22/04/2022 05:57 GMT+7 | SEA Games 32
(Thethaovanhoa.vn) - SEA Games 31 đánh dấu cột mốc rất đáng nhớ trong sự nghiệp thi đấu của nhiều tuyển thủ và biến họ trở thành “cỗ máy thời gian” của đoàn thể thao Việt Nam với 2 lần dự Đại hội được tổ chức trên sân nhà.
1. Nguyễn Tiến Minh (cầu lông, 39 tuổi)
Tay vợt giàu thành tích nhất của cầu lông Việt Nam sẽ góp mặt tại SEA Games 31 ở tuổi 39, đánh dấu cột mốc lần thứ 10 thi đấu ở sân chơi lớn nhất của thể thao khu vực và có thể là kỳ Đại hội cuối cùng trong sự nghiệp.
Tiến Minh thi đấu kỳ SEA Games đầu tiên vào năm 2003 khi tròn 20 tuổi. Gần 2 thập kỷ đã trôi qua, tay vợt số 1 Việt Nam từng 4 lần dự Olympic, nằm trong tốp 5 thế giới và giành HCĐ giải VĐTG năm 2013 nhưng chưa một lần được bước lên bục cao nhất tại SEA Games.
Thành tích nổi bật nhất của Tiến Minh là 4 tấm HCĐ, trong tổng số 12 tấm HCĐ mà cầu lông Việt Nam giành được tại SEA Games các 2005, 2007, 2013, 2017. Đặc biệt, anh là tay vợt nam duy nhất giành được huy chương cá nhân ở SEA Games trong lịch sử cầu lông Việt Nam.
Tại SEA Games 31, Tiến Minh vẫn là chủ lực và hi vọng lớn nhất tranh chấp huy chương của cầu lông Việt Nam với hi vọng có thể một lần được bước lên bục cao nhất, tận hưởng niềm vui chiến thắng ở Đại hội thể thao khu vực.
Tiến Minh không chỉ là tay vợt nắm giữ những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” mà còn là tấm gương tiêu biểu về ý chí và nghị lực trong tập luyện và thi đấu. Dù vậy, việc Tiến Minh vẫn phải “cày ải” ở các giải đấu từ trong nước đến quốc tế cho thấy những khoảng trống rất lớn về lực lượng phía sau và chưa biết đến khi nào, giấc mơ có được 1 tấm HCV đơn nam ở SEA Games của cầu lông Việt Nam mới trở thành hiện thực.
2. Trần Quốc Cường (bắn súng, 48 tuổi)
Sau khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chuyển sang sự nghiệp huấn luyện từ năm 2022, Trần Quốc Cường trở thành “ông già gân” ở đội tuyển bắn súng quốc gia với kinh nghiệm hơn 30 cầm súng và 27 năm tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp.
Với Trần Quốc Cường, SEA Games là đấu trường đã trở nên quá quen thuộc, khi anh từng góp mặt thi đấu lần đầu tiên vào năm 1995 ở kỳ Đại hội thứ 18 được tổ chức và lần thứ 2 có mặt trong đội hình thi đấu SEA Games tổ chức tại Việt Nam.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất về thành tích của Quốc Cường ở đấu trường này là 3 tấm HCV nội dung 50m súng ngắn hơi tự do đồng đội, 10m súng ngắn hơi cá nhân và 10m súng ngắn hơi đồng đội vào năm 2013 và 2015.
Trần Quốc Cường được ví như bông hoa quỳnh nở muộn của bắn súng Việt Nam khi ở tuổi 42 anh mới lần đầu tiên giành quyền tham dự Olympic 2016 và giành hầu hết các thành tích nổi bật nhất trong sự nghiệp như 3 lần giành HCĐ ASIAD các năm 2006, 2014 và 2018.
Tại SEA Games 31 trên sân nhà, Quốc Cường là một trong những hi vọng lớn tranh chấp HCV ở nội dung súng ngắn hơi 10m nam và súng ngắn tiêu chuẩn 50m nam. Ngoài ra, Quốc Cường còn trở thành điểm tựa tinh thần quan trọng cho các đồng đội trong thi đấu khi nhà vô địch Olympic 2016 đã chuyển sang công tác huấn luyện.
Điều rất đặc biệt ở thê đội bắn súng, ngoài Quốc Cường, còn 2 nữ xạ thủ là Phạm Thị Hà (25m súng ngắn thể thao nữ) và Đặng Hồng Hà (súng trường hơi di động) cũng từng thi đấu tại SEA Games 22 tới nay vẫn tiếp tục thi đấu. Hi vọng, những “lão tướng” này sẽ giúp bắn súng Việt Nam có một kỳ Đại hội thành công.
3. Hoàng Thị Tuất (bắn đĩa bay, 40 tuổi)
Năm 2003 ở kỳ SEA Games đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Hoàng Thị Tuất là một trong những xạ thủ gây bất ngờ lớn nhất khi đem về tấm HCV bắn đĩa bay cá nhân trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn cũng như các đối thủ. Đây cũng là một trong những tấm HCV đầu tiên môn bắn đĩa bay của Việt Nam tại sân chơi lớn nhất của khu vực.
Trước đó 5 năm, bắn đĩa bay mới du nhập vào Việt Nam và hầu như không nhiều người dám “mơ” có được tấm HCV khi các quốc gia Thái Lan, Singapore, Malaysia đã phát triển từ nhiều năm trước và có nhiều xạ thủ giàu kinh nghiệm. Thành tích của Hoàng Thị Tuất cùng các đồng đội đã đặt nền móng để môn bắn đĩa bay từng bước phát triển cho tới ngày nay.
Dù vậy, kỳ Đại hội trên sân nhà vào năm 2003 cũng chính là những ký ức đẹp nhất trong sự nghiệp thi đấu của Hoàng Thị Tuất ở SEA Games. Bởi bắn đĩa bay chỉ được tổ chức thêm 1 lần nữa vào năm 2005 tại Philppines ở SEA Games 23 và không xuất hiện trong chương trình thi đấu cho tới nay do nhiều quốc gia đăng cai loại bỏ.
Ở tuổi đã được nhiều đồng đội trong ĐTQG gọi bằng “cô”, Hoàng Thị Tuất vẫn đau đáu ước mơ một lần nữa tỏa sáng trên sân nhà, đem vinh quang về cho đất nước. Không còn là xạ thủ trẻ 21 tuổi giành 2 tấm HCV tại SEA Games năm nào, mà giờ đây Hoàng Thị Tuất đã trở thành cán bộ của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội với tấm bằng Thạc sỹ về giáo dục thể chất nhưng khát vọng chinh phục SEA Games vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Văn Mách (thể hình, 46 tuổi)
SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam chính là cột mốc đáng nhớ đầu tiên trong sự nghiệp và đưa Phạm Văn Mách từng bước trở thành một trong những lực sỹ giàu thành tích nhất của thể hình Việt Nam. Với cú hat-trick vàng trong 3 kỳ SEA Games liên tiếp các năm 2003, 2005, 2007, cùng với nhiều thành tích nổi bật như 5 lần vô địch thế giới (2017 2014, 2010, 2009, 2001) và 8 lần vô địch châu Á (trong giai đoạn từ 2004 đến 2014), Phạm Văn Mách hầu như không có đối thủ ở hạng 55kg.
Sau quãng thời gian làm mưa làm gió ở đấu trường châu lục và thế giới và 19 năm sau kể từ SEA Games 22, lực sỹ 46 tuổi quê An Giang lại có cơ hội tìm lại những trải nghiệm khi thi đấu trên sân nhà. Trong suốt thời gian qua, Phạm Văn Mách đã chuẩn bị rất tích cực về chuyên môn và với vị thế của một lực sỹ từng nhiều lần vô địch thế giới, mục tiêu của anh là giành tấm HCV tại SEA Games 31. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi ngay cả khi Phạm Văn Mách đã ở tuổi 48.
Theo phân tích của lực sỹ U50, có 4 tiêu chí để giám khảo và trọng tài chấm điểm ở môn thể hình, thứ nhất là về độ to cơ bắp, thứ hai là về độ sắc nét cơ bắp, thứ ba là về form người chuẩn và thứ tư là phong cách biểu diễn. Nếu hội tụ đủ 4 yếu tố này, mục tiêu giành tấm HCV có nhiều khả năng trở thành hiện thực và hi vọng lần thứ 2 đăng quang trên sân nhà vẫn đang rộng mở với Phạm Văn Mách.
Hoàng Thị Bảo Trâm (cờ Vua, 35 tuổi)
Giới yêu cờ có lẽ vẫn còn nhớ những khoảnh khắc kỳ thủ Hoàng Thị Bảo Trâm đánh bại Lê Kiều Thiên Kim - ứng viên số 1 cho tấm HCV - để lên ngôi vô địch nội dung cờ nhanh cá nhân nữ tại SEA Games 22 khi mới 16 tuổi. Thành tích của Bảo Trâm vào năm 2003 đã góp phần tạo nên một trong những kỳ Đại hội thành công nhất trong lịch sử của các nữ kỳ thủ ở SEA Games với việc đem về 4 tấm HCV cờ nhanh cá nhân nữ, cờ nhanh đồng đội nữ, cờ tiêu chuẩn cá nhân nữ, cờ tiêu chuẩn đồng đội nữ.
Trong sự nghiệp gắn bó với môn thể thao trí tuệ, tài năng của Bảo Trâm hé lộ từ năm 10 tuổi với thành tích giành HCĐ tại giải trẻ thế giới lứa tuổi U10, tiếp đó là 2 tấm HCV giải vô địch châu Á năm 2001 và 2003. Ở tuổi 19, Hoàng Thị Bảo Trâm đã chính thức đạt danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế nữ và là một trong những nữ kỳ thủ xuất sắc của cờ Vua Việt Nam. Trở lại với SEA Games 31, Hoàng Thị Bảo Trâm cùng với những người đồng đội như Phạm Lê Thảo Nguyên, Võ Thị Kim Phụng đang là những cái tên nhận được sự kỳ vọng lớn nhất trong việc đóng góp thành tích để hoàn thành chỉ tiêu giành 5 HCV trong 10 nội dung thi đấu tại Đại hội.
Vũ Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất