Định nghĩa mới cho 'nhạc đỏ'

14/05/2014 16:07 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Sự trở lại có phần nào rầm rộ hơn bình thường của “nhạc đỏ” trên sóng truyền hình, từ các cuộc thi hát đến gameshow ca nhạc cùng với vị trí vững chắc trên thị trường ca nhạc của một số ca sĩ là ngôi sao chuyên “nhạc đỏ”, cho thấy sức sống đáng kể của dòng nhạc này và nhu cầu có thực của công chúng được thưởng thức những bài hát phần lớn ra đời từ khói lửa chiến tranh. Nhưng chính giữa sự trở lại đó, giữa những tranh cãi bất tận về việc hát thế nào cho ra “nhạc đỏ”, thì có một câu hỏi khác: Nhạc đỏ trong thời hiện tại, nên xếp vào đâu cho đúng vị trí? Cần phải có một định nghĩa mới cho “nhạc đỏ” để nó có lý do tiếp tục tồn tại, như một thực thể sống chứ không chỉ có tính trưng bày.

Khi những bài hát từng được ra đời với mục đích chính là cổ vũ chiến đấu, kêu gọi lòng yêu nước, ra khỏi không gian lý tưởng nhất để nó có thể phát huy cả mọi lợi thế về bản thân âm nhạc cùng tác động xã hội (thời chiến), câu hỏi dành cho dòng nhạc ấy là: Nó sẽ tồn tại ra sao trong bối cảnh mới?

Không mới chuyện ca sĩ trẻ “phá nhạc đỏ”

Khi những ca sĩ như Trọng Tấn, Anh Thơ trở thành ngôi sao hàng đầu của thế hệ ca sĩ mới hát nhạc đỏ, không chỉ thành công về nghệ thuật biểu diễn những bài hát dòng nhạc này (họ dành nhiều giải thưởng, nhận nhiều lời khen tặng từ các nghệ sĩ đàn anh và các giáo sư âm nhạc…) mà còn có một cuộc sống khá giả xứng đáng với vị trí của họ trên thị trường ca nhạc, thì niềm tin về sức sống của nhạc đỏ được củng cố. Niềm tin ấy vững chắc hơn khi mà ở cuộc thi Sao Mai, bảng cổ điển thính phòng thực ra là “bảng nhạc đỏ”, mà cứ mỗi mùa thi là một lớp ca sĩ mới xuất hiện, trong đó nổi lên không ít tài năng thực sự, thoát khỏi đám đông để ghi dấu ấn cá nhân. Nếu “nhạc đỏ” tiếp tục chỉ đồng hành cùng những ca sĩ trường phái này, như một sự nối dài của truyền thống hát nhạc đỏ theo lối kinh viện, thì câu hỏi về một định nghĩa mới cho nó không cần thiết, vì ở đây không phát sinh ra cái gì mới với dòng nhạc này cả.


Ca sĩ Cẩm Vân với ca khúc Bài Ca không quên trong chương trình Giai điệu tự hào

Cái “mới” sinh ra khi từ cả phía biểu diễn và khán giả đều có những thay đổi theo hướng họ cần được hát, được nghe lại những bài hát nhạc cách mạng theo một cách khác. Đó có thể bắt đầu từ những thể nghiệm có tính nền móng, như ngày trước các giọng hát được coi như tiên phong về nhạc nhẹ của miền Bắc như Vũ Dậu, Lệ Quyên, Ái Vân, Quang Huy… đã hát chính những bài “nhạc đỏ” cùng thời với họ theo một cách khác với những nghệ sĩ của trường phái “nhạc đỏ” chính thống. Ở đây, không có sự so sánh ai hát hay hơn. Các giọng hát kinh điển như Quốc Hương, Trần Khánh, Bích Liên, Trung Kiên, Tuyết Thanh, Trần Hiếu, Quý Dương, Kim Oanh và rất nhiều tên tuổi lớn khác… rõ ràng đã là những tượng đài của dòng nhạc cách mạng, những gì họ đã hát, cách họ hát đã tạo ra cả một nền tảng vững chắc cho dòng nhạc này, tạo ra những chuẩn mực và hình thành những cái ngưỡng khó vượt cho thế hệ đi sau. Ai theo đuổi trường phái này nếu không đạt tới hoặc vượt ngưỡng ấy thì khó được công nhận thành công.

Vậy cho nên các nghệ sĩ đi sau, trong nỗ lực khẳng định cá tính sáng tạo của bản thân, cùng với sự thay đổi của xu hướng âm nhạc, đã tìm ra những cách thức mới để thể hiện “nhạc đỏ”. Không phải bây giờ mới có chuyện ca sĩ trẻ “phá” nhạc đỏ. Nhiều người lớn tuổi chắc còn nhớ hiện tượng Lệ Thu với bài hát Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân) và Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), hai bài hit lớn thời cuối những năm 1970. Công chúng thời đó yêu thích cuồng nhiệt Lệ Thu cho thấy nhu cầu có thực được nghe những bài “nhạc đỏ” theo cách nào đó khác đi, không phải vì phiên bản kinh điển đã thành lạc hậu, mà đơn giản là bài hát bất hủ thì càng cần có thêm những cách khác nhau khai thác tính bất hủ ấy cho nhiều đối tượng khán giả với nhiều gu thưởng thức khác nhau.

Nhu cầu được nghe cái mới từ cái kinh điển đến nay vẫn còn. Các ca sĩ trẻ nhận thấy một lượng khán giả tiềm năng lớn của dòng nhạc này, và họ sẽ có những cách khác nhau để cùng khai thác. Về tính chất, không khác mấy cách khai thác dòng nhạc trữ tình lãng mạn, thường gọi là “nhạc xưa”. Theo đó, cách hát dựa trên những chuẩn mực của các nghệ sĩ lớn dòng nhạc cách mạng, mang tính kinh viện, vẫn được tiếp nối với những ca sĩ rất thành công, mà Trọng Tấn có thể nói là cái tên thành công nhất hiện nay. Cách thứ hai, kết hợp các phong cách âm nhạc thịnh hành hiện nay vào trình diễn nhạc đỏ, có thể là bán cổ điển, nhạc pop, acoustic, thậm chí nhạc jazz, nhạc dance… Không có ca sĩ nào đặc biệt thành công với kiểu “nhạc đỏ” pha trộn này, nhưng với những bài hát hoặc sản phẩm âm nhạc nhất định, công chúng hào hứng đón nhận và qua đó ghi nhận thành công của một số ca sĩ như Tùng Dương, Thu Minh, Đức Tuấn, Hồng Nhung, Hồng Vy, Nguyên Thảo… Những lần trình diễn của họ, với những bài hát kinh điển, đã làm khán giả rung động, và như thế, có thể nói, nhạc đỏ đã có thêm một đời sống mới. Vậy, câu hỏi tiếp lúc này là, cần những gì để đời sống mới ấy phát triển tươi tốt mạnh mẽ và có chỗ đứng thực sự bên cạnh những phong cách truyền thống cùng với di sản âm nhạc từ quá khứ đến nay vẫn còn có sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ?

Định nghĩa nào cho nhạc chiến trong thời bình?

Khi các bài hát đã đi qua thời lửa đạn, hoặc nói chung đã ra khỏi cái bối cảnh lịch sử gắn chặt với nội dung của bài hát, thì cơ sở cho sự tồn tại lâu dài của nó nằm ở giá trị âm nhạc thực sự cùng thái độ tiếp nhận của người nghe. Giá trị âm nhạc có thể không thay đổi, nhưng thái độ thưởng thức thì có, và có thể làm thay đổi tính chất cũng như “số phận” một bài hát hay cả một dòng nhạc.

Một kinh nghiệm tương tự từ nước ngoài, nhiều bài hát ra đời trong Thế chiến 2 ở phe Đồng Minh, ở Liên Xô có tính cổ vũ chiến đấu, sau này vẫn thường được biểu diễn, ghi âm lại, và được xếp vào dòng nhạc “yêu nước” - “patriotic song”, tạo cơ hội cho những bài ca tiếp nối phong cách và tinh thần ấy. Hai năm trước, tại Anh, nhân 60 năm Nữ hoàng Elizabeth đăng quang và Đại hội thể thao Olympic diễn ra ở London, một số ngôi sao ca nhạc Anh, nhất là ca sĩ của dòng cổ điển giao thoa classical crossover phát hành các album “nhạc yêu nước”, bán rất chạy.

Ở Việt Nam cũng vậy, các bài hát giờ đây không còn mang tính hô hào chiến đấu, mà đã trở thành những bài ca đại diện cho lòng yêu nước, được hát lên để thể hiện lòng tự hào dân tộc, để nhớ lại những chiến công hào hùng. Cùng với những bài hát đã ra đời trong quá khứ, có rất nhiều các ca khúc mới mang phong cách âm nhạc kiểu “nhạc đỏ” cùng với tinh thần tự hào dân tộc tràn ngập, có thể coi là sự tiếp nối, và như thế, không gì hơn là chúng ta nên gọi “nhạc đỏ” cả xưa và nay là “nhạc yêu nước”.

Cùng với tinh thần tự hào dân tộc tràn ngập, không gì hơn, nên gọi “nhạc đỏ” cả xưa và nay là “nhạc yêu nước”.
Khi đã mang tinh thần yêu nước như thế, thì các bài hát nhạc đỏ sẽ đến với người nghe theo nhiều cách khác nhau, vì đối tượng thưởng thức giờ đây đã phong phú hơn nhiều. Chẳng hạn bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng (Doãn Nho) đã trở thành bài hát cộng đồng được hát lên vào mọi dịp cần thể hiện tinh thần đoàn kết, cũng như một bài hát vốn không được xếp vào “nhạc đỏ” - Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn nhưng nay có thể đứng chung với rất nhiều bài nhạc kháng chiến khác trong các hoạt động âm nhạc có tính quần chúng, và không ai thấy sự khác biệt.

Ca khúc đến với người nghe theo cách khác nhau thì tất nhiên cần những hình thức thể hiện cũng khác nhau. Tinh thần yêu nước không phải của riêng đối tượng nào, cho nên các nghệ sĩ thế hệ mới chọn hát các bài hát “nhạc đỏ”, họ cũng có những cảm xúc khác để thể hiện tinh thần ấy. Khán giả cũng có quyền tiếp nhận dựa trên những cảm xúc mang nhiều tính cá nhân của mình. Vì thế mới có chuyện cùng là Tùng Dương hay Đức Tuấn hát nhạc đỏ mà người thì khen nức nở người thì phản đối như thể hắt nước đổ đi; Thanh Lam khi hát bài của chính bố mình, nhạc sĩ Thuận Yến - Người mẹ miền Nam tay không đánh giặc về lý thuyết chị phải rất hiểu bài hát này, vì là “người nhà” của chính người đã viết ra bài hát ấy, nhưng rõ ràng cách hát của một diva nhạc nhẹ không dễ gì lọt tai các khán giả lớn tuổi, trong khi khán giả trẻ, nhất là fan của Thanh Lam thì vô cùng thích thú say mê khi thần tượng hát một bài nhạc đỏ kinh điển như thế. Tương tự, mới đây, Thanh Lam hát Một rừng cây một đời người (Trần Long Ẩn) trong chương trình Giai điệu Tự hào lập tức tạo ra hai luồng tranh luận trái ngược, một thì như thế mới là bản lĩnh rừng cây đời người, một đằng thì rừng cây kiểu ấy đời người nào chịu nổi. Các cuộc tranh cãi cứ vì thế mà trở nên… bất tận.

Nhưng dù thích hay không, phản đối dữ dội hay yêu thích cuồng nhiệt, thì thực tế là các ca khúc nhạc đỏ vẫn đang “sống khỏe” trong đời sống ca nhạc, bằng tất cả những cách thức gây ra sự tranh cãi vừa kể. Bằng cách ấy, nhạc đỏ tự nó chứng minh rằng giá trị âm nhạc sẽ vượt lên hết thảy, từ tính thời cuộc cho tới những quan niệm hoàn toàn trái chiều nhau. Dòng nhạc ấy đã đi qua khói lửa chiến tranh, đi qua những giai đoạn gian nan nhất của những năm đầu hòa bình và nay nó hoàn toàn có quyền được tỏa sáng trở lại trong không gian mới, không gian của thời hiện đại và công nghệ. “Nhạc đỏ” chứng minh được rằng nó sống thực sự, sống trong chính “cơ chế thị trường” của âm nhạc, sống trên mọi phương tiện biểu diễn, chứ không chỉ là những vật lưu trữ khu trú trong các băng nhạc tư liệu ở đài phát thanh.

Nguyễn Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm