'Những kẻ lắm lời' và Thùy Minh có bị phạt?

25/11/2015 07:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây, dư luận xôn xao với những clip Những kẻ lắm lời. Ngoài việc nhiều ý kiến phê phán chương trình, có một vấn đề lớn nảy sinh trong hoạt động văn hóa giải trí đáng chú ý. Đó là vai trò của các cơ quan quản lý văn hóa và trách nhiệm của những người thực hiện những sản phẩm lưu hành trên môi trường Internet.

Chúng ta có Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin Truyền thông. Cục này có nhiệm vụ “quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, bao gồm: phát thanh, truyền hình, trang tin điện tử, mạng xã hội, trò chơi điện tử”.

Tiền lệ xử phạt

Các clip của Những kẻ lắm lời được phát trên hệ thống YouTube, nhưng hiện nay chưa có đại diện chính thức của YouTube tại Việt Nam, hay nói cách khác, các cơ quan quản lý Việt Nam chưa thể thực hiện chức năng quản lý của mình đối với YouTube, vì vậy các clip như của Những kẻ lắm lời, hoặc music video (MV) ca nhạc, clip hài… ai muốn đưa lên YouTube thì cứ đưa. Nhưng nếu có dư luận lên tiếng về sự tác động xấu của nó, các cơ quan quản lý văn hóa Việt Nam sẽ vào cuộc và vẫn áp dụng những quy định hiện hành đối với các sản phẩm này.

Trường hợp được xem là “tiền lệ”, đó là việc xử phạt phimCăn hộ 69 vào năm ngoái (2014). Dù còn tranh cãi giữa 2 thể loại “phim” và “clip”, nhưng Căn hộ 69 vẫn bị phạt bởi “tội” “chưa được phép phổ biến nơi công cộng”. Trong trường hợp này YouTube cũng được xem là nơi “công cộng” vì rất nhiều người Việt vào xem.


Từ trái qua: Bộ 3 host quen thuộc của Những kẻ lắm lời (Bitches in Town): Thùy Minh, Lê Minh Ngọc, Nguyễn Ngọc Thạch

Ngoài chương trình Những kẻ lắm lời, hiện nay rất nhiều MV, single, album ca nhạc, clip hài… được phát hành online trên YouTube và một số trang web nghe nhạc. Điều đáng nói là đa số là không có giấy phép phát hành. Nhưng sẽ không có ai bị phạt về điều này, nếu sản phẩm đó không gây ra những điều tiếng xấu.

Hiện nay, quản lý những sản phẩm văn hóa trên môi trường Internet là thuộc Bộ Thông tin Truyền thông, nhưng cấp phép lưu hành các sản phẩm này lại thuộc những cấp có thẩm quyền của Bộ VH,TT&DL.

Một cán bộ Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM (xin được giấu tên) chia sẻ: Nếu ai chưa có giấy cấp phép của Sở VH,TT mà vẫn cứ đưa sản phẩm của họ lên môi trường Internet thì họ tự chịu trách nhiệm. Bởi với hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm đưa lên ở các trang web, mạng xã hội trong một ngày, Sở Thông tin Truyền thông không đủ sức để có thể kiểm tra cái nào đã được cấp phép, cái nào không. Nếu sản phẩm không có vấn đề gì, không có ai phàn nàn, khiếu kiện, thì xem như an toàn chẳng ai phạt.

Tự chịu trách nhiệm đối với sản phẩm?

Trên thực tế hiện nay, hầu như tất cả các clip, MV, single được đăng tải trên YouTube là không xin cấp phép “lưu hành nơi công cộng”, thậm chí có sản phẩm vì không xin cấp phép được nên chủ nhân chọn cách “phát hành online”. Nếu những clip Những kẻ lắm lời cũng nằm trong tình trạng này, chắc chắn sẽ bị phạt, nếu cơ quan quản lý văn hóa Việt Nam muốn và án phạt này là dành cho những người phát hành trên YouTube.

Còn với những cá nhân được đề cập trong các clip nêu trên, họ được xem là bị xúc phạm danh dự, hoặc đời tư cá nhân. Nếu họ có khiếu kiện, thì vụ việc sẽ được giải quyết tại tòa án dân sự đối với những người chủ trương thực hiện chương trình.

Với sự phát triển rộng lớn của môi trường Internet, thực tiễn cho thấy rằng, sự quản lý theo lối “truyền thống”, muốn phổ biến cái gì thì phải xin phép dường như không còn phù hợp.

Tuy các cơ quan quản lý văn hóa Việt Nam chưa có những thay đổi, nhưng trên thực tế việc đưa vào lưu hành các sản phẩm văn hóa trên môi trường Internet, các chủ nhân của nó hầu hết là không xin phép và các cơ quan quản lý cũng không đủ sức để kiểm tra và xử phạt, ngoại trừ những trường hợp nổi cộm, hoặc gây tác động không tốt trong công luận.

Điều này cho thấy đang diễn ra thực trạng tự chịu trách nhiệm sản phẩm của mình ở lĩnh vực giải trí trên môi trường Internet mà phổ biến là trên YouTube.

Một vấn đề khác cũng được đặt ra từ đây: Tại sao lại có nhiều người làm những sản phẩm và phát hành trên YouTube - một hoạt động khá phổ biến hiện nay đối với ngành giải trí, nhất là ở lĩnh vực hài kịch?

Mời độc giả đón đọc bài Hấp dẫn từ việc kiếm tiền trên YouTube vào ngày mai 26/11.

Hải Long
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm