09/07/2023 18:34 GMT+7 | Thể thao
Dù chỉ mới ra đời từ năm 1991 và tới World Cup 2023 là lần tổ chức thứ 9, nhưng giải vô địch bóng đá nữ thế giới đã có đến 12 cầu thủ thuộc 5 quốc gia khác nhau từng... 22 lần ra sân. Đó thực sự là những "chị đại" của làng cầu nữ quốc tế.
Trong lần đầu tiên đội tuyển nữ Việt Nam tham dự World Cup, hãy cùng Thể thao & Văn hóa điểm lại những cầu thủ lão tướng này.
* 30 trận
- Kristine Lilly (Mỹ)
Kỉ lục 30 lần ra sân ở World Cup bóng đá nữ của Lilly cho thấy tầm quan trọng của cô đối với đội bóng thống trị làng cầu nữ và thể hiện sự ổn định không ngừng nghỉ của cô trong màu áo CLB Stars and Stripes. Tiền vệ hai lần vô địch World Cup bóng đá nữ đã chơi cho đội tuyển Mỹ trong khoảng 24 năm, lập kỉ lục thế giới với 354 trận đấu quốc tế trong thời gian đó.
Cô đã có đóng góp lớn trong chức vô địch World Cup tại Trung Quốc năm 1991 và trên sân nhà 8 năm sau đó, trước khi cô từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế vào năm 2010 với tư cách là một huyền thoại bóng đá thực thụ.
* 27 trận
- Formiga (Brazil)
Sau 26 năm thi đấu quốc tế, huyền thoại người Brazil Formiga vẫn là cầu thủ duy nhất, không phân biệt giới tính, đã tham dự 7 kì World Cup. Hành trình đi vào lịch sử giải đấu của cô bắt đầu từ năm 17 tuổi, khi Formiga tham dự World Cup 1995 tại Thụy Điển. Tua nhanh hơn 20 năm sau đó, ở tuổi 41, bậc thầy ở tuyến giữa vẫn đang thi đấu cho Selecao tại World Cup 2019 ở Pháp.
Đáng nói, World Cup Australia & New Zealand sẽ là giải đấu đầu tiên không có Formiga kể từ sự kiện đầu tiên năm 1991.
* 25 trận
- Abby Wambach (Mỹ)
Để chơi 25 trận chỉ trong 4 kì World Cup bóng đá nữ, bạn cần phải là một phần của một đội bóng thành công, điều mà Wambach chắc chắn đã làm được. Từ chiến thắng trong trận tứ kết trước Na Uy tại World Cup 2003 ở Mỹ, cho đến bàn gỡ hòa ở hiệp phụ trong trận tứ kết với Brazil tại World Cup 2011 ở Đức, Wambach đã tận hưởng rất nhiều khoảnh khắc huyền thoại tại sự kiện.
Cô bước ra sân khấu quốc tế với tư cách là nhà vô địch World Cup 2015 ở Canada, đồng thời là cầu thủ ghi bàn nhiều thứ hai của giải đấu, ngang với Birgit Prinz và đứng sau huyền thoại Brazil Marta.
- Carli Lloyd (Mỹ)
Đội trưởng - Lãnh đạo - Huyền thoại. Lloyd đã hạ màn cho sự nghiệp lẫy lừng vào năm 2021, sau 25 lần góp mặt tại các vòng chung kết World Cup, hai lần vô địch giải đấu và một cú hat-trick mang tính biểu tượng.
Sau khi ghi 3 bàn tại phiên bản 2015 để giúp Mỹ vào chung kết, Lloyd thực hiện sứ mệnh lịch sử tại World Cup. Cú hat-trick trong 16 phút vào lưới Nhật Bản đủ để Lloyd giành được Chiếc giày bạc, giải Bàn thắng của giải đấu và nâng cao chiếc cúp vô địch sau chiến thắng 5-2.
* 24 trận
- Homare Sawa (Nhật Bản)
Sawa đã tham dự 6 kì World Cup bóng đá nữ, và đáng chú ý nhất là đội tuyển Nhật Bản mà cô là đội trưởng đã giành chiến thắng tại Đức năm 2011. Cô ghi 5 bàn thắng ở giải đấu đó để giành Quả bóng vàng và Chiếc giày vàng, cũng như trở thành Cầu thủ nữ xuất sắc nhất năm 2011 của FIFA.
Homare Sawa giúp Nhật Bản lọt vào chung kết World Cup 2015 một lần nữa và giải nghệ với hơn 200 lần khoác áo đội tuyển quốc gia.
- Birgit Prinz (Đức)
3 năm là Cầu thủ nữ xuất sắc nhất thế giới của FIFA, Prinz áp đảo đến mức cô đã ghi bàn trong 5 trận đấu liên tiếp tại World Cup để giành được cả hai giải thưởng Chiếc giày vàng và Quả bóng vàng vào năm 2003.
Prinz trở lại vào năm 2007, trong đó có bàn mở tỉ số trong chiến thắng 2-0 trước Brazil trong trận chung kết để đăng quang ngôi vô địch. Cô giải nghệ vào năm 2011 với tư cách là cầu thủ khoác áo nhiều nhất và ghi bàn nhiều nhất mọi thời đại cho đội tuyển Đức.
- Julie Foudy (Mỹ)
Một huyền thoại khác của đội tuyển Mỹ vào những năm 1990 khi giành được hai chức vô địch World Cup. Foudy đã có một sự nghiệp quốc tế tuyệt vời kéo dài suốt ba thập kỉ, cô đã ghi bàn ở 4 giải đấu liên tiếp, mở đầu trong trận đè bẹp Đài Bắc Trung Hoa 7-0 tại vòng tứ kết World Cup 1991 - đây vẫn là chiến thắng cách biệt lớn nhất từng thấy ở vòng knock-out - trước khi ghi bàn thắng cuối cùng tại World Cup bóng đá nữ vào lưới Nigeria 12 năm sau.
* 23 trận
- Mia Hamm (Mỹ)
Là một trong những cầu thủ ra mắt trẻ nhất của Mỹ ở tuổi 15, Hamm bùng nổ ở đấu trường World Cup bóng đá nữ khi cô ghi bàn thắng ấn định chiến thắng 3-2 trước Thụy Điển tại Trung Quốc năm 1991. Cô tiếp tục ghi bàn thắng thứ hai trong trận đấu với Brazil khi Stars and Stripes sau đó giành được vương miện đầu tiên. Mia Hamm còn ghi thêm 2 bàn nữa trong thành công tại World Cup 1999 trên sân nhà và hai bàn khác vào năm 2003.
- Joy Fawcett (Mỹ)
Một cầu thủ phòng ngự chắc chắn, nổi bật ở cả vị trí trung vệ và hậu vệ cánh, Fawcett là cầu thủ Mỹ duy nhất chơi đủ số phút trong các kỳ World Cup 1995, 1999 và 2003. Là người ghi bàn tại 3 kì World Cup bóng đá nữ, pha lập công đáng chú ý nhất của cô là vào lưới Đức ở vòng tứ kết World Cup 1999.
* 22 trận
- Bettina Wiegmann (Đức)
Tiền đạo người Đức đã thi đấu ở 4 kì World Cup từ năm 1991 đến năm 2003, ghi được 11 bàn thắng. Trong giai đoạn có cô, đội tuyển Đức đã thắng 15 trong số 22 trận, trong đó có chiến thắng 2-1 trước Thụy Điển ở trận chung kết tại Mỹ năm 2003.
- Hege Riise (Na Uy)
20 năm sau khi treo giày với đội tuyển Na Uy, ngôi sao Riise trở lại World Cup bóng đá nữ 2023 với tư cách là HLV đội tuyển quốc gia. Là một tiền vệ kì cựu đã tỏa sáng tại 4 giải đấu, Riise được vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất tại World Cup bóng đá nữ 1995 khi Na Uy sau đó giành danh hiệu lịch sử.
- Bente Nordby (Na Uy)
Một người Na Uy khác đã nếm trải thành công tại World Cup 1995, thủ môn Nordby đã chơi ở 4 kì World Cup bóng đá nữ. World Cup đầu tiên của cô là năm 1991, chơi dự bị cho Reidun Seth khi Na Uy lọt vào trận chung kết. Tuy nhiên, Nordby sẽ chiếm vị trí này tại Thụy Điển năm 1995, và chỉ để thủng lưới một bàn trên đường giành vương miện thế giới.
"Pele" Marta và kì World Cup thứ 6
Marta khẳng định cô không tìm kiếm bất kì sự đảm bảo nào từ HLV đội tuyển Brazil, Pia Sundhage về cơ hội thi đấu khi cô chuẩn bị cho chiến dịch World Cup bóng đá nữ lần thứ 6 của mình trên đất Australia và New Zealand tới đây.
Huyền thoại người Brazil là cầu thủ ghi bàn hàng đầu mọi thời đại của giải đấu, với 17 bàn tại các vòng chung kết. Giờ ở tuổi 37, Marta chấp nhận cô là một cầu thủ rất khác so với hiện tượng tuổi teen tỏa sáng ngay trong lần đầu tiên tham dự World Cup tại Mỹ năm 2003.
Tuy nhiên, phẩm chất bền bỉ của cô khiến cô vẫn là một thành phần quan trọng trong đội hình của Brazil. Chẳng hạn như tại France 2019, Marta trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn trong 5 kì World Cup khác nhau. Kỉ lục đó đã được Christine Sinclair bắt kịp sau đó trong giải đấu này và sau đó là Cristiano Ronaldo tại Qatar 2022.
Dĩ nhiên, cơ hội để Marta trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn ở 6 kì World Cup sẽ bị ảnh hưởng bởi việc cô được sử dụng như thế nào tại Australia và New Zealand. Hành trình Australia và New Zealand của đội tuyển Brazil sẽ bắt đầu bằng trận gặp Panama vào ngày 24/7, trước khi họ gặp Pháp và kết thúc vòng bảng bằng trận đấu Jamaica. Về cơ hội được điền tên vào đội hình ra sân của những trận đấu đó, nhưng cầu thủ nữ được mệnh danh là "Pele" này cho biết: "Tôi chưa bao giờ nói chuyện với bất kì HLV nào về việc đá chính. Hôm nay tôi hiểu rằng mình không phải là Marta của 20 năm trước. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy rằng, bất kể tôi có ra sân hay không, chúng tôi có những cầu thủ tốt nhất đại diện cho Brazil".
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất