12 phim điện ảnh tranh giải Cánh Diều Vàng

15/03/2012 09:53 GMT+7 | Phim

Mùi cỏ cháy, Tâm hồn mẹ, Hot boy nổi loạn cạnh tranh với các "thảm họa phim Việt" như Hello cô Ba, Lệnh xóa sổ tại hạng mục phim truyện của giải thưởng Cánh Diều, sẽ diễn ra tối 17/3 tại Hà Nội.

1. Mùi cỏ cháy

Giành giải Bông Sen Bạc tại LHP Việt Nam 17 tổ chức tại Phú Yên cuối năm ngoái, Mùi cỏ cháy là bộ phim có đề tài chiến tranh của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Lấy bối cảnh năm 1971, phim xoay quanh câu chuyện về 4 chàng sinh viên Hoàng - Thành - Thăng - Long đang ngồi trên ghế giảng đường quyết định lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Tuổi trẻ của họ bị chôn vùi giữa bom đạn, khói lửa ở mặt trận Quảng Trị…
 


Bốn nhân vật Hoàng - Thành - Thăng - Long trong "Mùi cỏ cháy".

Phim nhà nước năm nay chỉ có hai tác phẩm tham dự là Mùi cỏ cháy Tâm hồn mẹ nhưng tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần hiện là ứng cử viên nặng ký nhất cho giải Cánh Diều Vàng bởi nhiều lý do. Đề tài chiến tranh, lịch sử luôn là lựa chọn “an toàn” của các vị giám khảo, cộng thêm việc có dư luận tốt sau khi trình chiếu càng giúp Mùi cỏ cháy có nhiều cơ hội chiến thắng hơn cả.

2. Hot boy nổi loạn

Bộ phim khai thác đề tài đồng tính của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng là tác phẩm giành được giải Bông Sen Bạc, cộng với rất nhiều giải cho diễn xuất, đạo diễn tại LHP Việt Nam 17. Phim xoay quanh hai tuyến chuyện chính, một về chàng trai trẻ đồng tính tên Khôi từ quê lên Sài Gòn lập nghiệp và gặp phải nhiều cám dỗ, câu chuyện còn lại về tình yêu giữa một cô gái điếm và chàng trai mập mạp ngớ ngẩn được gọi là Thằng Cười…


 
"Hot boy nổi loạn" của Vũ Ngọc Đãng có đề tài đồng tính.

Mặc dù nhận được nhiều ý kiến khen chê khác nhau khi ra mắt, Hot boy nổi loạn có sức ảnh hưởng lớn. Phim từng tham dự các LHP quốc tế như LHP Toronto (Cananda), LHP đồng tính Hong Kong, LHP Berlin (Đức). Trong một năm có quá nhiều “thảm họa điện ảnh” như 2011 thì việc Hot boy nổi loạn được xướng tên cho danh hiệu Cánh Diều Vàng sẽ không phải là điều quá bất ngờ.

3. Đó… hay đây

Được coi là “ẩn số” của giải thưởng Cánh Diều năm nay, Đó… hay đây là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Việt Kiều đã ngoài 60 tuổi, Síu Phạm. Phim kể câu chuyện gia đình của một nữ Việt kiều có chồng ngoại quốc nghỉ hưu, về sống tại một làng chài ven sông ở Việt Nam. Sự chuyển biến của ngôi làng khi vấn đề “đô thị hóa” tràn vào làm mọi thứ ở vùng ven sông yên bình này trở nên “nửa nạc nửa mỡ”…


Một hình ảnh trừu tượng trong phim "Đó hay đây" của đạo diễn Síu Phạm.

Đó… hay đây thuộc dòng phim tác giả với ngôn ngữ điện ảnh khác biệt so với nhiều phim Việt Nam thông thường. Phim đan xen giữa hai yếu tố - tưởng tượng và cuộc đời thực - và khơi gợi trong tâm trí người xem những hình ảnh trừu tượng về văn hóa tâm linh phương Đông. Dù chưa được chiếu trong nước nhưng Đó… hay đây từng là bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam tham dự LHP Pusan (Hàn Quốc) năm ngoái ở chương trình Những xu hướng mới.

4. Tâm hồn mẹ

Dựa trên ý tưởng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Tâm hồn mẹ xoay quanh câu chuyện về hai mẹ con sống ở bãi giữa sông Hồng. Người mẹ (Hồng Ánh) luôn bận rộn mưu sinh và mải mê chạy theo cuộc tình vô vọng. Trong khi đó, đứa con gái (Phùng Hoa Hoài Linh) còn nhỏ tuổi nhưng tự lập, luôn bảo vệ, che chở cho cậu bạn thân. Phim là sự đối lập giữa người mẹ "lớn" còn bồng bột và người mẹ "trẻ con" chín chắn.



Phùng Hoa Hoài Linh giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP Dubai năm ngoái với vai diễn trong "Tâm hồn mẹ".

Đây là bộ phim đánh dấu sự trở lại với điện ảnh của nữ đạo diễn Nhuệ Giang sau một thập kỷ. Chị cho biết đã ấp ủ ý tưởng thực hiện Tâm hồn mẹ từ 20 năm trước nhưng trải qua nhiều thử thách, khó khăn mới có thể hoàn thành. Câu chuyện không mới mẻ chính là yếu tố cản trở Tâm hồn mẹ đi tới Cánh Diều Vàng. Tuy nhiên, diễn xuất của diễn viên nhí Phùng Hoa Hoài Linh là điểm sáng hứa hẹn tạo nên những bất ngờ cho bộ phim.

5. Lời nguyền huyết ngải

Lời nguyền huyết ngải của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói về ba cậu sinh viên trường Y phát hiện ra một chiếc hộp gỗ cổ, đựng mẩu cây khô héo và bùa chú ở trong ngăn kéo của giáo sư Hoàn Sinh. Đây là một loại ngải được luyện bằng máu người và là một vị thuốc bí truyền của dân tộc Sắng La. Cuộc tìm kiếm đưa ba cậu sinh viên tới một ngôi nhà u ám và gặp gỡ Chiêu Dương, cô bé 16 tuổi xinh đẹp nhưng đầy vẻ ma mị…



NSƯT Thành Lộc và Phan Anh trong "Lời nguyền huyết ngải".

Mang phong cách nửa thương mại, nửa nghệ thuật, Lời nguyền huyết ngải đã ít nhiều gây được ấn tượng với khán giả khi chiếu vào dịp Tết nguyên đán 2012. So với 11 phim còn lại thì đây được đánh giá là tác phẩm dung hòa được mọi yếu tố, từ giải trí tới tác giả, từ câu chuyện tới diễn xuất. Lời nguyền huyết ngải cũng có nhiều cơ hội tranh giải ở các hạng mục Đạo diễn (cho Bùi Thạc Chuyên) hay Diễn xuất (cho NSƯT Thành Lộc).

6. Lệ phí tình yêu

Nhân vật trung tâm của phim là Hiền Dịu (Minh Hằng), một cô gái xinh đẹp với tính cách mạnh mẽ và là nhân viên thu nợ của ngân hàng. Trong một lần đi tìm con nợ Lý Văn Giàu (Huy Khánh), Dịu chạm mặt chàng diễn viên điển trai Hoàng Phú. Tình yêu nảy nở giữa Dịu và Hoàng Phú. Tuy nhiên, cuộc tình đẹp đẽ, lãng mạn và vô cùng nồng cháy này vẫn không làm Dịu quên đi “sứ mệnh thiêng liêng” của mình là truy tìm gã Lý Văn Giàu đáng ghét.

 


Minh Hằng và Huy Khánh trong "Lệ phí tình yêu".

Là tác phẩm “thuần” giải trí nhưng Lệ phí tình yêu nhận được khá nhiều lời khen và phản hồi tốt từ khán giả trong dịp Tết nguyên đán 2012. Ngoài Cánh Diều Vàng cho Phim điện ảnh xuất sắc, Lệ phí tình yêu còn có cơ hội tranh tài ở các giải thưởng dành cho Quay phim đẹp nhất, Nhạc phim xuất sắc hay Thiết kế mỹ thuật xuất sắc.

7. Long Ruồi

Tính đến nay, Long Ruồi là bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam với hơn 2 triệu USD (hơn 42 tỷ đồng) doanh thu phòng vé. Trong phim, Thái Hòa thủ hai vai - Tèo, một anh đầu bếp chân quê, nghèo túng lên thành phố kiếm sống, và Long Ruồi, trùm mafia khét tiếng nhất đất Sài Gòn. Sau một vụ thanh toán của giới giang hồ, Long Ruồi chịu cảnh sống thực vật và những tay xã hội đen phải kiếm người thế vai hắn.
 


Thái Hòa đóng hai vai trong "Long Ruồi".

Vốn có gương mặt giống Long Ruồi như đúc, Tèo từ một anh nông dân chân chất bỗng chốc lên thành "đại ca" ở nhà lầu, xe hơi và được vây quanh bởi các cô gái chân dài. Tèo cảm mến cô người yêu xinh đẹp của Long Ruồi là Nga (Tinna Tình). Tuy nhiên, anh không ngờ mình lại là con cờ bị lợi dụng. Tuy ăn khách nhưng Long Ruồi không được đánh giá cao về phương diện điện ảnh. Tại Cánh Diều lần này, phim có nhiều cơ hội ở hạng mục diễn xuất.

8. Vũ điệu đường cong

Trong phim, Võ Thành Tâm vào vai Lê Đình Long, chàng nha sĩ trẻ trung, đẹp trai bị ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại, vội vã nhưng lại trung thành với món... mì tôm. Kim Phượng đóng vai nữ chính, một cô diễn viên trẻ xinh đẹp đam mê bộ môn belly dance và cống hiến cho người xem những màn múa uyển chuyển, đầy mê hoặc. Ra mắt trong dịp Tết nguyên đán vừa qua nhưng doanh thu của Vũ điệu đường cong khá thảm hại.


 
Một cảnh trong phim "Vũ điệu đường cong".

Ban đầu phim được quảng cáo là phim về múa bụng nhưng những gì diễn ra trên màn ảnh lại rất khác. Vũ điệu đường cong gây nên khá nhiều tranh cãi về tính giải trí và ngôn ngữ điện ảnh. Tuy nhiên, cách dựng cảnh trong phim khá mới mẻ, độc đáo. Tính mỉa mai, châm biếm xã hội trong phim cũng ít nhiều tạo được tiếng cười cho khán giả. Tuy nhiên tại Cánh Diều lần này, cơ hội dành cho Vũ điệu đường cong không cao.

9. Saigon Yo!

Cũng có doanh thu bi đát khi ra rạp là Saigon Yo! của đạo diễn gốc Việt, Stephane Gauger. Chuyện phim kể về hai cô gái Mai và Kim có hai cuộc sống và đam mê khác nhau. Mai sống ở Bạc Liêu và đam mê múa lụa từ bé, trong khi Kim mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bụi đời và có tình yêu mãnh liệt với hip hop. Cuộc gặp gỡ tình cờ không chỉ đem đến một tình bạn đẹp cho hai cô gái trẻ, mà còn tạo nên các màn trình diễn ấn tượng.


 
Vân Trang và Quỳnh Hoa trong "Saigon Yo!".

Từng được đánh giá cao qua phim Cú và se sẻ (giành giải Phim hợp tác với nước ngoài hay nhất và Báo chí bình chọn tại Cánh Diều Vàng 2008), nhưng với Saigon Yo!, Stephane Gauger đã khiến nhiều người thất vọng. Tuy nhiên lần này, bộ phim có đề tài hip hop và giới trẻ của anh có nhiều cơ hội tranh giải Diễn xuất (cho nữ diễn viên trẻ Quỳnh Hoa).

10. Ngôi nhà trong hẻm

Ngôi nhà trong hẻm của đạo diễn Lê Văn Kiệt mới ra mắt dịp Valentine nhưng cũng được gửi đi tranh giải Cánh Diều Vàng. Nói về tầng lớp trung lưu của Sài Gòn hiện đại, phim chuyển tải bi kịch của một cặp vợ chồng trẻ khi mất đi đứa con đầu lòng do người vợ bị sẩy thai. Trở về nhà sau một thời gian dài nằm viện, người vợ bị dằn vặt về mất mát lớn lao đó và bắt đầu có nhiều biểu hiện kỳ lạ và vượt ngoài tầm kiểm soát…


 
Ngô Thanh Vân ma mị trong "Ngôi nhà trong hẻm".

Nhận về nhiều lời chỉ trích về nội dung, câu chuyện, quay phim… nhưng Ngôi nhà trong hẻm vẫn có cơ hội ở hạng mục diễn xuất bởi cả Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn đều những điểm sáng cứu vãn cho bộ phim. Tuy nhiên ở danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc, Ngô Thanh Vân sẽ phải “tranh đấu” với ứng cử viên nặng ký nhất giải này là Phùng Hoa Hoài Linh, diễn viên nhí của Tâm hồn mẹ.

11. Lệnh xóa sổ

Ra mắt dịp tháng 4 năm ngoái, Lệnh xóa sổ đóng “mác” phim hành động - võ thuật. Được đầu tư với kinh phí 600.000 USD (gần 12 tỷ đồng), Lệnh xóa sổ đề cập đến các tệ nạn xã hội hiện nay như đua xe, cá độ, cờ bạc, ma túy... thông qua câu chuyện về một nhóm tội phạm, đứng đầu là tên trùm buôn bán ma túy Trần (Nguyễn Chánh Tín). Dưới trướng của đại ca Trần có khá nhiều thuộc hạ. Đám tay chân nhận lệnh “xóa sổ” một thanh niên tên Hoàng…


 
Dàn diễn viên trong "Lệnh xóa sổ".

Có nhiều cảnh đánh đấm, hành động nảy lửa nhưng kịch bản của Lệnh xóa sổ lỏng lẻo, nhiều chi tiết quá vô lý, dễ dãi. Câu chuyện nhạt nhẽo kết hợp với một số màn tấu hài không ăn nhập lắm với nội dung phim cũng làm nên thất bại cho Lệnh xóa sổ. Tuy nhiên, phim vẫn rất tự tin tranh giải Cánh Diều Vàng lần này.

12. Hello cô Ba

Là phim đạt doanh thu cao nhất trong dịp Tết nguyên đán 2012 (hơn 25 tỷ đồng) nhưng Hello cô Ba được coi là “thảm họa chúa” trong tất cả thảm họa điện ảnh Việt Nam từ trước tới nay. Nội dung phim kể về anh chàng Tư Lặn (Hoài Linh) hiền lành, chất phác, một lần nhìn thấy cô Lựu (Kim Thư) tắm nên bị té giếng. Sau này, Lựu thành vợ anh nhưng từ lúc bị té, Lặn có khả năng đoán những gì đã, đang và sẽ xảy ra với mọi người xung quanh…
 

"Thảm họa phim Việt" của năm qua - "Hello cô Ba".

Gây cười kiểu bình dân với một chuỗi màn tấu hài được chắp vá và quay phim lại, Hello cô Ba đã bị “ném đá” khá nhiều ngay khi ra mắt. Tuy nhiên, khán giả vẫn tò mò ra rạp xem và khiến phim có doanh thu phòng vé cao. Sự có mặt của Hello cô Ba tại Cánh Diều Vàng năm nay hứa hẹn sẽ đem tới nhiều lời bình luận hài hước từ khán giả trong đêm trao giải.

Theo VnExpress


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm