Những cây muỗm

01/06/2014 10:00 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - Năm cây muỗm cổ thụ nữa ở đền Voi Phục coi như chết hẳn rồi ông ạ - bà chủ quán mở đầu buổi sáng bằng lời than thở.

Chuyện những cây muỗm cổ thụ ở đền Voi Phục, Thụy Khuê, Hà Nội, đang chết dần không phải chuyện mới. Tuổi của cây gần nghìn năm, là những Cây Di sản được vinh danh đợt đầu năm 2010 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (VACNE) đề xuất nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Một cái cây được xét duyệt và công nhận là phức tạp lắm. Một hội đồng được thành lập, đưa ra những tiêu chí cụ thể về tên khoa học của cây, xác định tuổi cây, chu vi, đường kính, chiều cao, các giá trị về văn hóa, lịch sử, xã hội và giáo dục... Nói chung, tiêu chí khắt khe và chính xác hơn cả với người. Có điều, để được trở thành Cây Di sản, cây tất yếu phải nhiều tuổi, và nhiều tuổi thì cũng như với người thôi, sẽ nhiều bệnh tật, nhiều loài đục thân cư trú, bộ rễ già mòn mỏi, bị các lũ công trình xây dựng cháu con bê tông chen lấn không gian…

Nhưng xét duyệt là chuyện của VACNE  còn chăm sóc Cây Di sản là chuyện của cộng đồng. Cộng đồng không chăm sóc, hoặc chăm sóc quá mức, tận dụng quá mức việc cây được vinh danh vì động cơ nào đó, đều dẫn đến việc các Cây Di sản nhanh chóng qua đời. Cũng vừa cách đây không lâu, cây gạo 300 tuổi ở Nông Cống - Thanh Hóa, đã “ra đi” trong sự tiếc thương của dân làng sau khi được vinh danh. Số phận cây đa 200 tuổi ở Phú Xuyên tương tự, một số dăm cành của cây đang chết dần ngay sau khi được vinh danh Cây Di sản ngày 9/4/2014 mới đây, bởi nhiều hộ dân ở gần đổ bê tông kín hết gốc rễ cây để lấy chỗ bán hàng. Người ta cũng đang cảnh báo chuyện 20 cây xoài cổ chùa Đá Trắng, cũng là Cây Di sản Việt Nam, ở xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên đang bị bệnh rầy bông, muội than, nếu không được cứu chữa kịp thời, cây có nguy cơ  chết đứng.

Chuyện Cây Di sản sớm qua đời nói chung không hiếm. Vấn đề chỉ là, vào những ngày thời tiết oi bức, không khí xã hội nóng hừng hực quanh vụ giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam, việc bà chủ quán lưu tâm và đau buồn về số phận những Cây Di sản ở đền Voi Phục có vẻ như không giống ai.


Đã có 5 trong tổng số 9 cây muỗm cổ thụ đã chết, nhà đền mới chỉ trồng mới lại được 1 cây muỗm.

Nhưng nghĩ cho cùng, chỉ bà mới có lý. Càng ngày Thủ đô càng bớt màu xanh tươi. Không chỉ Cây Di sản, mà những cây cổ thụ, cây xanh lớn bình thường, cũng vắng dần. Người ta kể trên đoạn đường Đê La Thành, mấy cây to chắn trước mấy cửa hàng, cả một đoạn dài, cứ tự nhiên héo rũ mệt mỏi, rồi chết. Có những cuộc đầu độc diễn ra giản đơn, muối chôn gốc cây hoặc tưới dầu hỏa… Nghe cũng rùng mình. Để thông thoáng mặt tiền, lấy chỗ cho ô tô đậu, người ta sẵn sàng hạ sát cây xanh. Những cái cây sống bao năm trên đời chết vì những lý do tệ hại như thế. Cái cách cư xử như vậy liệu có bị trừng phạt không? Hình như chưa thấy ai bị phạt cả.

Tôi cứ nghĩ chính mình lo những việc nhỏ vừa sức, nghĩ đến việc làm những điều tử tế, chăm sóc cây cối, nuôi con gà con lợn lấy thức ăn sạch, dạy con dạy cháu đạo lý… thì cũng là nghĩ đến đất nước ông ạ. Cần gì cứ phải cao giọng đúng không ông? Hễ giặc đến thì đánh. Muốn đánh giặc thì từng nhà phải đủ ăn, phải mạnh… Nghe bà chủ quán nói như cán bộ tuyên giáo, nhưng dù sao cũng dễ chịu vì trong đó có màu xanh của cây…

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm