08/08/2021 12:54 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nhân Olympic 2020 bên thủ đô Tokyo nước Nhật đang tới hồi vãn cuộc, xin nhàn đàm về những kỷ lục olympic của giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Theo luật Thế vận hội, sẽ có đủ “thập bát ban môn”!
1. Trên thế giới, giỏi môn đi bộ nhất có lẽ là các nhà văn Việt Nam! Đi bộ 2.000km theo chiều dài đất nước cũng có đến 2 nhà văn làm được, đó là Nguyễn Lương Ngọc và Hòa Vang!
Liên quan đến cuộc đi việt dã này, có mẩu tin in trên NTNN ngày 6/8/1999: “Chuyện có thật 100%, khi Tạ Duy Anh ra mắt cuốn Hiệp sĩ áo cỏ, trong đó có 2 nhân vật du hành khắp thế giới đầm nước cũng là lúc 2 chàng nhà văn Nguyễn Lương Ngọc và Hòa Vang kết thúc cuộc đi bộ xuyên Việt. Đọc xong Hiệp sĩ áo cỏ, Nguyễn Lương Ngọc đùng đùng nổi giận tuyên bố: "Tao sẽ tìm gặp Duy Anh giã cho nó một trận để nó chừa cái tật moi móc bêu xấu bạn bè!". Duy Anh nghe thế cũng dựng tóc gáy cao giọng trả đũa: "Nó cứ đến đây, tao sẽ tát cho vỡ mặt!".
Ấy thế nhưng gặp nhau rồi, 2 "kẻ bạn" lại chỉ rủ nhau uống rượu rất vui vẻ. Xem ra "võ mồm" là "môn phái chính" của những nhà văn...
2. Olympic nghệ sĩ có thể tổ chức tại gia và rất bình đẳng giới! Hồi nhà thơ Dư Thị Hoàn đang mang thai cháu Trịnh Thi Giang, vào bữa ông chồng thi sĩ Trịnh Hoài Giang đi thực tế qua đêm, kẻ trộm thừa cơ lẻn vào. Thật không may cho thằng trộm, nữ thi sĩ cũng là người thượng võ, cũng dám vận dụng đường lối quân sự của dân ta, từ việc giữ nước vào việc: “Trộm đến nhà đàn bà cũng…” cầm gậy rượt đuổi!
Đêm ấy, vận động viên sân nhà họ Dư không mất gì, lại còn cướp được của kẻ trộm chiếc dép (bên trái) để vừa làm vật chứng, vừa làm cúp thể thao.
3. Cái tình mà giới nghệ sĩ đặt vào thể thao kể sao cho hết. Nhà văn Nguyên Hồng chỉ xem bóng đá bằng tai, xem qua loa truyền thanh công cộng ở thị xã Cốc Lếu (Lào Cai), tường thuật trận Hải Phòng gặp Thể Công. Trận ấy Hải Phòng thắng. Thế là nhảy lên mừng, uống rượu mừng, vuốt râu mừng, rưng rưng nước mắt khóc mừng. Chưa đủ, lại còn bỏ tiền túi đánh 4 bức điện mừng, gửi ngay và luôn về Hải Phòng, một mừng cầu thủ Hùng giỏi ghi bàn, một mừng đội bóng tỉnh nhà thắng lớn, một mừng Sở Thể dục, Thể thao hoàn thành nhiệm vụ, một mừng đồng chí bí thư thành ủy lãnh, chỉ đạo đúng con đường thể thao!
4. Vô địch môn bò vượt chướng ngại vật là xạ thủ “súng ngửi trời” Quang Dũng. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có kể trong sách của mình:
“Nhà thơ Quang Dũng năm ấy có một căn phòng nhỏ ở phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Mùa Hè, cả nhà lau sàn rồi ngủ la liệt giữa nhà. Vợ anh nằm trong cùng. Lần ấy, anh đi viết ở Vĩnh Linh 2 tháng, về đến nhà đã 11h đêm. Sáng hôm sau, gặp anh giữa phố, tôi hỏi…”. Nhà thơ vui vẻ báo cáo thành tích môn thi đấu đêm qua: “… phải rón rén bò qua một trận địa... con để vào với vợ".
5. Sách chép rằng, nhà thơ Thăm lúa Trần Hữu Thung vào năm 17, 18 tuổi đã là một lực sĩ vai rộng, ngực nở. Mỗi trưa thứ Bảy tan trường, lực sĩ Thung thường "thăm lúa" bằng một cuộc marathon 45km từ thành phố Vinh về làng mình! Độc đáo là thế, luật Olympic chỉ yêu cầu 42km mình chạy 45km cho thiên hạ coi! Lại còn độc đáo ở chỗ, khi tới đích là cánh đồng làng, vào những ngày còn đang vụ gặt, lực sĩ Thung chuyển ngay tức thì sang chơi môn gánh tạ, mỗi gánh 8 lượm lúa ướt.
Nhưng độc đáo hơn là chuyện được chép trong báo Văn nghệ, số 2118, xin trích nguyên văn:
"Năm 1945, trên đường từ Vinh về Cầu Cấm, anh gặp bọn Nhật ngáng đường (hồi này bọn Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, ta đang cố tranh thủ chúng ủng hộ Việt Minh). Bọn chúng có một tiểu đội. Ngôn ngữ bất đồng, vừa làm điệu bộ, vừa bút đàm bằng chữ Hán. Tên chỉ huy nhìn dáng anh và thách vật. Anh nhận lời và hai bên thỏa thuận: Nếu anh thua thì phải ở lại nấu bếp cho bọn chúng 3 ngày, nếu anh thắng thì họ cho anh súng, muốn lấy mấy khẩu cũng được. Kết quả là anh thắng cả 2 tên chánh, phó chỉ huy. Thế là 2 vai anh vác 4 khẩu súng trường chạy bộ về nộp cho Tổng bộ Việt Minh tổng Thái Xá".
6. Olympic nghệ sĩ, không thể thiếu Tản Đà. Với ông, cái khỏe không tách rời cái đẹp. Vẻ đẹp ấy từng xuất thần trên “đường đua xanh” ngoài biển Sầm Sơn (Thanh Hóa):
"Thi sĩ cởi trần trùng trục, cái quần vải Tây cống có dây lưng lụa buộc hở ngoài, được buông hẳn cạp lá tọa xuống. [...] Nơi dây lưng lụa, một bên thi sĩ cột một be rượu, một bên dắt một con dao nhọn mũi. [...] Thế rồi ông Tản Đà cứ bơi đứng [... ] ra mãi ngoài xa, tìm được những tảng đá sống trâu nổi lên mặt nước mới chịu nghỉ. [... ] Chỉ những người biết bơi lặn mà mạo hiểm lắm thì mới dám ra nơi ấy. [... ] Ông mở nút chai rượu [... ] vừa nhìn sóng bạc đầu vừa tu ừng ực. [... ] Bóng tịch dương phía bờ cát đã nhuộm đỏ ối cánh rừng phi lao đang rung động nổi một cuộc hòa nhạc với cái hải triều âm. Bóng tịch dương viền cái hình thù ông Tản Đà một màu đỏ gắt".
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất