Bồng xanh biếc/Nước bao quanh, nay đã có cầu qua”.


Thế hệ chúng tôi lớn lên đã từng học thuộc lòng bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của ông để càng yêu thêm những dòng sông nước Việt. Mấy chục năm, từ sau khi cùng người vợ trẻ tập kết ra Bắc, Tế Hanh về làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam chuyên dịch văn học Pháp và làm thơ. Ông đã trở về Nam 3 lần khi đất nước còn đang chiến tranh bằng con đường Trường Sơn cùng với nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhà thơ Phạm Tiến Duật. Có một lần đoàn xe bị địch đánh cháy hết, mỗi người chỉ còn chiếc quần đùi trên người về đến căn cứ.

 Bà Trần Thị Lâm Yến kể rằng, tình yêu đẹp của người trai ấy cho đến sau này đã gắn chặt cuộc đời bà với nhà thơ, dù trải bao nhiêu biến động của thời cuộc… Bây giờ thì ông không còn trò chuyện được nữa về những dòng sông, những con đường quê hương. Ông không còn trò chuyện cả với người vợ hiền bao năm xuôi ngược theo ông. 46 người có tên trong “Thi nhân Việt Nam” nay chỉ còn lại hai người. Khi Tế Hanh nằm bệnh, người còn lại của Thi nhân Việt Nam là nhà thơ Xuân Tâm đã một mình không quản tuổi tác ngoại 90 vẫn thi thoảng ghé thăm bạn. Bà Lâm Yến kể rằng Xuân Tâm quý Tế Hanh vô cùng. Làm thịt con thỏ cũng đem cho Tế Hanh cái đùi nướng… Bây giờ 46 người ấy chỉ còn lại mỗi lão thi sĩ Xuân Tâm-  tác giả Lời Tim non…

Người còn nằm đó giữa Hà Thành mà hồn đã từ lâu xuôi về xứ Quảng, nơi có dòng sông quê hương ám ảnh thủa học trò, nơi cá tôm lấp lánh mãi ký ức người tha hương...

Vậy là ông đã đi xa mãi mãi sau ngày tác giả Thi nhân Việt Nam kỷ niệm 100 năm sinh. Năm Sửu này, sau sáu mươi tám năm, “Thi nhân...” chỉ còn mỗi một mình thi sĩ Xuân Tâm trên đời...Trời Hà Nội chiều nay mưa lớn. Thế mà lúc đưa ông vào nhà lạnh số 5 - Trần  Thánh Tông, như thương tình người  thi sĩ nên trời bỗng dưng ngớt mưa hẳn nửa giờ…

Tân Linh

Quê hương

Làng tôi vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trùng giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Dướn thân trắng bao la thâu góp gió...

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
"Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe"
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

(Tế Hanh)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm