Chuyện tình buồn ở dải Gaza

14/10/2009 10:30 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Chàng sống tại dải Gaza, nàng ở Bờ Tây. Nghe theo tiếng gọi tình yêu, nàng đã liều mình tìm đến với chàng. Họ được ở bên nhau nhưng giờ đây cả hai phải đối mặt với tương lai đầy bất ổn. Câu chuyện tình của họ đã nói lên nỗi thống khổ của những người dân Palestine đang sống ở dải Gaza.

Hành trình sinh tử

Khi May chui ra từ đường hầm, trông cô như vừa được lôi khỏi huyệt mộ. Suốt gần một tiếng đồng hồ, Mohammed Warda - chồng chưa cưới của May - đã căng thẳng chờ đợi. Để đến với người mình yêu, cô gái Palestine đã liều lĩnh bò theo đường hầm mà dân buôn lậu vẫn dùng để chuyển hàng vào dải Gaza. Trong suốt chặng đường bò từ Ai Cập tới Gaza, mắt May nhắm chặt, lòng không tin mình có thể sống sót.


May và Mohammed Warda

Warda đã trả 1.500 USD để những kẻ dẫn đường đưa người yêu đi theo đường ngầm nối Ai Cập với dải Gaza. Warda đã rất thành thực khi gọi điện cho May kể hết những mối nguy hiểm mà cô có thể phải đối mặt nếu tìm đến sống với anh.

Trước tiên, lính Ai Cập có thể thả lựu đạn khói xuống dưới đường hầm và May sẽ chết ngạt. Vài tháng trở lại đây, hàng chục tay buôn lậu đã mất mạng vì trò này. Rồi nguy cơ máy bay Israel không kích trúng tuyến đường hầm nơi May đang đi qua. Kể từ khi phía Israel không thể ngăn chặn nạn buôn lậu tại dải Gaza, họ đã chọn giải pháp tấn công các đường hầm để răn đe. Cuối cùng là nguy cơ đường hầm tự sập.

“Tôi biết mình có thể bị chôn sống bất cứ lúc nào” - May nói. Sau gần một tiếng đồng hồ kiên trì mò mẫm dưới lòng đất, cuối cùng cô cũng đến được với Warda. “Tôi đã bị sốc” - chàng trai 26 tuổi nói - “Cô ấy đã phải trải qua đủ thứ khổ sở vì tôi”.

Cuộc hẹn hò qua mạng

Cách đây 3 tháng, cả nhà Warda tụ tập trong căn hộ của anh tại trại ty nạn Nuseirat ở dải Gaza. 10 thành viên trong gia đình ngồi trước món đồ giá trị nhất của họ: máy tính có gắn webcam, phương tiện giúp họ liên lạc với thân nhân ở Bờ Tây. Đó là ngày diễn ra lễ đính hôn. Warda mặt mũi đỏ bừng vì ngượng. Ở đầu kia, May xuất hiện trên màn hình, xung quanh là người thân. Rồi hai ông bố bắt đầu lễ đính hôn. “Các con có đồng ý lấy nhau không?”, họ hỏi. Warda và May khẽ mỉm cười với nhau qua webcam rồi gật đầu. Cả hai gia đình cất tiếng hoan hô.


Dải Gaza bị phong tỏa khiến cuộc sống của người dân Palestine rất khó khăn

Mọi việc nghe qua tưởng rất bình thường trong thế giới A-rập, với cái kết tốt đẹp là một lễ cưới. Nhưng thực tế tình yêu của họ nảy nở rất đặc biệt. Hai người yêu nhau chỉ vài tuần trước lễ đính hôn, thông qua điện thoại, webcam và thư điện tử. Tình yêu “ảo” thật đẹp nhưng để đi tới hôn nhân thì họ vấp phải rào cản do những xung đột chính trị tạo ra.

Kể từ khi phong trào Hamas giành quyền kiểm soát Gaza năm 2007, mảnh đất này đã bị Israel phong tỏa. Khoảng một triệu rưỡi người bị kẹt lại tại vùng đất được xem là có mật độ dân cư dày nhất trái đất. Israel không cho người Palestine sống ở Gaza rời khỏi đây. “Tôi đã nộp đơn cho phía Israel 5 lần, đề nghị cho tôi tới Bờ Tây (để lấy vợ) nhưng vô ích” - Warda giải thích. Điều đó có nghĩa là nếu muốn thành hôn với Warda, May buộc phải rời khỏi Bờ Tây để trốn đến dải Gaza.

Quyết tâm đi theo tiếng gọi của tình yêu, May và mẹ bắt taxi tới Jordan, từ đây đi qua Ai Cập. May chỉ kịp vội hôn từ biệt mẹ trước khi bắt đầu hành trình chui qua đường hầm để đến dải Gaza.

Tương lai mịt mờ

Mất 4 ngày và hàng ngàn cây số để May đi từ Ramallah ở Bờ Tây tới dải Gaza. Ai đó sẽ nghĩ rằng chuyện tình của Warda và May thật đẹp, bởi họ đã vượt qua nhiều khó khăn, hiểm nguy và trở ngại để đến với nhau. Nhưng thật ra nó cho thấy một câu chuyện buồn của đôi bạn trẻ đã vướng vào tình huống trớ trêu khó có thể thay đổi. Họ là nạn nhân của những xung đột giữa người Palestine với Israel.

Hạnh phúc của họ bắt đầu một cách khó khăn và có lẽ cũng sẽ diễn ra trong khó khăn. Warda cho biết đã phải vay 4.000 USD để May được đưa qua đường hầm, tổ chức đám cưới, mua sắm chút đồ đạc cho căn phòng của họ. “Tôi không biết phải làm gì để trả nợ” - Warda nói. Anh hiện vẫn thất nghiệp và nhận khoảng 250 USD/tháng tiền trợ cấp của phong trào Fatah. Anh sẽ khó có cơ hội tìm việc tại dải Gaza bởi 40% dân số ở đây không có việc làm do bị Israel phong tỏa.

Đôi bạn trẻ bắt đầu nhận ra rằng, những ngày hạnh phúc của họ sẽ sớm kết thúc. May bắt đầu nhớ mẹ. “Cha tôi mất 4 tuần trước khi tôi rời nhà tới đây. Giờ thì mẹ tôi mất nốt đứa con gái duy nhất” - cô tâm sự. May cũng mất luôn việc làm tại cửa hàng bán quần áo ở Ramallah. “Tình yêu thật nghiệt ngã” - cô gái 23 tuổi thốt lên cay đắng.

Sống tại nhà chồng mấy tháng mà May vẫn chưa thấy Địa Trung Hải dù rằng biển chỉ cách nơi cô ở có 20 phút lái xe. Cuộc hành trình mất một vài USD nhưng với May, nhìn thấy biển vẫn là mơ ước xa xỉ bởi sau khi trả nợ dần hàng tháng, cô và Warda chẳng còn lấy một xu lẻ trong người.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm