12/08/2023 09:39 GMT+7 | Giải trí
Casablanca là bộ phim mang tính thời sự vào thời điểm phim được thực hiện hồi năm 1942. Phim được dàn dựng dựa trên những gì đang xảy ra ở phía bên kia Đại Tây Dương, nơi Thế chiến II đang bùng nổ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng đằng sau quá trình làm phim đoạt giải Oscar này là những câu chuyện khó tin.
Casablanca là câu chuyện về một người Mỹ - Rick Blaine (Humphrey Bogart), người điều hành một hộp đêm ở Ma-rốc do Pháp kiểm soát. Đức quốc xã, các chiến binh kháng chiến và những người tị nạn đều đến hộp đêm của Rick để trao đổi bí mật và lên kế hoạch trốn thoát.
Làm việc với đạo diễn coi diễn viên như đạo cụ, kịch bản "ăn đong"
Trong số đó có Ilsa Lund (Ingrid Bergman) – người yêu cũ của Rick - người đến hộp đêm cùng chồng cô - thủ lĩnh kháng chiến Victor Laszlo.
Biết rằng Victor đang bị các đặc vụ Đức theo dõi, Ilsa hy vọng rằng Rick giúp tạo cho họ lối đi an toàn đến Mỹ.
Nhưng khi tình yêu dành cho Rick nảy nở trở lại, cô quyết định ở lại với Rick và để Victor đi một mình. Rick rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: trái tim và lương tâm.
Ngay khi bộ phim được bấm máy, dàn diễn viên và ê-kíp làm phim đã gặp vấn đề với đạo diễn là Michael Curtiz – được biết đến với cái tên "Mike sắt". Curtiz luôn quát tháo và ra lệnh mà chẳng nể nang gì, coi diễn viên không khác gì đạo cụ.
Buổi sáng đầu tiên trên phim trường, các diễn viên mới được học lời thoại cho cảnh họ sắp thực hiện bởi các nhà biên kịch mới chỉ hoàn thành phần thoại đó 1 ngày trước và vẫn đang tiếp tục viết với phần còn lại.
Và đó là cảnh quay Bogart đang trong một quán cà phê ở Paris. Bên cạnh ông là Arthur 'Dooley' Wilson, đang ngân nga vài ô nhịp với cây đàn piano từ bài hát As Time Goes By của Rudy Vallée. Còn nữ diễn viên Thụy Điển Ingrid Bergman đứng bên cạnh lắng nghe.
Bogart gặp bạn diễn Bergman chỉ vài tuần trước khi phim được bấm máy. Thời gian làm quen nhau quá ngắn nên trong quá trình quay phim họ cảm thấy gượng gạo, đặc biệt là trong những cảnh hôn.
Bogart thấp hơn Bergman nên trong quá trình quay phim ông đều phải độn thêm giày.
Ngay cả khi kịch bản đã hoàn thành, họ vẫn thiếu niềm tin vào câu chuyện. Các phần thoại thì phải sửa đi sửa lại nhiều lần và diễn viên chỉ nhận được phần thoại vào phút trước khi quay.
Bản thân Bergman cũng lo lắng khi cảm thấy không hiểu rõ về nhân vật mà cô đang đóng. Cô phàn nàn với nhà biên kịch Howard Koch: "Làm sao tôi có thể đóng cảnh yêu đương khi tôi không biết mình sẽ đóng với ai?".
Tệ hơn nữa, mối bất hòa giữa đạo diễn với các diễn viên ngày càng nghiêm trọng khi khi họ ngày càng thất vọng với vị đạo diễn người Hungary.
Phim thành công ngoài mong đợi
Tiến độ làm phim đã chậm hơn một tuần so với kế hoạch và họ chuẩn bị quay cảnh sân bay cao trào. Nhưng trước khi máy quay bắt đầu quay, Bogart đã cãi nhau với Curtiz và từ chối tiếp tục. Nhà sản xuất Hal Wallis đã phải can thiệp để chấm dứt tình trạng bế tắc.
Sau tất cả những điều đó, Casablanca đã gặt hái thành công sau khi có mặt ở rạp chiếu vào ngày 26/11/1942 tại New York.
Warner Bros quyết định tăng giá vé xem phim lên gần 50% khi dự đoán rằng sẽ có thêm sự quan tâm từ công chúng vì binh lính Mỹ vừa giành được một chiến thắng đáng chú ý ở Bắc Phi.
Ở những nơi khác khắp nước Mỹ, phim cũng gây được sự quan tâm lớn và cuối cùng Casablanca đã thu về được 3,7 triệu USD trong tuần đầu tiên và trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ 7 trong năm 1943.
Sự hoan nghênh của giới phê bình cũng nhiệt tình không kém. New York Times coi Casablanca là một "câu chuyện phong phú, ngọt ngào, thú vị và cảm động" và nhận định Bogart "là một người đàn ông lạnh lùng, đầy hoài nghi và siêu khôn ngoan với cốt lõi là tình cảm và chủ nghĩa lý tưởng bên trong".
Khán giả xem phim say mê sự hiện diện của ngôi sao Bogart, chưa bao giờ được thể hiện tốt hơn như trong Casablanca.
Xuyên suốt bộ phim, Bogart không bao giờ tỏ ra bối rối, nhưng khán giả có thể nhận ra xung đột nội tâm của ông.
Trong cảnh quay cuối cùng, mang tính biểu tượng của Rick và Ilsa, Bogart vững vàng và kiên quyết, nhưng toàn bộ con người ông run lên vì nghi ngờ, đau buồn và hối hận. Bogart diễn vô cùng thuyết phục và mạnh mẽ trong cảnh đó.
Ngạc nhiên là ngoài đời, Bergman và Bogart lại là hai người khắc khẩu. Nữ diễn viên gốc Thụy Điển đã nhận xét về bạn diễn của mình: "Tôi hôn anh ta nhưng tôi chưa bao giờ hiểu anh ta".
Nhiều năm sau đó khi gặp lại nhau, Bogart nói: "Cô đã từng là một ngôi sao lớn nhỉ. Thế còn bây giờ cô là gì?", Bergman đã trả lời: "Một người đàn bà hạnh phúc".
Nhưng trên tất thảy, Bergman và Bogart được xem là một trong những cặp đôi nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh.
Phần đời bi kịch của Humphrey Bogart
Bogart lúc này đã là một ngôi sao điện ảnh hàng đầu và đang trên đà đạt được những thành công lớn nhất của mình. Ông ngày càng được các đồng nghiệp kính trọng.
Nhưng với Bogart, quá trình đóng phim Casablanca là một trải nghiệm đau khổ. Bất cứ điều gì cũng có thể khiến ông thất vọng và dễ tức giận.
Những cuộc xung đột của nam diễn viên với Curtiz phản ánh những gì cũng diễn ra trong ngôi nhà của ông.
Cuộc hôn nhân kéo dài 4 năm của ông với nữ diễn viên Mayo Methot – người vợ thứ 3 của ông - thậm chí còn căng thẳng hơn khi cả 2 đều có tính nóng nảy và uống rượu vô tội vạ. Họ liên tục có những trận cãi vã và "hàng xóm được ru ngủ bằng những tiếng kính vỡ loảng xoảng".
Đến năm 1942, tình trạng uống rượu của ông trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết và chứng nghiện rượu của ông bắt đầu đe dọa mọi thứ mà ông đang trên đà đạt được với tư cách là một ngôi sao hàng đầu Hollywood.
"Bogie đánh nhau với tất cả mọi người, trên trường quay và ngoài đời" - một đạo diễn phim nhớ lại.
Cuộc hôn nhân của họ diễn ra khá buồn vì ngay từ đầu mặc dù mỗi người đều nghĩ rằng mình đã tìm được người bạn đời hoàn hảo. Nhưng rồi mọi chuyện trở nên chua chát và Bogart đã không chung thủy với vợ.
Thực tế, Bogart không phải là người thích tán tỉnh phụ nữ và lại càng không phải là người hám tình dục. Do vậy, việc ông ngoại tình cho thấy nam tài tử bất hạnh như thế nào vào mùa Xuân năm 1942, tâm trạng giận dữ và bối rối.
Phim kinh điển không bị lãng quên
Casablanca giành 8 đề cử giải Oscar và tại lễ trao giải Oscar lần thứ 16 (năm 1942), phim chiến thắng tại 3 hạng mục quan trọng là Phim hay nhất (cho Hal B. Wallis), Đạo diễn xuất sắc nhất (cho Michael Curtiz) và Kịch bản chuyển thể hay nhất (cho Julius J. Epstein, Philip G. Epstein và Howard Koch).
Đây là giải Oscar đầu tiên của đạo diễn Michael Curtiz sau 3 lần đề cử vào các năm 1942 và 1938.
Năm 1989, phim đã được Viện lưu trữ phim quốc gia của Mỹ chọn vào danh sách bảo tồn của viện ngay trong đợt đầu tiên.
Trong các danh sách xếp hạng phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, Casablanca thường xuyên được lựa chọn.
Trong khi nhiều bộ phim sản xuất thập niên 1940 dần bị quên lãng theo thời gian thì Casablanca cho tới năm 1977 vẫn là tác phẩm điện ảnh được chiếu lại nhiều nhất trên truyền hình Mỹ.
Nhiều bộ phim sau này đã dựa trên các yếu tố của Casablanca, như A Night in Casablanca (1946) của Marx Brothers, The Cheap Detective (1978) của Neil Simon và Out Cold (2001).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất