13/06/2015 05:01 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đa phần những bức ảnh tại triển lãm Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến của Hãng thông tấn AP đã công bố cách đây 40 - 50 năm. Nhưng khi đặt cạnh nhau, 58 bức ảnh vẫn tạo ra một ấn tượng mạnh bởi sự khách quan và dũng cảm của những phóng viên đến từ nước Mỹ.
Như Thethaovanhoa.vn đã thông tin, triển lãm Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến do hãng Thông tấn AP tổ chức tại Hà Nội từ 12 - 22/6 tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội.
Những cảm xúc khác nhau của quân nhân Mỹ
Dũng cảm, bởi theo AP, một số nhân viên của họ đã tử nạn khi tác nghiệp trong chiến tranh Việt Nam. Người được biết tới nhiều nhất trong số đó là Huỳnh Thanh Mỹ, anh trai của tay máy nổi tiếng Nick Út. Lời đầu tiên khi triển lãm khai mạc vào sáng 11/6, Nick Út cũng dành cho anh mình: "Từ khi còn là một đứa trẻ, ông đã khơi lên ở tôi những ước mơ về nghề phóng viên chiến tranh. Và, sau khi ông tử nạn, chính AP đã tạo điều kiện để tôi nối nghiệp anh, như một sự đền đáp".
Nhưng, sự dũng cảm của các phóng viên AP tại Việt Nam còn đến từ một góc khác, khi rất nhiều trong số họ chịu sức ép từ chính quyền nước Mỹ. "Nhiều người cho rằng, cách đưa tin ấy thiếu công bằng với quân đội Mỹ" – ông Gary Pruitt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hãng AP, chia sẻ thêm. "Từ những phóng viên thường trú tại Việt Nam cho tới những lãnh đạo của AP ở bên kia Thái Bình Dương, chúng tôi luôn phải nhận về những lời cảnh cáo hoặc thậm chí là đe dọa vì việc làm ảnh hưởng tới các nỗ lực quân sự của Chính phủ".
58 bức ảnh tại triển lãm là nhiều góc máy khác nhau về tâm trạng và cảm xúc của các quân nhân Mỹ, cũng như những gì mà người dân VN đang trải qua trong chiến tranh. Rất nhiều trong số đó đã được sử dụng tại "cuộc chiến trong lòng nước Mỹ" – cách mà truyền thông nói về phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại đây.
Đó là cảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn năm 1963, cảnh người cha ôm xác con trước mũi xe bọc thép của lính Việt Nam Cộng hòa, cảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tù binh năm 1968, hay cảnh những người lính Kỵ binh bay của Mỹ ném chiếc nia sàng thóc – vật dụng cuối cùng của một gia đình nông dân – vào ngôi nhà đang cháy tại Tam Kỳ...
Pulitzer và sứ mạng nhà báo
Riêng với Nick Út, bức ảnh "Cô bé Napal" nổi tiếng của ông được đặt tại vị trí trang trọng nhất trong triển lãm. "Khi bức ảnh công bố vào năm 1972, tôi nghe nói chính quyền Mỹ thừa nhận rằng mình sai lầm vì để phóng viên được quyền đưa tin trong các cuộc hành quân như vậy" – Nick Út kể thêm - "Và, đó cũng là một trong những lý do để trong chiến tranh Iraq vừa qua, phóng viên Mỹ gần như không được tác nghiệp cùng các đợt hành quân".
"Có thể, đó là những hình ảnh không hề dễ chịu với một số người. Nhưng, sứ mạng của nhà báo là đưa tin một cách chính xác, khách quan và trung thực" – ông Gary Pruitt nói. "Đó là những gì chúng tôi đã làm khi ấy, và cũng sẽ làm bây giờ". Thực tế, 6 giải Pulitzer cho các phóng viên của AP trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam là phần thưởng mà họ nhận về từ sứ mạng ấy.
Diễn ra tại 45 Tràng Tiền, triển lãm Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến sẽ kết thúc vào 22/6. Sau đó, 58 bức ảnh tại triển lãm sẽ được chuyển tặng cho Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam để làm tư liệu trưng bày.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất