09/02/2014 12:54 GMT+7 | Văn hoá
Triển lãm Một gương mặt của lịch sử (A Face of the History) mở tại Hà Nội từ cuối tháng 12/2013. Triển lãm gồm 30 bức tranh nhà thơ – cựu binh Mỹ Kevin Bowen vẽ các nhà văn, nhà thơ, học giả Việt Nam.
Vẽ quá khứ của người và của mình
Xem triển lãm, nhiều nhà văn không nhìn tên tranh. Họ nhìn thẳng vào nhân vật và đoán xem đây là người bạn, người đồng nghiệp quen biết nào của mình. Nét vẽ của Kevin Bowen trong sáng, tả thực, không trừu tượng, vì sao phải đoán?
Vì mỗi bức tranh là một phiên bản trẻ hơn của nhân vật, là một quá khứ vẫn còn gắn chặt với hiện tại. Đó không hẳn là hình ảnh quá khứ hiển hiện của họ, mà được lọc qua góc nhìn của Kevin Bowen. Mỗi bức tranh là một kỷ niệm về Chính Hữu, Nguyễn Khải, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn, Vũ Tú Nam, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, Hữu Thỉnh, Lê Lựu, Đỗ Chu, Nguyễn Duy, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều…
Danh sách đã dài, nhưng chưa hết, không thể kể tên nhân vật trong cả 30 bức tranh. Tất cả đều là bạn của Bowen, thậm chí bạn chí cốt. Đều là những người ông đã gặp, nói chuyện, không ít người ông đã đến chơi nhà, cũng không ít người đã đến chơi nhà ông ở Mỹ, chơi bóng rổ ở sân sau cùng con trai ông, Mike, và bế trên tay con gái ông, Lily.
Nhà văn Đỗ Chu từng đến Mỹ với "những tấm toan căng sẵn và màu dầu sẵn sàng để vẽ", vẽ chính vợ chồng Bowen, nhưng kỹ tính đến mức vẽ chưa ưng ý thì sẵn sàng "đi ra vườn sau và cạo đi tất cả những gì ông vẽ trong cả ngày".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể, gia đình Kevin Bowen thường đãi khách các món ăn Việt Nam, nấu rất đúng điệu. Nguyễn Quang Thiều từng hỏi đùa ông bạn Mỹ: "Có phải ông giả vờ yêu Việt Nam không, vì tôi không thể tưởng tượng một người Mỹ nào lại yêu Việt Nam đến thế được".
Trong triển lãm Một gương mặt của lịch sử, ai cũng bảo, tranh vẽ Đỗ Chu là ấn tượng nhất, bức tranh mà Bowen mô tả là "sự kết hợp của người lính, nhà văn, học giả, mang lại diện mạo và sự ân cần của ông".
Cầm cọ vì sợ ký ức rời bỏ
Bowen đến với hội họa trong một hoàn cảnh không mong muốn. Tháng 1/2008, ông bị ngã và chấn thương ở não trái. Ông đã bị mất một phần trí nhớ, mất tập trung, mất khả năng nhận thức và không thể đọc hoặc viết trong thời gian dài. "Đó là lúc buồn nhất" – nhà thơ Mỹ tâm sự –"Tôi sợ ký ức về những gì mình đã đọc và viết sẽ mất đi mà không có gì níu giữ được".
"Nhưng vợ tôi, Leslie, đã khuyến khích tôi khám phá những cách thức khác để biểu cảm, cụ thể là với màu vẽ của cô ấy. Từ đó, tôi bắt đầu vẽ lại những gương mặt in dấu các ký ức hạnh phúc trong đời mình".
Kevin Bowen bắt đầu gắn với cây cọ từ một buổi sáng tháng 12/2008. Ông vẽ gia đình và bè bạn, hầu như đều là chân dung, đúng nghĩa "ghi lại những gương mặt".
"Khi vẽ những bức chân dung này, tôi đắm chìm vào vòng xoáy thời gian" – nhà thơ chia sẻ. "Tôi tìm lại những bộ ảnh cũ và xem ảnh của họ ở bìa sau các cuối sách. Mỗi bức chân dung trở thành một sự suy ngẫm về công việc và cuộc đời bạn bè tôi, về cuộc chiến tranh mà họ đã đi qua, với cuộc sống mà họ với tư cách văn nghệ sĩ, trưởng thành nhưng không già đi".
Bộ tranh có hình ảnh tươi sáng nhờ màu nền đều là xanh lá với các sắc thái khác nhau. Theo lý giải của Bowen, ông chọn màu này vì xanh là màu của "những cánh rừng và những khu vườn", 2 khung cảnh sắc gợi cho ông nhớ về những người bạn Việt Nam.
Từ trái qua: Tranh chân dung Đỗ Chu, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê của Kevin Bowen.
"Phụ nữ của các ông đâu?"
Bowen vẽ không nhiều nhà văn nữ, nhưng ông chọn toàn người sắc sảo: Lê Minh Khuê, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Ý Nhi, Lý Lan. Không chỉ sắc sảo, họ đều là những giọng văn, thơ mạnh mẽ, quyết liệt. Thậm chí rất quyết liệt.
Lê Minh Khuê – một trong những nhà văn nữ hay nhất Việt Nam, gây ấn tượng với Kevin Bowen từ lần đầu gặp chỉ với một câu nói. "Khuê là nhà văn nữ đầu tiên đến thăm chúng tôi. Tôi nhớ rất rõ bà từ hội nghị năm 1990 khi bà nghiêng người qua bàn, nhìn vào đoàn nhà văn Mỹ toàn đàn ông và hỏi: Phụ nữ của các ông đâu"? – Bowen nhớ lại.
Đến chính Lê Minh Khuê cũng ngạc nhiên vì bà đã gây ấn tượng lớn đến thế cho một nhà văn nam giới Mỹ. Khi nữ nhà văn đến Mỹ dự một hội nghị sau đó vài năm ở Dorchester, Boston, Bowen đã chụp ảnh bà và vẽ lại bức tranh chân dung từ hình ảnh đó. Một Lê Minh Khuê trẻ hơn, "tươi hơn" theo nhận xét của nhà văn Đỗ Chu.
Phan Thị Vàng Anh đáng nhớ vì bản lĩnh một mình sang Mỹ theo học chương trình học bổng Iowa. Bowen mô tả: "Căn phòng đầy sinh viên, tất cả đều chú ý đến chị. Cũng giống như họ, tôi nghĩ tôi kinh ngạc trước sức mạnh, sự độc lập, và tự tin của chị với tư cách một bác sĩ, một nhà văn, một phụ nữ tự mình đi nước ngoài, hoàn toàn thoải mái với bản thân".
Ấn tượng về nhà thơ Ý Nhi của Người đàn bà ngồi đan trừu tượng hơn: "Ý Nhi dường như luôn mang theo mình một nguồn sức mạnh. Một sức mạnh và sự ngay thẳng" và bức chân dung là "hình ảnh một người phụ nữ phá vỡ những khuôn mẫu cũ, truyền tải tới chúng tôi những gì bền vững, tốt và hữu ích, cách để bước đi ngay thẳng trên thế giới này".
Bên cạnh những hình ảnh mạnh mẽ đó, Bowen nhìn Lâm Thị Mỹ Dạ có chút khác biệt: "Lâm Thị Mỹ Dạ với tôi dường như luôn là một người với nội tâm sâu sắc… Khi tôi gặp bà, tôi đã rất ẩn tượng với sự dịu dàng và điềm tĩnh của bà".
Bowen khắc sâu ấn tượng này một phần vì ông yêu thích bài thơ Khoảng trời và hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ - bài thơ mà theo ông là "chuyển câu chyện về một tình huống bạo lực khủng khiếp thành một khoảnh khắc mặc tưởng yên tĩnh, thành một khoảnh khắc chiến tranh mà vượt qua cả chiến tranh".
Cái nhìn của Bowen về các nhà văn, nhà thơ Việt Nam không chỉ là trìu mến mà còn là ngợi ca. Họ, đối với ông là những người bạn, nhưng trong mỗi người cũng ẩn chứa một nét huyền thoại. Ông nhìn họ đầy lãng mạn mà cũng rất gần gũi.
Kevin Bowen - người "Chơi bóng rổ với Việt Cộng" Kevin Bowen là nhà thơ, dịch giả đã sáng tác và biên tập hơn 10 tuyển thơ và văn xuôi, đồng thời là cựu giám đốc trung tâm William Joiner thuộc Đại học Massachusetts Boston. Ông làm nhiều thơ và viết nhiều tiểu luận về Việt Nam. Một trong những tập thơ nổi tiếng của ông là: Chơi bóng rổ với "Việt Cộng". Năm 2011, ông nhận giải thưởng Phan Châu Trinh của Việt Nam do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng vì là người mở đường cho văn học Việt Nam vào Mỹ. Hiện ông sống cùng gia đình ở Dorchester, Boston, bang Massachusetts, Mỹ. |
Lê Giang
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất