09/07/2018 07:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người vừa tìm cho mình được một mục tiêu mới để phán xét, khi một tờ giấy đăng ký kết hôn của cặp vợ chồng (vợ 61 tuổi và chồng 26 tuổi) được đăng tải lên mạng xã hội.
Đã có rất nhiều lời bình luận thiếu đạo đức khi đề cập tới câu chuyện này. Nhiều tài khoản Facebook sẵn sàng dùng những lời lẽ cay nghiệt nhất để trình bày suy nghĩ của họ về câu chuyện. Trong số này, kỳ lạ thay có rất nhiều người trong độ tuổi trung niên, chứ không phải chỉ là những người trẻ.
Trong cuốn Bức xúc không làm ta vô can, tác giả Đặng Hoàng Giang có một cách lý giải thuyết phục cho vấn đề trên. Rằng chúng ta lên tiếng phê bình điều gì đó để chứng tỏ là ta không thờ ơ, vô cảm, biết quan tâm, lo lắng. Hơn nữa, khi chê trách người khác, ta cảm thấy hài lòng vì tự thấy mình tốt đẹp hơn. Đó là cơ hội để thể hiện chúng ta hiểu chuyện và ưu tú hơn người khác. Ngoài ra, bức xúc là một tín hiệu chúng ta phát ra để gửi đi thông điệp mình vô can và vô tội.
Có lẽ vì thế mà nhiều người tự xem mình như những chàng “Lục Vân Tiên” trên mạng xã hội: “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Hãy xem một số “Lục Vân Tiên” này đã cư xử trong sự việc nêu trên: “Ở quê vất vả thích ra thành phố, lại có tiền thì phải chấp nhận thôi. Yêu tiền của bà này thì đúng hơn”; “Còn gì ham hố nữa mà lấy thằng bé bằng tuổi con mình hả?”; “Thằng ranh này chắc thuộc loại đầu đường xó chợ gặp loại đàn bà..."
Cũng thật nực cười khi đây chẳng phải là sự việc đáng gọi là “bất bình”. Chỉ đơn thuần là sự lựa chọn của hai con người trái với những điều thường thấy. Việc hai người tuy chênh lệch tuổi tác nhưng có tình cảm và muốn sống cùng nhau đâu làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Họ nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đi đăng ký kết hôn.
Nhưng có khá nhiều người vẫn sẵn sàng suy diễn và gán cho họ những từ ngữ nặng nề chỉ vì họ đã làm trái “lẽ thường”. Họ đã “dám” vượt qua sự chênh lệch tuổi tác để đến với nhau, tức là phải có điều gì khuất tất?! Nghĩ như vậy nên nhiều người cho mình cái quyền hả hê cày xới chuyện cá nhân của người khác. Cứ thế, họ tự đẩy mình vào một đám đông thiếu nhận thức và suy nghĩ, thiếu tôn trọng những giá trị cơ bản của con người như sự riêng tư, quyền tự do sống và mưu cầu hạnh phúc…
Cặp vợ chồng đã trở thành nạn nhân của đám đông. Cũng giống như câu chuyện của Tổng thống Pháp, hoàng tử Anh lấy vợ hơn tuổi, hay rất nhiều câu chuyện khác trái với những điều thường gặp, tất cả đều bị xì xào, bình phẩm.
Lục Vân Tiên ra tay để bảo vệ người khác khi gặp những chuyện “bất bình”, nhưng sự “bất bình” đó phải dựa trên cơ sở tôn trọng sự riêng tư và tự do cá nhân của người khác.
Hạ Hồng Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất