27/07/2011 11:04 GMT+7 | Các ĐTQG
(TT&VH) - Nếu tính ngày 15/6/2011, thời điểm ĐT Việt Nam tập trung lần đầu tiên để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2014, làm cột mốc đánh dấu “triều đại” của HLV Falko Goetz thì tính tới hôm nay, nhà cầm quân người Đức này đã có hơn một tháng, chính xác là một tháng 12 ngày, đứng ở cương vị HLV trưởng ĐT Việt Nam.
Xét về chuyên môn, ĐT Việt Nam của HLV Goetz đã có sự thay đổi rõ rệt so với ĐT Việt Nam thời HLV Henrique Calisto, nhưng tới lúc này, chưa thể khẳng định chắc chắn rằng những thay đổi ấy là tích cực hay tiêu cực, song qua 3 trận đấu chính thức vừa qua (2 với Macau, một với Qatar), ĐT Việt Nam hiện tại vẫn chưa tạo được sự yên tâm tuyệt đối về chuyên môn.
Trong khi đó, giữa HLV Goetz và các tuyển thủ lại đang có khoảng cách không nhỏ xung quanh cách thức quản quân của ông thầy này. Vấn đề đã manh nha xuất hiện ngay từ đợt tập trung để chuẩn bị cho trận đấu với ĐT Macau, nhưng vì không được giải quyết triệt để nên khoảng cách giữa thầy và trò ngày càng lớn, trong đó, điều gây bức xúc nhất cho các tuyển thủ là kế hoạch huấn luyện khá cứng nhắc và BHL thường xuyên ban bố “lệnh cấm trại”.
Nếu không vì trục trặc khách quan trong chuyến bay trở về Hà Nội chiều ngày 25/7 vừa qua thì có thể các tuyển thủ Việt Nam sẽ phải từ sân bay Nội Bài ra thẳng sân tập ở Mỹ Đình, một chuyện hiếm thấy trong lịch sử 8 đời HLV ngoại từ trước tới nay. Không phải vì ĐT Việt Nam thất bại ở Qatar mà chúng ta cần phải tranh thủ từng giây từng phút trước trận lượt về như vậy, bởi kế hoạch này đã được chốt lại từ khi ĐT Việt Nam còn đang tập trung ở TP.HCM.
Điều đó cho thấy HLV Goetz có thể chưa thể hiện được nhiều dấu ấn về chuyên môn, nhưng ở góc độ kỷ luật thì ông là người rất nghiêm khắc. Đây là điều khác với HLV Calisto, bởi ông thầy người Bồ Đào Nha dù rất khó tính trên sân tập, nhưng bên ngoài sân bóng thì HLV Calisto lại khá thoải mái. Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, bản thân HLV Calisto cũng là mẫu người “biết chơi”, có sự tách biệt rất rõ giữa một Calisto trong công việc và một Calisto ngoài đời thường nên nhờ thế mà các tuyển thủ cũng được thoải mái theo.
Mà theo quy luật của cuộc sống thì một khi đã quen với sự tự do thoải mái rồi nếu bị gò lại vào kỷ luật sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu, nhất là trong hoàn cảnh phần đông các tuyển thủ Việt Nam hiện nay đều là ngôi sao ở đội bóng của mình nên hiếm khi họ phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt của lãnh đạo CLB.
Thực ra, chuyện mâu thuẫn quan điểm giữa HLV và cầu thủ xung quanh vấn đề cuộc sống bên ngoài sân cỏ không chỉ có ở bóng đá Việt Nam, mà ngay cả nhiều quốc gia có nền bóng đá phát triển cũng vậy, và HLV Goetz cũng không phải là ông thầy ngoại đầu tiên thực hiện lệnh cấm trại ở ĐT Việt Nam.
Tâm lý của HLV nào cũng muốn học trò của mình càng ít phân tâm cho những thú vui đời thường càng tốt để tập trung vào chuyên môn, còn các cầu thủ thì lại cho rằng nghề nghiệp của họ quá đặc thù, quanh năm ngày tháng chỉ biết quả bóng với sân cỏ nên cần phải được “xả stress” để bảo đảm sự cân bằng. Bên nào cũng có cái đúng của mình nên để tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này là không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, so với những khó khăn trong cuộc sống đời thường mà người dân đang phải đối mặt, chẳng hạn như giá cả đắt đỏ, mưu sinh cực nhọc… thì cảm giác bất mãn do cách quản lý chặt chẽ ở ĐT Việt Nam mang lại cho các tuyển thủ có lẽ chưa thấm tháp vào đâu. Một khi khoác lên mình chiếc áo tuyển thủ QG thì điều đầu tiên các cầu thủ nghĩ đến phải là trách nhiệm, nhưng đổi lại, cái mác tuyển thủ cũng mang lại cho họ rất nhiều lợi ích, cả hữu hình cũng như vô hình.
Hơn nữa, vấn đề này cũng không phải là không thể giải quyết, bởi HLV Goetz mới chân ướt chân ráo tới Việt Nam nên còn đang trong quá trình làm quen, và mọi thứ đều có thể thay đổi theo thời gian. Vì thế, xét cho cùng, chuyện này cũng không có gì mà phải ầm ĩ.
Hoàng Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất