13/01/2023 10:28 GMT+7 | Bạn cần biết
Đây là những điều cần phải làm sau khi thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo để đón một năm mới nhiều may mắn.
Theo dân gian, lễ cúng ông Công ông Táo là phong tục tâm linh quan trọng của người Việt. Vì vậy, vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình đều chuẩn bị phẩm vật, mâm cỗ để cúng tiễn ông Công ông Táo.
Dọn dẹp bàn thờ
Theo quan niệm xưa, thực hiện nghi thức dọn dẹp bàn thờ ngày cuối năm cần tránh phạm vào điều kiêng kỵ, bởi nếu phạm phải có thể khiến gia đình gặp trắc trở, năm mới khó khăn.
Người thực hiện việc lau dọn cần tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề (tránh mặc quần đùi, áo cộc, trang phục hớ hênh), kiêng ăn các món hôi tanh. Trước khi làm lễ, gia chủ nên thắp hương và khấn thành tâm để xin phép.
Theo các chuyên gia phong thuỷ, việc lau dọn bàn thờ nên được tiến hành từ cao đến thấp, chú ý không khiến bát hương hay các tượng thờ cúng bị dịch chuyển. Nếu trong quá trình lau dọn, có sự cố khiến bát hương bị xô lệch, gia chủ phải khấn sám hối và đưa trở về vị trí ban đầu.
Tỉa chân hương, thay tro bát hương
Trong một năm, chân hương trong bát hương sẽ rất nhiều khi trải qua các ngày rằm, mùng một, các dịp giỗ chạp, lễ tết. Lúc này, gia chủ cần phải rút bớt chân hương và để lại số chân hương lẻ như 3, 5, 7, 9.
Chân hương sau khi rút phải mang đi hóa thành tro rồi vùi vào gốc cây. Nếu có thể, hãy đem vùi vào gốc cây chuối. Tuyệt đối không đem vứt chân hương vào thùng rác hoặc những nơi ô uế.
Gia chủ có thể thay tro mới vào bát hương. Tro thêm vào bát hương phải là tro rơm (có thể mua ở các cửa hàng bán đồ thờ cúng). Lưu ý, cần giữ nguyên phần cốt của bát hương (thường là đá quý, kim loại...) trong bát hương khi thực hiện quá trình thay tro. Số tro thừa sẽ mang đi rải ở sông hoặc nơi có nguồn nước lưu thông.
Thay bàn thờ hoặc bát hương (nếu cần thiết)
Khi bàn thờ hoặc bát hương không còn phù hợp với điều kiện của gia đình và gia chủ muốn thay sang thứ khang trang hơn, tốt hơn thì có thể thực hiện việc thay thế vào lúc này.
Đối với bát hương, cần giữ lại phần cốt của bát hương và số chân nhang cũ. Bát hương, bàn thờ cũ có thể mang đi hoá.
Làm lễ mời an vị Táo Quân vào ngày cuối năm và cúng tất niên
Sau khi lau dọn bàn thờ sạch sẽ, gia chủ sẽ chờ đến ngày cuối năm để làm lễ an vị mời Táo quân và các vị thần linh trở về nhà. Thông thường, lễ cúng này sẽ làm vào 30 Tết. Tuy nhiên, các gia đình cũng có thể thực hiện sớm hơn, tùy vào điều kiện. Cũng có thể làm lễ mời an vị thần linh và lễ tất niên cùng lúc, làm vào buổi trưa hoặc chiều 30 Tết.
Bữa cơm ngày cuối năm được làm thịnh soạn hơn ngày thường. Tùy vào vùng miền và điều kiện gia đình mà sẽ có những đặc trưng riêng như:
Miền Bắc người ta sẽ chuẩn bị canh móng giò hầm măng, miến lòng gà, xôi, bánh chưng, nem, giò lụa, giò xào....
Miền Trung và miền Nam thì hay chuẩn bị mâm cúng tất niên có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà luộc, thịt kho tàu,...
Mâm cúng được bày biện một cách gọn gàng trên bàn thờ tổ tiên. Gia chủ sẽ thắp hương và đọc văn khấn. Sau khi hương tàn thì cả gia đình có thể dùng bữa.
* Bài viết mang tính tham khảo.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất