Roland Garros 2015; Vì sao có quá ít tay vợt da màu thành công?

31/05/2015 06:14 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ Roland Garros, mà ở hầu hết các giải Grand Slam, đã nhiều năm qua, có rất ít các tay vợt da màu đăng quang.

Dù Venus, và nhất là Serena Williams, vẫn đủ sức thống trị quần vợt nữ thế giới, cánh cửa tới với quần vợt chuyên nghiệp với những tay vợt trẻ da màu ở Mỹ, quốc gia đào tạo tennis trẻ tốt nhất thế giới, vẫn khá hẹp. Nhìn tổng thể, hai chị em nhà Williams cũng là hai đại biểu hiếm hoi của các tay vợt da màu vươn lên tới đỉnh cao. Những người khác, như Gael Monfils hay Richard Gasquets có thể lúc này lúc khác thành công, nhưng chưa bao giờ là những thế lực lớn thực sự của làng banh nỉ.

Khi quần vợt không được ưa chuộng bằng... ném phi tiêu

“Rất ít tay vợt da đen trong các lò đào tạo trẻ”, Bob Davis, người từng đánh đôi với tay vợt da đen huyền thoại Arthur Ashe 40 năm về trước, nói. “Cho tới Serena và Venus, thỉnh thoảng cũng có người vào chung kết một số giải nhỏ, nhưng các tay vợt da đen nhìn chung là không có cơ hội”.

Tại sao? Khi chị em nhà Williams bắt đầu nổi lên, nhiều người đã hy vọng những tay vợt trẻ da đen sinh trưởng ở các đô thị lớn sẽ tham gia nhiều hơn vào quần vợt, nhưng rồi một năm chờ đợi thành hai năm, hai năm thành bốn năm, tới nay đã hơn một thập kỷ, vẫn không có thêm những Williams nữa xuất hiện với làng banh nỉ.

Theo Albert Tucker, thành viên của ban điều hành Hiệp hội tennis Mỹ (USTA) khu vực Florida, có vài yếu tố ảnh hưởng tới “khoảng trống da màu” đó. Chi phí đào tạo trẻ là một vấn đề lớn. “Đó là một vấn đề kinh tế và thói quen”, Tucker giải thích. “Quần vợt đơn giản là đòi hỏi khá cao về mặt tài chính”.

Ở hầu hết các cộng đồng da màu, không chỉ tại Mỹ mà cả châu Âu, trẻ nhỏ thường ham thích những môn thể thao đồng đội như bóng rổ, bóng đá hay bóng chày. Quần vợt ngày càng trở nên kém phổ biến và thiếu sức hút. Ở Anh chẳng hạn, quần vợt còn xếp sau… ném phi tiêu. Thật khó mà lôi kéo một đứa trẻ đã mê bóng rổ hay bóng đá chuyển sang thích quần vợt.

Thiếu tính cộng đồng

USTA có những chương trình như "First Serve Initiative" nhắm tới việc phát triển quần vợt học đường, cung cấp giáo viên, HLV và các hoạt động quần vợt giải trí, cũng như học bổng ở trường quần vợt trẻ Bolletieri. Tuy nhiên, đó mới là khởi đầu, những ai muốn trở thành tay vợt chuyên nghiệp cần nhiều hơn chỉ là vài giờ tập luyện mỗi tuần.

“Những trẻ học theo nhóm không thể nhận các chỉ dẫn tập trung cần thiết”, Tucker nói. “Trong hầu hết trường hợp, trẻ cần phải chơi và tập 2-3 ngày mỗi tuần với HLV riêng để có lộ trình chuyên biệt. Như thế là 30-50 USD cho mỗi bài học”.

Để tạo ra một Venus hay Serena tương lai, các bậc cha mẹ phải có con cái đặc biệt tài năng để nhận được tài trợ từ các doanh nghiệp như nhà Williams hoặc hy sinh rất nhiều thời gian và tiền bạc có thể ảnh hưởng tới cả gia đình. Huấn luyện một đứa trẻ thành tài có thể tiêu tốn từ 50.000 tới 60.000 USD mỗi năm.

“Chúng ta cần thêm những người Mỹ gốc Phi với tiền bạc để đầu tư cho những chương trình chuyên biệt các tay vợt da đen”, Patricia Koger, cựu chủ tịch sáng kiến cho người thiểu số của USTA nói. “Chúng tôi có nhiều chương trình tuyệt vời để mọi người cùng chơi quần vợt, nhưng còn thiếu tính lan tỏa”.

Davis đồng ý: “Phải cả một xóm chung tay mới có thể tạo ra một nhà vô địch quần vợt da màu. Davis cho rằng môi trường ở Mỹ giờ không thích hợp để phát triển các tài năng thể thao da màu. Vào những năm 1950 thời ông lớn lên ở khu Harlem, rất nhiều người Mỹ gốc Phi giàu có sẵn sàng hỗ trợ cho các cộng đồng da đen còn nhỏ và rất gần gũi. Davis, Ashe và Althea Gibson là những người đã hưởng lợi từ điều đó.

Một vấn đề nữa, theo Tucker, là có quá ít người da màu trong những chương trình như "First Serve Initiative". “Cộng đồng người da đen không tham gia nhiều vào quá trình ra quyết định”. Koger đồng ý, nhưng bà vẫn hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho các tay vợt da màu. “Vẫn có những Serena, Venus, James Blake và Alexandra Stevenson để làm gương cho thế hệ kế cận”, bà kết luận.

30 Năm 2014, Taylor Townsend trở thành tay vợt nữ Mỹ đầu tiên trong 30 năm vươn lên số 1 bảng xếp hạng trẻ của WTA. Cô là một người da đen.

42 Tay vợt da đen Sloane Stephane, được coi là một Serena Williams mới, hiện đang xếp hạng 42 thế giới và đã vào vòng 3 Roland Garros sau khi đánh bại Venus Williams và H. Watson.

19 Số danh hiệu Grand Slam của Serena Williams, một tay vợt da đen và được coi là tay vợt nữ vĩ đại nhất mọi thời.

Hải Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm